Xử lý bệnh ký sinh trùng trên cá

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong mùa mưa lũ, các bệnh ký sinh trùng (đặc biệt là bệnh ngoại ký sinh trùng) thường phát sinh nhiều, gây hại cho cá. Do đó, người nuôi cần lưu ý để có biện pháp phòng và trị bệnh hiệu quả.

Nguyên nhân

Nguyên nhân là do nhiệt độ môi trường thường xuống thấp, nhất là vào những lúc thời tiết âm u, mưa lũ kéo dài và hàm lượng chất hữu cơ thường tập trung cao trong nước do sự rửa trôi của vật chất hữu cơ xuống các ao, hầm, sông, kênh, rạch. Đây là yếu tố tạo điều kiện cho các ký sinh trùng như: Trùng bánh xe, trùng mỏ neo, sán lá,… phát sinh và phát triển trong môi trường nước.

Dấu hiệu

Các loại ký sinh trùng thường ký sinh trên các bộ phận của cơ thể cá như da, vây, đuôi, mắt, mũi, xoang miệng, mang,… nhiều ký sinh trùng ký sinh bên trong nội tạng cá như gan, ruột, túi mật. Khi ký sinh trùng, nấm, tấn công cá, gây ra các vết thương trên cơ thể cá, cá bị suy nhược sức khỏe, hình thành các vết thương trên cơ thể, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công từ môi trường nước vào bên trong nội quan cá. Các vi khuẩn như Edwardsiella ictaluri, Aeromonas sp, Streptococcus… là đối tượng trực tiếp gây tử vong cho cá nuôi.

Cá tra bị nhiễm giun tròn ở cuống mật sưng to, thân, vây cá chuyển màu vàng. Ảnh: bomviethuynh

Biểu hiện thường thấy khi cá nuôi bị ký sinh trùng tấn công đó là da cá chuyển từ màu sáng sang tối sẫm, đen hoặc trắng nhạt, có hiện tượng xuất huyết dưới da. Vảy cá xù lên, bong ra từng mảng, xuất hiện vết thương ăn sâu vào cơ thể cá, nơi vảy tổn thương. Cá bơi lội, di chuyển khó khăn, hay tấp mé bờ, bơi lội không định hướng, cá tụ tập nhiều nơi có nguồn nước từ bên ngoài chảy vào ao,…

Phòng bệnh

Sau khi thu hoạch phải tháo nước, bón vôi và phơi đáy ao. Sau 5 – 10 ngày cho nước vào ao sau đó dùng vôi hoặc các loại hóa chất Iodine, TCCA,… xử lý nước trước khi thả cá. Nước thay vào ao cần lắng, lọc, xử lý kỹ trước khi sử dụng. Thường xuyên kiểm tra mực nước, màu nước trong ao để kịp thời điều chỉnh.

Tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách bổ sung Vitamin C trộn vào thức ăn cho cá ăn hằng ngày. Liều lượng sử dụng tùy theo đối tượng nuôi. Hoặc sử dụng chế phẩm sinh học và enzyme tổng hợp để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột; liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Để phòng trị các dạng bệnh ngoại ký sinh trùng trên cá, người nuôi có thể định kỳ 10 – 15 ngày/lần sử dụng vôi và muối cho vào túi vải treo ở 4 góc nơi cho cá ăn và nên bắt đầu treo khi cho cá ăn, cụ thể: Nuôi lồng bè sử dụng vôi: 2 – 5 kg/túi, muối 10 – 20 kg/túi; Nuôi ao sử dụng vôi: 1 – 2 kg/túi, muối 10 kg/túi.

Nếu phát hiện đàn cá nuôi có biểu hiện giảm ăn, trên da và mang có nhiều nhớt, cá bệnh chết với số lượng ít và tăng không đáng kể thì thực hiện việc treo vôi và muối trong 3 ngày liên tục, mỗi ngày thay 10 – 15% lượng nước ao. Đồng thời đưa mẫu cá bệnh đến cơ sở chẩn đoán gần nhất để được hỗ trợ trong việc chuẩn đoán bệnh cá.

Bên cạnh đó, có thể sử dụng thêm lá xoan, dây giác, cỏ mực đập giập bọc lại bằng lưới cước treo ở đầu bè hoặc ở chỗ cho ăn với liều lượng mỗi lần treo từ 5 – 10 kg để nâng cao hiệu quả phòng ngừa các bệnh ngoại ký sinh trùng trong mùa mưa, lũ.

Xử lý

Khi phát hiện cá nuôi bị ký sinh trùng tấn công, người nuôi cần giảm 50% lượng thức ăn sử dụng trong ngày, hoặc ngưng cho cá ăn 1- 2 ngày, tiến hành thay 30 – 50% lượng nước ao. Chẩn đoán đúng bệnh để đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả. Các hóa chất thường sử dụng điều trị ký sinh trùng như: Muối ăn (NaCl), thuốc tím, Formaline, CuSO4,… Liều lượng và cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Thanh Hiếu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!