T3, 12/11/2024 09:00

Khát vọng vươn mình từ nơi đảo xa

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cách thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) khoảng 15km, đảo Bích Đầm được bao bọc bởi làn nước trong xanh, mang vẻ đẹp bình yên và đặc trưng của một làng biển lâu đời. Nơi đây đang được định hướng trở thành làng du lịch cộng đồng kiểu mẫu, lấy văn hóa nghề biển làm “linh hồn” để phát triển.

Nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển

Tổ dân phố Bích Đầm nằm ở mặt ngoài đảo Hòn Tre (tỉnh Khánh Hòa), gần với tuyến hàng hải quốc tế. Gọi là tổ dân phố thế nhưng nơi đây thực chất là một làng biển đứng mũi chịu sào cho thành phố Nha Trang, chưa bị tác động bởi sự xô bồ, sầm uất của đô thị, phố xá. Thiên nhiên đã ban tặng đầm biển kín gió quanh năm, tạo nên vẻ đẹp độc đáo mà hiếm nơi nào có được.

Người dân Bích Đầm chủ yếu sống dựa vào khai thác thủy sản chiếm 60%, nuôi trồng thủy sản 15%, còn lại là lao động tự do và buôn bán nhỏ. Ảnh: Thùy Khánh

Với diện tích khoảng 250 ha, đây là ở của hơn 200 hộ dân, từ nhiều đời nay vẫn cần mẫn sinh sống bằng nghề biển. Trong quần thể chung, khu vực Bích Đầm được ví như “điểm huyệt” đặt các cơ sở làm nghề lưới đăng, trục đường di cư theo mùa của các loại cá thu, cá ngừ….Chếch về hướng Tây Nam có Khu bảo tồn biển Hòn Mun, nơi lưu giữ và cung cấp nguồn lợi thủy sản cho toàn bộ vịnh Nha Trang.

Đặc biệt, Bích Đầm lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc cần được bảo tồn và khai thác. Một trong những điểm nhấn quan trọng đó là câu chuyện nghề lưới đăng có từ thời kỳ làm lưới bằng sợi đay, chèo thuyền bằng tay hơn 200 năm, được xem là “hồn cốt” của nghề biển Khánh Hòa.

Hiện nay, lưới đăng vẫn còn hoạt động theo mùa. Do vậy mà khi tới đây du khách có thể được tận mắt chứng kiến và nghe người dân bản địa kể câu chuyện hấp dẫn về kỹ thuật tạo dựng trận địa bắt cá ở độ sâu trên dưới 40 m; đồng thời thưởng thức những con cá thu, cá ngừ, cá cờ… tươi rói vừa mới được đánh bắt.

Còn nhớ cách đây gần một năm, trong buổi đối thoại trực tiếp cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan bên cạnh đình Bích Đầm, dưới bóng cây bàng cổ thụ niên đại gần 2 thế kỷ, rất nhiều người dân sinh sống trên đảo Bích Đầm đã bày tỏ mong muốn được mở rộng, phát triển nuôi biển bền vững, qua đó góp phần tạo sinh kế lâu dài thay vì khai thác thủy sản. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng, nếu cứ đánh bắt mãi thì một ngày kia, con tôm, con cá cũng chẳng còn nữa; rồi đến đời con, đời cháu của họ sẽ dựa vào đâu để sinh sống.

Xúc động trước những tâm tư, nguyện vọng bình dị của người dân nơi đây, tổng tư lệnh ngành nông nghiệp đã động viên người dân: “Bảo vệ nguồn lợi thủy sản là bảo vệ chính mình và thế hệ tương lai. Mỗi người dân hãy là những người khai thác, nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm. Thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa cần đưa Bích Đầm vào chiến lược phát triển xanh của tỉnh, tạo ra hình ảnh mới cho Bích Đầm, để nhiều du khách có thêm những trải nghiệm ý nghĩa tại đây.”

Mong mỏi ấy của người dân dần trở thành hiện thực khi thành phố Nha Trang đang xây dựng đề án phát triển Bích Đầm thành một làng du lịch cộng đồng, lấy văn hóa miền biển, lối sống chài lưới ở đây làm cốt lõi phát triển.

Xây dựng làng du lịch cộng đồng nơi đầu sóng

Hội thảo Tham vấn phân vùng chức năng vịnh Nha Trang, gắn phát triển sinh kế bền vững cho Bích Đầm tổ chức ngày 16/10/2024 tại Thành phố Nha Trang vừa qua đã nhận được nhiều góp ý về việc phát triển bền vững rạn san hô và cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư trên đảo Bích Đầm.

Tham dự hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những góp ý xoay quanh các vấn đề như: Khai thác và nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển Bích Đầm trong phân vùng chức năng vịnh Nha Trang, thực hiện du lịch cộng đồng nhưng không làm phá vỡ cảnh quan tự nhiên, biên giới hải đảo, an ninh trật tự tại Bích Đầm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đối thoại cùng người dân đảo Bích Đầm về hướng phát triển sinh kế bền vững gắn với tài nguyên biển. Ảnh: Thùy Khánh

Ông Nguyễn Như Đào – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho rằng, nên thử nghiệm tái tạo, cấy san hô vùng biển Bích Đầm, về lâu dài gắn và phát triển cấy nuôi san hô với du lịch sinh thái biển Bích Đầm. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuần tra xử lý các hành vi khai thác hủy diệt trong vùng biển Bích Đầm.

“Xây dựng kế hoạch tăng cường công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, nhằm tạo nguồn lợi thủy sản kịp thời cho vùng biển ven bờ. Đồng thời, cần tạo ý thức, tuyên truyền cho ngư dân trong việc khai thác và bảo vệ, nuôi trồng thủy sản”, ông Đào chia sẻ.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Phong – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Rong Biển DT Khánh Hòa đề xuất, cơ quan chức năng khi phân vùng chức năng vịnh Nha Trang, cần quan tâm quy hoạch vùng nuôi rong nho tại đảo Bích Đầm. Đây là đối tượng nuôi thân thiện với môi trường, nhu cầu xuất khẩu rất lớn. Hơn nữa, mô hình nuôi này có thể kết hợp du lịch rất hiệu quả.

Còn theo ông Hoàng Anh Hào – Chi cục biển và hải đảo (Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa), cần tạo hành lang pháp lý cho việc phân vùng chức năng vùng biển Bích Đầm. Từ đó, các cơ quan chức năng có cơ sở để cấp phép hoạt động cho các tổ chức cá nhân nhằm phát triển kinh tế, xã hội khu vực này. Riêng về vấn đề phát triển du lịch cộng đồng ở vùng biển Bích Đầm hiện còn nhiều khó khăn. Do đó, các đơn vị liên quan cần định hướng cho phù hợp với điều kiện và dân trí của người dân.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang Nguyễn Văn Minh cho biết, sau khi ghi nhận các ý kiến từ các đơn vị liên quan, thành phố sẽ hoàn thiện đề án phát triển du lịch cộng đồng theo hướng xanh, bền vững đầu tiên tại đảo Bích Đầm, nơi người dân địa phương là chủ thể chính, được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động du lịch, đồng thời bảo vệ và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa của đảo.

Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa đang phối hợp cùng Quỹ môi trường toàn cầu thực hiện dự án “Thúc đẩy đối thoại hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với các cơ quan quản lý Nhà nước trong bảo vệ rạn san hô và phát triển bền vững Hòn Mun”. Mục tiêu của dự án là nghiên cứu, tìm hiểu đời sống của người dân Bích Đầm, từ đó đề xuất chính sách hợp lý, vừa phát triển kinh tế cộng đồng, vừa bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.

Được biết, Hội đã phối hợp cùng các đơn vị thành lập đoàn khảo sát, đánh giá tình trạng các di tích lịch sử, văn hóa hiện có tại Bích Đầm; đồng thời trao đổi, đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại đây.

Những năm gần đây, một số doanh nghiệp đã bắt đầu phát triển du lịch ở Bích Đầm. Do vậy, công tác bảo vệ môi trường sinh thái biển, đảo ở khu vực Bích Đầm nói riêng và vịnh Nha Trang nói chung là rất cấp thiết. Thấu hiểu được điều đó, chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Bích Đầm (Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa) đã và đang nỗ lực bảo vệ môi trường biển, thảm thực vật trên đảo. Theo đó, hàng ngày, rác thải từ khu dân cư, bè nuôi trồng thủy sản, cơ sở du lịch sẽ được các đơn vị gom lại, thuyền từ đất liền đi ra sẽ chở rác để đưa vào bờ xử lý theo hệ thống của thành phố.

Những nỗ lực không biết mệt mỏi của các cấp chính quyền và người dân Bích Đầm đang góp phần đưa nơi đây trở thành một hòn đảo đẹp, đáng sống giữa biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Với hệ sinh thái đa dạng và cộng đồng dân cư thân thiện, Bích Đầm là điểm đến lý tưởng để phát triển du lịch, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương, từng bước bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, thiên nhiên biển đảo.

Thùy Khánh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!