Xác định rõ nhiệm vụ cấp bách
Tuy đã đạt được một số kết quả trên nhưng vẫn còn một số mục tiêu, nhiệm vụ chậm hoàn thành theo chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu của EC. Chính vì thế tỉnh Bình Thuận đã xác định rõ nhiệm vụ cấp bách để phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị triển khai công tác chống khai thác IUU, phát triển bền vững ngành thủy sản, khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế, quyết tâm cùng với cả nước tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC trong năm 2024. Đồng thời duy trì kết quả bền vững, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ chủ quyền biển đảo và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chủ trương của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các quy hoạch, chiến lược, chương trình quốc gia liên quan đến phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ngành thủy sản. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã phải xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản, xem đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các cơ quan, đơn vị, địa phương xác định rõ trách nhiệm, vào cuộc với tinh thần cao nhất, tập trung mọi nguồn lực, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, quyết tâm khắc phục các tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến tích cực, rõ rệt về công tác chống khai thác IUU tại địa phương, tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” IUU và tiến tới phát triển ngành thủy bền vững sản và hội nhập. Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật chống khai thác IUU, cùng cả nước quyết tâm gỡ “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản Việt Nam trong năm 2024, xây dựng và phát triển ngành thủy sản của tỉnh bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế sâu rộng. Đặc biết là quyết tâm thực hiện 100% tàu cá của tỉnh hoạt động phải được đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định và cập nhật đầy đủ trên Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase). Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến, ra vào cảng, đảm bảo không có tàu cá không đảm bảo về điều kiện hành nghề làm thủ tục xuất bến, rời cảng đi hoạt động thủy sản trên biển. Kiểm soát, giám sát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng lên bến theo đúng quy định và truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên phải cập cảng chỉ định, 100% tàu cá ra vào tại các cảng cá đã công bố phải thực hiện khai báo qua hệ thống eCDT. Đồng thời theo dõi, giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá để kịp thời ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, điều tra, xác minh, xử lý 100% tàu cá mất kết nối tín hiệu VMS trên biển không thông báo về trạm bờ theo quy định, tàu cá vượt ranh giới khai thác trên biển. Đặc biệt là quyết tâm không có tàu cá và ngư dân tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý, không có sản phẩm thủy sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài…