(TSVN) – Sáng nay (ngày 25/10) tại Hà Nội, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) thuộc Hội Thủy sản Việt Nam phối hợp cùng Công ty TNHH Japi Foods tổ chức Hội thảo “Khép kín chuỗi rong biển giá trị cao”.
Việt Nam có 16.500 ha trồng trong với sản lượng 150.000 tấn. Trong đó, giống rong câu chỉ vàng được trồng từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, rong mơ được trồng tại Quảng Nam – Ninh Thuận. Bắc Bộ là nơi có diện tích trồng rong nhiều nhất, tiếp đến là Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ, ĐBSCL.
Toàn cảnh Hội thảo “Khép kín chuỗi rong biển giá trị cao” sáng 25/10 tại Hà Nội
Ông Đinh Xuân Lập – Phó Giám đốc ICAFIS cho biết, ngành trồng rong nước ta đang gặp một số thách thức như chất lượng giống, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, lợi nhuận thấp, ảnh hưởng bởi thiên tai, ô nhiễm môi trường và bị canh tranh mạnh bởi các ngành kinh tế khác.
Tuy nhiên, ngành trồng rong có rất nhiều triển vọng và cơ hội trong tương lai. Có thể kể tới đó là nhu cầu lớn từ thị trường toàn cầu từ 16 – 20 tỷ USD, tăng trưởng trên 10%/năm. Hiện nay, diện tích canh tác nông nghiệp trên cạn hữu hạn trong khi xu thế sử dụng thực phẩm xanh, năng lượng xanh ngày càng tăng.
Ông Đinh Xuân Lập, Phó giám đốc ICAFIS, Hội Thuỷ sản Việt Nam chia sẻ
Rong biển đang trở thành lựa chọn tiềm năng trong việc chuyển đổi sang năng lượng sinh học và giảm sử dụng năng lượng hóa thạch. Rong biển không chỉ được sử dụng trong ngành thực phẩm, mỹ phẩm và thức ăn chăn nuôi mà còn góp phần bảo vệ môi trường nhờ khả năng hấp thụ khí Nitơ và Phospho, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, các sản phẩm từ rong biển có tiềm năng tham gia thị trường tín chỉ carbon quốc tế, giúp doanh nghiệp tận dụng các chính sách ưu đãi và mở ra cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế xanh.
Để phát triển ngành trồng rong biển tại Việt Nam, thời gian tới, ông Lập cho rằng cần tích hợp nhiều giải pháp như khép kín liên kết chuỗi từ cây giống – vùng trồng – sản xuất. Thúc đẩy kinh doanh có trách nhiêm trọng chuỗi để chia sẻ giá trị, tạo động lực để người dân sẵn sàng trồng rong. Ứng dụng công nghệ cao – công nghệ chiết xuất để lấy được dưỡng chất quý của rong, cũng như khắc phục điểm yếu về mùi tanh của rong. Tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong chế biến, làm thuốc, nhựa sinh học, phụ gia thực phẩm. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức người tiêu dùng về rong. Phát triển sản phẩm giá trị cao gắn với nhu cầu thị trường,…
JapiFoods là đơn vị tiên phong gắn kết cùng ICAFIS, Hội Thuỷ sản Việt Nam thúc đẩy chương trình “Blue Ocean – Blue Foods” hướng tới xây dựng bể chứa Carbon ngành thuỷ sản. Mục tiêu trong 3 năm tới, chương trình có thể hỗ trợ người dân ven biển trồng được khoảng 1000 ha rong biển.
Trung tâm ICAFIS, Công ty TNHH JapiFoods, Tập đoàn Trường Phát STP Ký kết thành lập chuỗi liên kết rong biển giá trị cao
Trong khuôn khổ Hội thảo, Trung tâm ICAFIS, Công ty TNHH JapiFoods, Tập đoàn STP Trường Phát đã cùng Ký kết thành lập chuỗi liên kết rong biển giá trị cao.
Bà Nguyễn Thị Sâm, Giám đốc Công ty TNHH JapiFoods phát biểu
Bà Nguyễn Thị Sâm, Giám đốc Công ty TNHH JapiFoods, cho biết công ty đã kế thừa các thành quả và đề tài nghiên cứu khoa học, nên có thể yên tâm khi chuyển giao công nghệ cho người trồng. Khi thực hiện dự án, công ty hướng tới mục tiêu tạo ra các sản phẩm hữu ích cho thị trường, vừa hỗ trợ bảo vệ đa dạng sinh học biển, vừa mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Các sản phẩm cũng được phát triển nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của cả thị trường trong nước và quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group bày tỏ mong muốn xây dựng những cánh rừng rong trên biển
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group, chia sẻ rằng STP đã thử nghiệm nuôi rong tại vùng biển Quảng Ninh hơn 4 năm qua và mong muốn đưa mô hình này đến gần hơn với cộng đồng, xây dựng các “cánh rừng rong biển” quy mô lớn. Mục tiêu của dự án là vừa tăng sản lượng, vừa giúp phục hồi môi trường sau bão. Bà Bình cũng nhấn mạnh rằng, để người dân chuyển đổi từ nuôi cá sang nuôi rong sẽ cần thời gian do vòng quay vốn của nuôi rong dài hơn. Ngoài ra, bà đề xuất phát triển mô hình nuôi biển đa giá trị, kết hợp trồng rong với các đối tượng khác như hàu, cá, và nhuyễn thể để tối ưu hiệu quả kinh tế.
Phó Tổng thư ký Hội Thủy sản Việt Nam Dương Long Trì đánh giá cao nội dung thảo luận tại Hội nghị
Về phía Hội Thủy sản Việt Nam, Phó Tổng thư ký Dương Long Trì khẳng định, nếu biết tận dụng thời cơ và có định hướng phát triển, tiệm cận thị trường phù hợp thì rong biển sẽ có tương lai tốt. Hội Thủy sản ghi nhận giá trị thiết thực từ các ý kiến trao đổi tại chương trình hôm nay, đồng thời mong muốn các đơn vị có thể cập nhật thông tin, đề xuất Cục Thủy sản tham mưu Bộ NN&PTNT định hướng phát triển nuôi trồng rong thời gian tới. Hội Thủy sản sẽ luôn cùng đồng hành cùng các bên. Hy vọng đây sẽ là điểm xuất phát mới cho lĩnh vực, một ngành hứa hẹn phát triển mạnh trong tương lai.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm
Thùy Khánh – Nguyệt Nga