(TSVN) – Đây là một trong những nội dung quan trọng được các bên liên quan trong chuỗi giá trị ngành tôm chia sẻ, thảo luận tại “Hội nghị tham vấn giải pháp nuôi tôm hiệu quả và kết quả đánh giá sơ bộ triển khai Quyết định 79/QĐ-TTg giai đoạn 2018-2023”, do Cục Thuỷ sản phối hợp cùng Sở NN&PTNT Cà Mau và Tổ chức GIZ tổ chức vào ngày 31/10.
Tham dự hội thảo còn có trên 150 đại biểu là các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã, người nuôi tôm và đại diện lãnh đạo các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng và Kiên Giang. Ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thuỷ sản, ông Châu Công Bằng – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau và ông Ngô Tiến Chương, đại diện GIZ đồng chủ trì hội thảo.
Cục trưởng Cục Thuỷ sản Trần Đình Luân phát biểu gợi ý một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành tôm
Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Châu Công Bằng cho biết, kế hoạch sản lượng tôm nuôi 243.000 tấn và kim ngạch xuất khẩu tôm 1,1 tỷ USD năm 2024 của Cà Mau khả năng đạt là rất cao. Đây là năm thứ 4 liên tiếp, xuất khẩu thuỷ sản của Cà Mau vượt mức 1 tỷ USD. Tuy nhiên, lợi nhuận trong toàn chuỗi thì lại không đạt như kỳ vọng, thậm chí có nhiều hộ, trang trại nuôi tôm và doanh nghiệp bị thua lỗ do giá tôm giảm thấp trong thời gian dài cũng như tình hình dịch bệnh làm cho tôm chậm lớn. Đây thật sự là thách thức, là khó khăn mà ngành tôm đang đối mặt và rất cần có giải pháp để hoá giải vấn đề này. Do đó, hội thảo tham vấn lần này được Cà Mau và các tỉnh nuôi tôm trong khu vực rất kỳ vọng sẽ làm rõ được những khó khăn, thách thức và đưa ra biện pháp phù hợp, khả thi để vực dậy ngành tôm.
Liên quan đến tính hiệu quả của nghề nuôi, các tham luận tại hội thảo đều tập trung làm rõ các yếu tố liên quan về con giống, chi phí đầu vào, tình hình dịch bệnh, môi trường… Phân tích thêm về cơ cấu giá thành và hiệu quả của các mô hình nuôi tôm, TS. Phan Thanh Lâm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II (Bộ NN&PTNT) cho biết, đối với các mô hình nuôi quảng canh hay quảng canh cải tiến, phần chi phí lớn nhất chủ yếu là con giống và cải tạo ao. Tuy nhiên, do nguồn thức ăn tự nhiên không đủ cho suốt thời gian nuôi nên năng suất tôm nuôi đạt thấp, lợi nhuận tuyệt đối trên đơn vị diện tích không cao. Vì vậy, việc tiến hành ương giống tôm, cua, sử dụng vi sinh ổn định môi trường và tạo thức ăn tự nhiên… cần được chú trọng hơn để giúp năng suất và lợi nhuận được cao hơn.
Ông Châu Công Bằng – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho rằng sản lượng, kim ngạch xuất khẩu chưa song hành với lợi nhuận
Vấn đề con giống cũng là đề tài tranh luận khá sôi nổi tại hội thảo này khi đa phần người nuôi đều cho rằng, tỷ lệ tôm nuôi thành công thấp có nguyên nhân lớn nhất từ chất lượng tôm giống. Đồng tình với nhận định này, nhưng ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận cho rằng, chính việc có quá nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ theo mô hình cấp thấp đã tạo điều kiện cho nguồn tôm giống kém chất lượng tiếp tục lưu hành tại các vùng nuôi và gây thiệt hại cho người nuôi. Ông Nguyễn Hoàng Anh đề xuất, người nuôi nhỏ lẻ nên liên kết lại với nhau và liên hệ trực tiếp với các công ty sản xuất tôm giống có uy tín để được cung cấp nguồn giống đảm bảo chất lượng với mức giá thành hợp lý.
Nhìn nhận ngành tôm vẫn còn quá khó, ông Quảng Trọng Thao – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang chỉ rõ, điểm yếu lớn nhất của ngành tôm chúng ta hiện nay chính là đa số lấy nghề nuôi tôm làm sinh kế chứ không phải đầu tư nuôi tôm để làm kinh tế. Mà đã là sinh kế thì kiểu gì họ cũng phải thả nuôi, bởi không nuôi thì cũng không biết làm gì để sống. “Ngành tôm là một trong những ngành lớn nhưng với tình trạng mạnh ai nấy làm như hiện nay thì chỉ có nước chết! Do đó, tôi đề nghị, Cục Thuỷ sản phải là nhạc trưởng, lấy 4 tỉnh nuôi tôm trọng điểm là: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang và Sóc Trăng làm trung tâm liên kết để hình thành nên một chuỗi liên kết hoàn chỉnh giữa tất cả các bên liên quan và giữa các tỉnh với nhau”. Ông Thao đề xuất.
Hơn 150 đại biểu là các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã, người nuôi tôm và đại diện lãnh đạo các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng và Kiên Giang cùng tham dự hội thảo
Theo ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT), Ngành tôm chúng ta đang khó, nên rất cần có sự chia sẻ của tất cả các bên liên quan để cùng nhau đưa ngành tôm đi xa hơn. Để đi cùng nhau thì các bên liên quan đều phải thấy trong mỗi mắt xích của chuỗi con tôm luôn có hình ảnh của mình trong đó. Chỉ có như vậy, mỗi khi con tôm gặp khó tất cả mới có thể ngồi lại với nhau để cùng nhau tháo gỡ, cùng nhau chia sẻ khó khăn, cùng dắt tay nhau đưa ngành tôm một ngày một tiến xa hơn. Cục trưởng Trần Đình Luân một lần nữa khẳng định, ngành tôm không thiếu mô hình, giải pháp hay kỹ thuật công nghệ, nhưng tất cả sẽ không thể phát huy hiệu quả nếu như con giống không đảm bảo chất lượng. Mặt khác, với quy mô nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình với các mô hình nuôi cấp thấp (từ bán thâm canh trở xuống) chiếm đến 80% như hiện nay thì bài toán giảm giá thành, chi phí sản xuất là rất khó, vì nuôi nhỏ lẻ bao giờ cũng phải chịu chi phí đầu vào ở mức cao. “Chỉ có hợp tác, chúng ta mới đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, giúp giảm chi phí, giá thành, tăng hiệu quả trên từng diện tích nhỏ lẻ của nông hộ”. Cục trưởng khuyến cáo.
Xuân Trường