Thặng dư thương mại thủy sản trong 10 tháng tăng 17,2%

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thặng dư thương mại ngành nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong 10 tháng qua tăng 62,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thủy sản thặng dư trên 6 tỷ USD, riêng tôm thặng dư 2,92 tỷ USD và cá tra thặng dư 1,54 tỷ USD.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) tháng 10 năm 2024 của Việt Nam ước đạt 5,91 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 10 tháng đầu năm đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. 

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 27,38 tỷ USD, tăng 25,6%; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 8,33 tỷ USD, tăng 12%; giá trị xuất khẩu đầu vào sản xuất đạt 1,56 tỷ USD, giảm 5,7%. 

Xét theo vùng lãnh thổ, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất các mặt hàng NLTS của Việt Nam với thị phần chiếm 48,2%. Hai thị trường lớn tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu với thị phần lần lượt là 23,5% và 11,5%. Thị phần của 2 khu vực châu Phi và châu Đại Dương nhỏ, chiếm lần lượt 1,8% và 1,4%. 

So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu NLTS của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2024 sang khu vực châu Á tăng 17,2%; châu Mỹ tăng 24,7%; châu Âu tăng 34,1%; châu Phi tăng 2%; và châu Đại Dương tăng 14,5%.

Ba thị trường xuất khẩu các mặt hàng NLTS lớn nhất của Việt Nam lần lượt gồm Mỹ với thị phần 21,6%, Trung Quốc với thị phần 21,5% và Nhật Bản với thị phần 6,5%. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu NLTS của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2024 sang thị trường Mỹ tăng 25,9%, Trung Quốc tăng 11,4%, và Nhật Bản tăng 5,9%.

Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 10 năm 2024 ước đạt 1,1 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm đạt 8,33 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường tiêu thụ hàng thủy sản lớn nhất của nước ta, chiếm thị phần lần lượt là 18,5%, 16,8% và 15,4%.

So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu hàng thủy sản 9 tháng đầu năm nay sang thị trường Mỹ tăng 14,2%, thị trường Trung Quốc tăng 19,8%, thị trường Nhật Bản tăng 0,7%. Trong 15 thị trường xuất khẩu thủy sản chính, thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh nhất là Nga với mức tăng 94,8%. Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất là Thái Lan với mức giảm 10,1%.

Kim ngạch nhập khẩu NLTS tháng 10 năm 2024 của Việt Nam ước đạt 4,19 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu NLTS 10 tháng đầu năm 2024 đạt 36,53 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị nhập khẩu thủy sản tháng 10 năm 2024 ước đạt 250 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm 2024 đạt 2,12 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2023. 

Cũng trong 9 tháng đầu năm, nguồn nhập khẩu thủy sản của Việt Nam chủ yếu từ các thị trường Nauy (chiếm tỷ trọng 11,9%), Inđônêxia (11,7%), và Trung Quốc (10,5%). So với cùng kỳ năm 2023, giá trị nhập khẩu thủy sản của Việt Nam từ 3 thị trường trên đều tăng, mức tăng lần lượt là 8%, 48,3% và 21,8%.

Cán cân thương mại ngành NLTS Việt Nam 10 tháng đầu năm 2024 ước đạt thặng dư 15,21 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo nhóm hàng, lâm sản, thủy sản và nông sản là 3 nhóm hàng có cán cân thương mại 10 tháng đầu năm 2024 ở trạng thái thặng dư. Cụ thể, nhóm thủy sản thặng dư 6,21 tỷ USD, tăng 17,2%. Trong đó, tôm thặng dư 2,92 tỷ USD, tăng 21,7%; và cá tra thặng dư 1,54 tỷ USD, tăng 8,7%.

Nhận định về kết quả xuất khẩu thủy sản năm 2024, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam dự báo sẽ đạt khoảng 9,5 tỷ USD. Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu quý IV năm nay sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kết quả thanh tra IUU từ EU và quyết định về thuế chống trợ cấp đối với tôm xuất khẩu sang Hoa Kỳ…

Bên cạnh những thách thức về thuế và quy định từ các thị trường lớn, ngành thủy sản còn phải đối mặt với biến động về khí hậu và môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu. Không chỉ vậy, vấn đề cạnh tranh từ các đối thủ ngày càng gia tăng cũng thúc đẩy doanh nghiệp cần nâng cao khả năng cạnh tranh qua việc cải thiện chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Thùy Khánh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!