T6, 25/10/2024 02:22

Ninh Thuận: Các giải pháp giảm thiểu thiên tai trong sản xuất nông nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong tháng 10/2024, tại TP Phan Rang –Tháp Chàm, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức 03 lớp tập huấn, 02 ngày/lớp về “Các giải pháp kỹ thuật nhằm thích ứng, giảm thiểu thiệt hại do các loại hình thiên tai đến sản xuất nông nghiệp” cho 90 học viên là cán bộ khuyến nông cấp huyện, cộng tác viên khuyến nông cấp xã, và nông dân vùng hay bị ảnh hưởng bởi hạn hán, bão lũ.

Đây là hoạt động nằm trong đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030” theo Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 6/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đề án có nội dung lồng ghép các vấn đề biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, các chiến lược phát triển đất nước. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện các nội dung thuộc đề án. 

Tại lớp tập huấn, các học viên đã nghe trao đổi 4 chuyên đề chính: Hoạt động phòng tránh và ứng phó, giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; Các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm thiệt hại thích ứng với biến đổi khí hậu; Kỹ thuật trồng, chăm sóc một số cây trồng trên đất bán khô hạn và chế biến bảo quản một số loại thức ăn chăn nuôi phục vụ trong mùa nắng hạn; Kỹ thuật nuôi cá bớp bằng lồng HDPE. 

Các học viên ngoài việc học lý thuyết theo phương pháp trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm các vấn đề liên quan đến các loại hình thiên tai trong cộng đồng, lớp học dành 01 buổi để đi tham quan thực tế các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Ninh Thuận. Việc kết hợp giữa học lý thuyết và đi thực tế đã giúp các học viên hệ thống lại các nội dung đã được học trên hội trường. Đồng thời, học hỏi các kinh nghiệm về giải pháp kỹ thuật để thích ứng với loại hình thiên tai mà các học viên gặp phải trong thực tế tại địa phương.

Với mục tiêu chia sẻ truyền đạt những kiến thức về các loại hình thiên tai mà tỉnh thường gặp, biện pháp phòng tránh, để từ đó học viên sẽ phổ biến lại cho người dân tại xã, thôn; đồng thời lồng ghép về các mô hình sinh kế trong sản xuất nông nghiệp giúp người dân vùng hạn hán phát triển kinh tế, giảm thiểu thiệt hại sau thiên tai.

Cơ Nguyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!