(TSVN) – Mô hình nuôi tôm truyền thống được nâng cấp bằng công nghệ đơn giản và quản lý thực hành tốt hơn giúp Indonesia tăng sản lượng gấp 4 lần so với nuôi quảng canh.
Không muốn lãng phí diện tích ao nuôi tôm truyền thống, Diễn đàn Tôm Indonesia (FUI), Chương trình tiêu chuẩn và chất lượng toàn cầu (GQSP) Indonesia đã vận động người dân nâng cấp ao nuôi nhằm tăng năng suất từ 0,2 – 0,5 tấn/ha lên ít nhất 0,8 – 2 tấn/ha/năm bằng Quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) và công nghệ đơn giản. Chiến lược này dựa trên sự tính toán cẩn thận chi phí và khả năng tiếp cận của nông dân.
Sugeng Riyanto, một nông dân thí điểm mô hình nuôi tôm truyền thống nâng cấp chia sẻ: “Trước đây mật độ thả giống thấp (dưới 5 PL/m²) và chờ đến thời điểm thu hoạch mà không cần sử dụng thêm thức ăn hay công nghệ. Nhưng nay với mô hình truyền thống nâng cấp, tôi đã áp dụng công nghệ đơn giản cùng quy trình SOP để mật độ nuôi tăng lên ít nhất 5 – 8 PL/m²”.
Sugeng Riyanto đã tự xây dựng các SOP của riêng mình và truyền đạt lại cho những hộ nuôi trong vùng Ảnh: Sugeng Riyanto
Riyanto có thâm niên nuôi tôm 20 năm tại Mamuju, Tây Sulawesi và đã tự xây dựng các SOP của riêng mình đồng thời truyền đạt lại cho những hộ nuôi tôm truyền thống trong vùng.
Riyanto nhận định rằng, khía cạnh quan trọng nhất của SOP là lựa chọn tôm giống sạch bệnh (SPF) từ các trại giống có nguồn gốc đáng tin cậy. Tiếp theo là chú trọng khâu chuẩn bị ao nuôi gồm xử lý đáy ao, xới đất, bón vôi và chế phẩm sinh học. Trước đây, những hộ nuôi tôm truyền thống ở Indonesia thường bỏ qua khâu này.
Hệ thống nuôi tôm hai giai đoạn là mắt xích quan trọng nhất trong chiến lược nâng cấp trại tôm truyền thống của FUI và GQSP. Riyanto nhấn mạnh, tôm giống được nuôi trong các ao nhỏ suốt 2 – 3 tuần trước khi chuyển sang ao nuôi thương phẩm. Anh đang quản lý ao ương mật độ 200 PL/m2, và sử dụng thức ăn cho tôm giống, kết hợp sục khí vào thời điểm cụ thể. Trong giai đoạn ương, việc chuẩn bị ao được tăng cường bằng các phương pháp khử trùng để giảm thiểu bùng phát mầm bệnh. Theo Riyanto, hệ thống này cải thiện tỷ lệ sống ở giai đoạn tăng trưởng từ 30% lên 70 – 80%.
Một cải tiến đơn giản khác trong SOP dành cho các ao nuôi truyền thống là sử dụng chế phẩm sinh học ở từng giai đoạn. Riyanto thường áp dụng 10 ppm probiotic trong giai đoạn ương và 5 ppm trong ao nuôi thương phẩm. Về quản lý thức ăn, Riyanto lưu ý nông dân chỉ cung cấp thức ăn thường xuyên trong khoảng thời gian 1 – 2 tuần trước thu hoạch.
Giáo sư Sukenda, từ Đại học IPB, chuyên gia tư vấn kỹ thuật nuôi tôm cho rằng, mật độ 15 – 18 PL/m² cho năng suất 1,9 – 2,1 tấn/năm và khuyến nghị nông dân cho ăn bổ sung sau 10 ngày bằng thức ăn 28 – 30% protein, đồng thời sử dụng máy sục khí sau 14 ngày từ tối đến sáng.
Hệ thống nuôi tôm truyền thống nâng cấp đang đối mặt nhiều thách thức, mà rào cản lớn nhất là tư duy, bởi không phải tất cả hộ nuôi đều sẵn sàng thay đổi phương pháp khi phát sinh chi phí. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cũng là một thách thức, nhất là các kênh dẫn nước. Riyanto kỳ vọng chính phủ hỗ trợ xây dựng kênh dẫn nước chuyên dụng cho nông dân, đảm bảo kiểm soát dòng nước tốt hơn và giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
SOP bao gồm các khâu chuẩn bị ao, chuẩn bị nước, chọn giống, quản lý chất lượng thức ăn và nước, quản lý dịch bệnh và triển khai hệ thống nuôi tôm hai giai đoạn.
Vũ Đức
(Theo Thefishsite)