Bình Phước: Chú trọng tạo đầu ra cho sản phẩm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Để phát triển ngành thủy sản bền vững, tỉnh Bình Phước đang hướng tới xây dựng chuỗi liên kết sản xuất từ khâu sản xuất giống đến khâu tiêu thụ đối với các loài cá có giá trị kinh tế, góp phần phát triển kinh tế và ổn định sinh kế cho người dân.

Bình Phước có lợi thế hơn 26.000 ha diện tích mặt nước có thể nuôi thủy sản. Bên cạnh đó, lợi thế về yếu tố đầu nguồn trong sạch, thích hợp cho nhiều loại cá có giá trị cao như lăng nha, lăng vàng, chạch lấu,… sinh sống và phát triển. Với những tiềm năng này, chương trình phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước xác định đến năm 2025, sản lượng thủy sản đạt 4.900 tấn, gồm cả sản lượng nuôi trồng và khai thác; diện tích nuôi thủy sản 1.650 ha,… 

Thông tin từ Sở NN&PTNT Bình Phước, 10 tháng đầu năm 2024, tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì ổn định, không xảy ra dịch bệnh. Tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các địa phương phối hợp tuyên truyền người nuôi trồng thủy sản chủ động phòng ngừa dịch bệnh, kiểm soát các mối nguy tiềm ẩn có thể phát sinh thành bệnh; chủ động trong công tác phòng bệnh để hạn chế dịch bệnh xảy ra.

Bình Phước có lợi thế hơn 26.000 ha diện tích mặt nước để phát triển nuôi thủy sản. Ảnh: Trần Trung

Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản hiện có là 1.104 ha. Trong tháng 10/2024, sản lượng thủy sản ước thực hiện 189 tấn, giảm 2,58% (-5 tấn) so cùng kỳ (trong đó: khai thác thủy sản nội địa 38 tấn; sản lượng thủy sản nuôi trồng 151 tấn). Lũy kế sản lượng thủy sản ước thực hiện 1.743 tấn, giảm 2,08% so cùng kỳ.

Để người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh nắm bắt kỹ thuật nuôi các loài thủy sản nước ngọt và công tác phòng, chống dịch bệnh trong quá trình nuôi, thời gian qua, Sở NN&PTNT tổ chức các lớp tập huấn về thủy sản tại một số huyện, thị xã, thành phố có hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển.

Đồng thời, thực hiện điều tra khảo sát các loại hình nuôi ao theo hình thức nuôi bán thâm canh, thâm canh với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế (cá lăng, lóc, rô phi, lươn, ếch, ba ba,…) trên địa bàn tỉnh. Từ đó, đánh giá và hướng dẫn người nuôi thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Đặc biệt, hiện nay, tại một số làng bè đã và đang có hoạt động chế biến các sản phẩm thủy sản được nuôi và đánh bắt tại các lòng hồ thủy điện, thủy lợi. Qua đánh giá sơ bộ, các sản phẩm này được ưa chuộng và mang lại thu nhập khá tốt, giải quyết sản phẩm đầu ra cho làng bè. Các sản phẩm chế biến hiện có là khô cá lăng, cá lóc, cá lìm kìm, cá trèn,…; chả cá thát lát, chả cá mè vinh, chả cá tạp,… nước mắm tự ủ, và một số sản phẩm khác liên quan.

Tuy nhiên, việc chế biến hiện vẫn theo kinh nghiệm, không theo quy trình công nghệ, không được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vì vậy, để phát triển thủy sản bền vững, Bình Phước đang hướng tới xây dựng chuỗi liên kết sản xuất từ khâu sản xuất giống đến khâu tiêu thụ đối với các loài cá có giá trị kinh tế, góp phần phát triển kinh tế và ổn định sinh kế cho người dân. “Tỉnh đang rà soát, từng bước hình thành các chuỗi liên kết đầu ra cho sản phẩm nuôi trồng thủy sản, đây là vấn đề cần thiết được ưu tiên hàng đầu”, ông Trần Văn Phương – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Phước chia sẻ.

Lê Loan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!