(TSVN) – Ngày 15/11, tại TP Sầm Sơn (Thanh Hóa), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Thanh Hóa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong phát triển, nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá đáp ứng quy định chống khai thác bất hợp pháp (IUU)”.
Tham dự diễn đàn có đại diện các cục, trung tâm thuộc Bộ NN&PTNT và gần 200 đại biểu đến từ các Trung tâm Khuyến nông, Phòng NN&PTNT, tổ đội khai thác và ngư dân khai thác hải sản các tỉnh ven biển Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Các đại biểu tham dự diễn đàn tổ chức tại Thanh Hóa ngày 15/11. Ảnh: PV
Theo báo cáo tại diễn đàn, thời gian qua, lĩnh vực khai thác thủy sản nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và đã có bước phát triển vượt bậc. Từ đội tàu thủ công lạc hậu, đến nay cả nước đã có hơn 30.300 tàu cá xa bờ có chiều dài từ 15 m trở lên.
Nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của các tàu khai thác xa bờ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ về bảo quản, chế biến thủy sản cho bà con ngư dân thông qua hoạt động xây dựng mô hình trình diễn khuyến ngư và đào tạo tập huấn.
Nhiều tài liệu hữu ích về khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá được phát tận tay các đại biểu. Ảnh: PV
Thống kê từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đào tạo, tập huấn ToT cho 600 lượt người, triển khai 14 dự án khai thác, bảo quản, chế biến thủy sản. Nhiều dự án đã được chuyển giao cho ngư dân và phát huy hiệu quả thiết thực như: Dự án xây dựng mô hình cơ giới hóa nghề lưới chụp cho các đội tàu khai thác hải sản xa bờ; Dự án xây dựng mô hình ứng dụng vật liệu PU (Polyurethane) cho hầm bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác hải sản xa bờ; Dự án xây dựng ứng dụng công nghệ CPF (Composite-Polyurethane) trong bảo quản hải sản trên tàu khai thác hải sản xa bờ; Dự án xây dựng mô hình ứng dụng tời thủy lực thu lưới rê tầng đáy cho các đội tàu khai thác hải sản vùng khơi; Dự án xây dựng mô hình ứng dụng đèn led chuyên dụng cho tàu lưới vây kết hợp ánh sáng đánh bắt ở vùng biển khởi…
Các kết quả nêu trên đã khẳng định việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong phát triển, nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá đã góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả đánh bắt, cơ giới hóa để giảm sức lao động cho ngư dân và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Trong 9 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng khai thác thủy sản của cả nước đạt hơn 3 triệu tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, hoạt động khai thác thủy sản tiếp tục gắn với các biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi, thực hiện có hiệu quả các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận thì lĩnh vực khai thác thủy sản vẫn còn một số thách thức lớn như: Quy mô sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa liên kết chặt chẽ. Việc đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ, giá trị gia tăng thủy sản thấp, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn hạn chế.
Mặc dù việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật mới vào lĩnh vực khai thác thủy sản đã cải thiện nhưng còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. “Thẻ vàng” EC chưa được tháo gỡ, vẫn còn tình trạng vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Cùng với đó, lao động khai thác thủy sản còn thiếu về số lượng, chưa đáp ứng được chất lượng. Ngoài ra, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp cũng đã phần nào ảnh hưởng đến sản lượng khai thác và thu nhập của ngư dân.
Thảo luận tại diễn đàn, nhiều đại biểu đại đã nêu ý kiến về các giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân, đơn vị quản lý, doanh nghiệp trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chống khai thác bất hợp pháp. Trong đó, việc ưu tiên hiện nay là cần tập trung giảm các tàu đánh bắt không hiệu quả, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.
Đại biểu tham quan nơi trưng bày các thiết bị phục vụ nghề cá tại diễn đàn. Ảnh: PV
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi nghề cho ngư dân từ khai thác sang nuôi trồng thủy sản, giảm khai thác, tăng nuôi trồng; ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong khai thác và nuôi trồng thủy sản. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tàu cá như: Xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia; lắp đặt hệ thống giám sát hành trình, nhật ký điện tử, chống khai thác bất hợp pháp…
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết, tỉnh Thanh Hóa có hơn 6.700 tàu thuyền khai thác thủy sản. Sản lượng khai thác hàng năm khoảng 214.000 tấn. Để góp phần cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của EC, địa phương đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống giám sát tàu cá, tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm…Đến cuối tháng 6/2024, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có hơn 1.000 tàu cá có chiều dài 15 m trở lên được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 100%.
Bên cạnh đó, với mục tiêu phát triển ngành thủy sản hiện đại, bền vững, thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đã chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý và tăng hiệu quả của hoạt động khai thác, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản.
Hiện nay, ngư dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng đầu tư ứng dụng máy dò ngang Sonar, thiết bị giám sát hành trình, hầm bảo quản bọt xốp PU, đèn led dẫn dụ cá. Trong công tác quản lý tàu cá, đến nay toàn tỉnh đã cập nhật dữ liệu đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho hơn 2.700 tàu cá vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).
Điều hành diễn đàn, ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định, diễn đàn giúp ngư dân hiểu sâu về chủ trương, quy định về chống khai thác IUU và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong phát triển, nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá.
“Một trong những điểm nhấn quan trọng của Diễn đàn là việc các đại biểu đã nắm vững các quy định về khai thác IUU và các giải pháp kỹ thuật hiện đại để nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá. Chúng tôi mong muốn các địa phương sẽ tích cực triển khai các kiến thức đã thu được, đặc biệt là việc kiểm soát chặt chẽ số lượng tàu thuyền hoạt động, nhằm đảm bảo khai thác thủy sản bền vững và hiệu quả hơn”, ông Hồng cho biết.
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp cùng các địa phương tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chống khai thác IUU.
Thùy Khánh