(TSVN) – Thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tập trung hỗ trợ triển khai và nhân rộng nhiều mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao nhằm hạn chế rủi ro dịch bệnh, tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả vụ nuôi.
Trong những năm trở lại đây, nghề nuôi tôm ở Quảng Trị phát triển khá nhanh cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị, địa phương hiện có gần 3,4 nghìn ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng đạt từ 7,5 – 10 nghìn tấn/năm nhưng phần lớn vẫn nuôi theo phương thức truyền thống, rủi ro cao.
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững nghề nuôi tôm, trong những năm qua Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã thực hiện và chuyển giao nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm. Đồng thời, khuyến cáo người dân hướng đến các phương thức nuôi chuyển đổi từ ao to sang ao nhỏ dễ quản lý, từ nuôi theo phương thức truyền thống 1 giai đoạn sang 2 – 3 giai đoạn nhằm giảm chi phí đầu tư xuống từ 15 – 20%. Cùng đó, hạn chế rủi ro dịch bệnh trong giai đoạn đầu đặc biệt là hội chứng chết sớm EMS trên tôm, quản lý và kiểm soát tốt các yếu tố môi trường, rút ngắn thời gian nuôi.
Mô hình nuôi tôm 2,3 giai đoạn, nuôi theo quy trình ứng dụng công nghệ cao có chi phí đầu tư khá lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao, phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu xuất hiện, nhiều người không khỏi e ngại, thậm chí hoài nghi sự thành công của nó. Tuy nhiên, với những kết quả thực tế về năng suất, sản lượng và lợi nhuận đạt được thì đến nay, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn ngày càng phát triển.
Điển hình là vùng nuôi tôm tập trung tại hợp tác xã (HTX) Quảng Xá, xã Vĩnh Lâm có diện tích trên 23 ha, trong đó có khoảng 10 ha nuôi tôm công nghệ cao theo quy trình 2 – 3 giai đoạn, các ao nuôi đều có hệ thống mái che. Ông Hoàng Đức Huấn, tổ trưởng tổ nuôi tôm HTX Quảng Xá cho biết, 2 năm qua, nuôi tôm công nghệ cao tại HTX phát triển mạnh. Sản lượng thu hoạch năm 2023 đạt trên 93 tấn, doanh thu đạt khoảng 16,5 tỷ đồng; trừ chi phí lợi nhuận đạt khoảng 8 tỷ đồng. Đáng chú ý là do ảnh hưởng ô nhiễm nguồn nước sông Sa Lung nên hầu hết các hộ nuôi tôm thâm canh thông thường đều bị thua lỗ nhưng các hộ nuôi tôm áp dụng công nghệ cao, quy trình 2 – 3 giai đoạn vẫn an toàn.
Theo các hộ nuôi, đầu tư một ao nổi có mái che diện tích từ 800 -1.000 m² chi phí từ 300 – 400 triệu đồng. Đây có thể xem là lựa chọn phù hợp, giúp khắc phục được các yếu tố bất lợi về thời tiết, môi trường nước, điều hòa được nhiệt độ, đặc biệt là vào mùa hè, những lúc thời tiết chuyển mùa, oi bức.
Được biết, hết năm 2023, toàn tỉnh đã có 100 ha nuôi theo hướng công nghệ cao, đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng do các cơ sở nuôi tôm đầu tư nuôi trên địa bàn các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và TP Đông Hà.
“Để hoàn thành mục tiêu đưa thủy sản trở thành ngành kinh tế mạnh, phấn đấu sản lượng thủy sản đến năm 2025 đạt 40.000 tấn, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 3.800 – 4.000 ha theo Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm trong quá trình nuôi,… là những điều kiện quan trọng để nâng cao năng suất, giá trị cho các vùng nuôi. Đây cũng là giải pháp để phát triển hiệu quả, bền vững sản phẩm chủ lực trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh”, ông Nguyễn Hữu Vinh khẳng định.
Thanh Hiếu