Nghệ An: Phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng mặt nước hồ thủy lợi, thủy điện và các sông, suối, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã hình thành và phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông, hồ theo hướng sản xuất hàng hóa và bước đầu mang lại hiệu quả cao.

Sinh kế ổn định 

Nguồn nước sông dồi dào, sạch và với phương pháp nuôi tự nhiên: Cho ăn thức ăn xanh, rong rêu, cỏ, cây chuối nên cá lồng nuôi trên sông có thịt dai, chắc và thơm, được thị trường ưa chuộng. Hiện, các địa phương có nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh như: Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Con Cuông,… Các lồng nuôi đều đầu tư lắp đặt theo công nghệ cải tiến (khung lồng bằng nhựa PE, ống sắt mạ kẽm và lưới), kích cỡ từ 50 m3 trở lên. Để đạt hiệu quả nuôi cá lồng, các hộ đang chọn những giống cá chủ yếu như cá trắm, chép, rô phi,… một số hộ đưa thêm đối tượng mới như cá chiên, cá lăng,… với số lượng không đáng kể.

Cá lồng chủ yếu được nuôi bằng thức ăn tự nhiên như lá chuối, cỏ, cá mương băm nhỏ. Ảnh: NL

Huyện Quế Phong có khoảng 100 hộ dân tham gia, với hơn 600 lồng cá các loại. Trong đó, số lồng được hỗ trợ của tỉnh là 473 lồng; số lồng người dân tự bỏ kinh phí đầu tư và phát triển nhân rộng mô hình là 157 lồng, tập trung chủ yếu ở bản Mường Hinh (13 hộ nuôi với 171 lồng), bản Pù Duộc (17 hộ nuôi với 169 lồng), bản Na Chảo – Piềng Văn (8 hộ nuôi với 129 lồng),… các loại cá được người dân hiện tại đưa vào nuôi là cá trắm cỏ, cá leo, cá lăng, cá rô phi, cá diêu hồng,… Với giá bán ổn định, từ 50.000 đồng/kg trở lên, lại có thể nuôi được nhiều, nhờ vậy mà việc nuôi cá lồng thực sự đã trở thành sinh kế ổn định cho người dân nơi đây.

Còn tại huyện Tương Dương, việc nuôi cá lồng cũng được người dân địa phương triển khai nhiều, chủ yếu là ở lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, lòng hồ thủy điện Khe Bố.Ông Lô Khăm Kha – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tương Dương cho biết: “Hết năm 2023, toàn huyện có gần 22.000 m3 tổng thể tích nuôi cá lồng tại lòng hồ thủy điện, với trên 429 lồng cá, bình quân cho thu nhập mỗi lồng từ 25 -30 triệu đồng/năm. Riêng khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ có trên 300 lồng cá, hàng chục hộ đã thoát nghèo, có kinh tế ổn định nhờ nuôi cá. Huyện có nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp, cá nhân tham gia liên kết vào chuỗi giá trị nuôi trồng thủy sản thông qua các khâu: Nuôi trồng – chế biến, bảo quản tươi sống – thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tiến tới thiết kế bộ nhận diện thương hiệu như cá lăng, cá chình (Tương Dương). Qua đó, phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện thành sinh kế bền vững, góp phần tăng thu nhập cho bà con”.

Tạo hướng đi vững chắc

Nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đang là hướng đi mới mang lại hiệu quả cao, ngoài vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho người dân sống quanh lồng hồ, còn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân vùng lòng hồ thủy điện. Tuy nhiên, khó khăn đối với người nuôi cá lồng đó chính là ở các huyện Tương Dương, Quế Phong không có trại ương giống cá quy mô lớn, phải phụ thuộc con giống từ các địa phương khác. Vì thế mà khi vận chuyển xa, một số loài cá không thích nghi được với điều kiện khí hậu thời tiết vùng núi, do vậy chất lượng con giống không cao, cá chậm phát triển ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.

Cùng đó, phần lớn người dân nuôi cá lồng vẫn còn mang nặng tập tục sản xuất của địa phương, cá nuôi gối vụ qua nhiều năm, nhiều lứa nên hiệu quả nuôi trồng thủy sản chưa cao. Hơn nữa do trình độ dân trí không đồng đều, thiếu kiến thức về áp dụng khoa học kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, cùng với mức độ đầu tư thâm canh còn thấp, nên cũng ảnh hưởng rất lớn đến năng suất.

Để phát huy hiệu quả tối đa cho mô hình kinh tế này, thời gian tới, cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền địa phương. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch trong nuôi cá lồng. Tiếp tục nghiên cứu các mô hình lồng mới, xây dựng trung tâm con giống tại chỗ và tạo ra con giống có chất lượng, sạch bệnh, tiến tới kháng bệnh để chuyển giao cho nông dân. Cùng đó, tăng cường quản lý con giống và chất lượng con giống, kiểm soát tốt thức ăn, kháng sinh, hóa chất, chế phẩm sinh học và chất xử lý cải tạo môi trường, đặc biệt cần tăng cường công tác quan trắc cảnh báo môi trường; tổ chức lại sản xuất cho bà con nông dân theo hướng gắn kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác xã theo chuỗi; đồng thời quản lý chặt chẽ chất lượng thực phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát các vùng nước tự nhiên theo quy hoạch để bố trí nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương; tập trung phát triển các loại hình nuôi trồng thủy sản tại các vùng có điều kiện. Trọng tâm là phát triển nuôi cá lồng tại các hồ thủy điện Hủa Na, Bản Vẽ.

Thanh Hiếu

Trong các hình thức nuôi trồng thủy sản nước ngọt thì hình thức nuôi lồng trên sông, hồ, đập thủy lợi, thủy điện được người dân Nghệ An quan tâm đầu tư phát triển mạnh từ công nghệ đến đối tượng nuôi. Nuôi cá lồng có nhiều ưu điểm như tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, nguồn nước sạch hạn chế được dịch bệnh, đem lại hiệu quả cao cho. 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 2.200 lồng nuôi, tăng 27 lồng so năm 2023.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!