(TSVN) – Bộ NN&PTNT vừa ra Thông báo ý kiến kết luận của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2024 và kế hoạch năm 2025. Trong đó nhấn mạnh việc ngành thủy sản cần hướng dẫn kế hoạch sản xuất, phục hồi hoạt động nuôi trồng thủy sản của từng địa phương, nhất là những nơi không bị ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng phức tạp, theo hướng cực đoan; trong khi đó nuôi thủy sản nhỏ lẻ còn chiếm tỷ trọng lớn, hạ tầng vùng nuôi chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất; thiếu các vùng sản xuất thủy sản chuyên canh bảo đảm an toàn sinh học và thiếu các cơ sở, chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh, nhất là trong hoạt động sản xuất, ương dưỡng con giống thủy sản chất lượng, sạch bệnh; môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bị ô nhiễm; nhiều tác nhân gây bệnh nguy hiểm đang lưu hành rộng khắp tại các vùng nuôi, thường trực nguy cơ bùng phát dịch bệnh thủy sản, góp phần làm tăng chi phí sản xuất và tăng nguy cơ lạm dụng kháng sinh, hóa chất khử trùng trong nuôi trồng thủy sản; một số địa phương còn thiếu sự phối hợp đồng bộ trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức phòng, chống dịch bệnh thủy sản, quản lý nuôi trồng thủy sản, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, phổ biến và nhân rộng các mô hình nuôi an toàn, hiệu quả,…
Do vậy, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các địa phương và tổ chức cá nhân có liên quan phải rà soát, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, khó khăn nêu trên nhằm triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo đúng quy định.
Trong đó, Thứ trưởng giao Cục Thú y chủ trì, phối hợp với Cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các viện nghiên cứu, trường đại học về thủy sản xây dựng tài liệu hướng dẫn phòng chống dịch bệnh thủy sản hiệu quả, xây dựng các vùng sản xuất, nuôi thủy sản an toàn sinh học; áp dụng những giải pháp công nghệ, các mô hình nuôi hiệu quả nhằm hạn chế thiệt hại cho người nuôi.
Tiếp tục thành lập các đoàn công tác đến từng địa phương trọng điểm về sản xuất thủy sản giống, nuôi thương phẩm để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo số liệu dịch bệnh của các địa phương; thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra công tác kiểm dịch, đánh giá, chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, quản lý kinh doanh, sử dụng thuốc thú y trong nuôi trồng thủy sản.
Tham mưu, trình Bộ NN&PTNT thành lập hội đồng tư vấn chuyên môn về thú y thủy sản để đề xuất những chính sách, giải pháp cụ thể về sản xuất, phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, thân thiện môi trường, ngăn ngừa mầm bệnh phát tán rộng khắp vùng nuôi, đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các địa phương, các viện, trường, doanh nghiệp, hiệp hội liên quan và các tổ chức quốc tế để tổ chức nghiên cứu, đánh giá, đề xuất các giải pháp phòng, chống bệnh đặc biệt bệnh do Vi bào tử trùng (EHP) trên tôm và một số bệnh mới nổi (TPD…) có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam.
Với Cục Thủy sản, Thứ trưởng yêu cầu xây dựng và hướng dẫn cụ thể về mùa vụ nuôi, mô hình nuôi, các quy trình nuôi (xử lý nước, con giống, thức ăn, khoáng chất, vitamin, chế phẩm, hóa chất, thuốc thú y thủy sản,…) và quản lý ao nuôi, quy trình xử lý ao nuôi, tăng cường công tác quan trắc môi trường bảo đảm phù hợp với thực tiễn của địa phương, hạn chế thiệt hại cho người nuôi.
Rà soát, chỉ đạo, hướng dẫn kế hoạch sản xuất, phục hồi hoạt động nuôi trồng thủy sản của từng địa phương nhất là định hướng sản xuất, nuôi tại các tỉnh không bị thiệt hại do bão, mưa lũ nhằm tăng cường hỗ trợ, bù đắp lượng thiếu hụt của các tỉnh phía Bắc để đảm bảo kế hoạch sản xuất của năm đã đề ra;
Bên cạnh đó, tiếp tục thành lập các đoàn công tác đến từng địa phương để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác quản lý sản xuất, ương dưỡng thủy sản giống, tổ chức nuôi thương phẩm, quản lý thức ăn thủy sản, hóa chất, chế phẩm cải tạo môi trường,… theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời chỉ đạo cơ quan quản lý chuyên ngành các tỉnh chủ động phối hợp với cơ quan quản lý thú y thủy sản các tỉnh triển khai hiệu quả, đồng bộ hoạt động quan trắc môi trường và giám sát dịch bệnh, xây dựng cơ sở dữ liệu chính xác, cập nhật nhằm hướng dẫn người nuôi chủ động ứng phó các diễn biến bất thường của thời tiết và ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xảy ra.
Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố rà soát các chương trình, kế hoạch về phát triển nuôi trồng thủy sản, phòng chống dịch bệnh thủy sản của địa phương; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí để triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, bảo đảm mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT.
Tiếp tục tổ chức triển khai các hoạt động quan trắc, cảnh báo môi trường, giám sát chủ động dịch bệnh, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo các chương trình, kế hoạch của địa phương; định kỳ hoặc đột xuất hướng dẫn, cảnh báo môi trường, nguy cơ dịch bệnh để người nuôi trồng thủy sản chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác thú y thủy sản tại địa phương.
Tăng cường áp dụng các kết quả nghiên cứu, các hướng dẫn kỹ thuật xây dựng vùng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Xây dựng ban hành các giải pháp đồng bộ, phù hợp với địa phương; củng cố cơ sở hạ tầng các vùng nuôi sẵn sàng ứng phó với thiên tai và dịch bệnh.
Đồng thời đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí kinh phí, chỉ đạo áp dụng các giải pháp kỹ thuật đồng bộ về thú y, thủy sản để cung cấp nguyên liệu chất lượng cho sản xuất, xuất khẩu, giữ vững thương hiệu, uy tín cho thủy sản nói chung và ngành tôm, cá tra của Việt Nam nói riêng; đặc biệt đối với các tỉnh trọng điểm về tôm, cá tra như: Ninh Thuận, Bình Thuận (vùng trọng điểm sản xuất tôm giống); Khánh Hòa (vùng trọng điểm nuôi tôm hùm); Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh (vùng trọng điểm về nuôi tôm công nghiệp); Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang (trọng điểm về sản xuất và nuôi cá tra).
Bảo Hân