(TSVN) – Các chuyên gia khí tượng nhận định, mưa lũ ở miền Trung có thể kéo dài đến ngày 8/11, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh, người dân cần cảnh giác đề phòng những tình huống cực đoan bất ngờ có thể xảy ra, chủ động các phương án đảm bảo an toàn cho các khu nuôi trồng thủy sản.
Trong Công điện gửi các địa phương, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các cơ quan và đơn vị chủ động ứng phó với mưa lớn kéo dài, trong đó tập trung gia cố đảm bảo an toàn cho các khu nuôi thuỷ sản; lồng bè trên sông và ao hồ nuôi thủy sản ven biển; thu hoạch sớm nuôi trồng thuỷ sản và sản xuất nông nghiệp; có phương án bảo vệ vật nuôi trong các trang trại chăn nuôi an toàn và bảo vệ diện tích sản xuất chưa thu hoạch xong.
Sau cảnh báo mưa lớn dài ngày, các hồ thuỷ lợi, thuỷ điện ở Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam đang điều tiết để hạ mực nước trong hồ, sẵn sàng công tác chuẩn bị ứng phó. Nhằm chủ động ứng phó với mưa lũ, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế có công điện yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, địa phương theo dõi thông tin dự báo, diễn biến của mưa lũ và không để bị động, bất ngờ trước mưa lũ để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Trước đó, để đảm bảo an toàn trong mùa bão, lũ, chính quyền các địa phương vận động người dân không chủ quan, thực hiện các biện pháp bảo vệ thủy sản nuôi, sẵn sàng xử lý khi có tình huống xấu. Người dân đã chủ động gia cố đê bao, ao hồ kỹ càng, chuẩn bị máy phát điện dự phòng khi mất điện, hệ thống điện lưới bị hư hỏng do bão; hệ thống dàn quạt, máy tạo ôxy được trang bị đầy đủ để tăng cường khi cần thiết. Tận dụng các ao hồ bỏ hoang, người dân đưa nước ngọt, nước mặn vào và xử lý môi trường ổn định nhằm đưa vào ao nuôi khi môi trường thay đổi đột ngột…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn hàng ngàn lồng, bè nuôi cá nước ngọt chưa thu hoạch. Hầu hết số lồng, bè nuôi này chưa đạt kích cỡ thương phẩm nên chưa thể thu hoạch, một số lồng được người nuôi giữ lại sau lũ, bán vào thời điểm tết. Số lồng nuôi này cũng được chính quyền địa phương, người dân triển khai các biện pháp bảo vệ, giằng neo phòng tránh lũ cuốn trôi.
Tại Quảng Nam, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho hay, để chủ động ứng phó với mưa lớn kéo dài, đơn vị này yêu cầu các hồ thủy điện Sông Bung 2, Sông Bung 4, Đak Mi 4, Sông Tranh 2 chủ động tính toán, tổ chức vận hành đảm bảo mực nước hồ không vượt cao trình mực nước đón lũ thấp nhất và chuyển chế độ vận hành theo quy trình 1865. Yêu cầu Công ty cổ phần Thủy điện A Vương tổ chức vận hành hạ dần mực nước các hồ thủy điện về 370m trước 7 giờ ngày 5/11. Thời gian bắt đầu vận hành từ 7 giờ ngày 3/11.
Trong đó, việc tổ chức vận hành phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông hạ du hồ chứa. Các chủ hồ thủy điện tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết, tình hình mưa lũ. Đồng thời, tăng cường thông báo, cảnh báo để bảo đảm an toàn cho người dân và hoạt động có liên quan trên sông suối ở khu vực hạ lưu trước khi vận hành điều tiết, bắt đầu xả nước phát điện hoặc các trường hợp gia tăng đột ngột lưu lượng xả xuống hạ du.
Tại Nghệ An, hiện mực nước tại các hồ chứa, hồ thuỷ điện ở địa phương này đang mức an toàn, sẵn sàng đón lũ. Khi mưa đến, tuỳ thuộc vào tình hình thực tế, lực lượng chức năng sẽ có kế hoạch, kịch bản để điều tiết nước về hạ du để đảm bảo an toàn đập cũng như tính mạng, tài sản của nhân dân.
Mới đây, trong công điện gửi các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Bình Định; các Bộ, ngành liên quan, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương chủ động ứng phó với mưa lũ, sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho người dân, chủ động thu hoạch sớm nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Minh Khuê
(Tổng hợp)