Quảng Bình có vùng biển rộng, bờ biển dài với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Bình quân hàng năm, sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh đạt trên 80.000 tấn, tuy nhiên, tỷ lệ thủy sản được giám sát qua hệ thống cảng đạt thấp. Để góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), tỉnh đã chỉ đạo tăng cường quản lý, giám sát sản lượng thủy sản (SLTS) khai thác tại các cảng cá.
Xác định giám sát SLTS khai thác là một trong những nội dung quan trọng trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), thời gian qua, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã chú trọng giám sát SLTS khai thác theo yêu cầu. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), công tác giám sát sản lượng chưa chặt chẽ, chất lượng giám sát sản lượng chưa bảo đảm, khối lượng giám sát sản lượng của các địa phương còn hạn chế so với tổng sản lượng khai thác biển.
Nguyên nhân là do hạ tầng cảng cá chưa đáp ứng nhu cầu cập cảng; số lượng tàu cá ở các bãi ngang lớn, hầu như không cập cảng cá để bốc dỡ thủy sản. Kèm theo đó, việc quản lý thu mua, ghi nhật ký thu mua, chuyển tải chưa chặt chẽ; việc thống kê SLTS còn nhiều bất cập, không loại trừ phương pháp thống kê chưa phù hợp với thực tế…
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Đức Thuận, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh cho biết: Toàn huyện hiện có trên 1.300 tàu, thuyền khai thác thủy hải sản; có 5 điểm bốc dỡ thủy sản đã đăng ký, gồm: Bến cá thôn Xuân Hải, Tân Hải, Tân Định, Hiển Trung và Cừa Thôn (Hải Ninh). Nhằm tăng cường giám sát SLTS khai thác trên địa bàn, huyện đã ban hành các văn bản hướng dẫn, yêu cầu xã Hải Ninh tổ chức lực lượng, bố trí nhân lực, trang thiết bị để tổ chức giám sát thủy sản khai thác tại các điểm bốc dỡ đã đăng ký; tổ chức giám sát các cơ sở thu mua hải sản trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng tàu cá vào bốc dỡ tại các bến cóc, cầu tạm… Tuy nhiên, thực tế giám sát SLTS khai thác vẫn còn nhiều khó khăn do tàu thuyền trên địa bàn chủ yếu nhỏ, đánh bắt ven bờ; hoạt động giao thương buôn bán của ngư dân, tiểu thương thường ở các bến cá nhỏ lẻ, tự phát.
Bố Trạch hiện có 6 điểm bốc dỡ thủy sản tại các xã Đức Trạch, Nhân Trạch, Hải Phú, Trung Trạch, thôn Thanh Hải và bến cá Thanh Xuân (xã Thanh Trạch)….
Theo Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Nguyễn Quang Huy, huyện đã chỉ đạo các xã ven biển thực hiện giám sát đối với tất cả các tàu khai thác, thu mua, chuyển tải thủy sản vào cập tại các bến cá, cầu tàu, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, bãi ngang ven biển để bốc dỡ hải sản. Huyện đã yêu cầu các xã bố trí cán bộ phối hợp với các thôn, đơn vị liên quan nhằm tăng cường thống kê, giám sát SLTS đánh bắt về cập bến tại các bến cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, cầu tàu, bãi ngang ven biển… của địa phương (trừ các cảng cá đã có công bố mở cảng). Tuy nhiên, ngoài các tàu trên 15m bắt buộc phải cập cảng cá chỉ định thì đội tàu dưới 15m ít vào cảng, chủ yếu ra vào bến tự phát, bến truyền thống, bãi ngang… Công tác giám sát việc quản lý thu mua, ghi nhật ký thu mua để thống kê SLTS vì thế khó thực hiện đầy đủ.
Thực tế triển khai cho thấy, công tác chống khai thác IUU thời gian qua đã được tỉnh, các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt; nhận thức của cán bộ, ngư dân được nâng cao; công tác quản lý tàu cá, kiểm soát hoạt động tàu cá ngày càng chặt chẽ; tỷ lệ giám sát hàng thủy sản qua cảng cá ngày càng tăng.
Tuy nhiên, so với các địa phương trong cả nước, việc giám sát SLTS khai thác của tỉnh chưa cao; SLTS khai thác trên nhật ký khai thác của tàu cá đạt thấp; nhật ký khai thác chủ yếu là hồi ký, ghi lại dữ liệu, chưa bảo đảm độ tin cậy trong truy xuất nguồn gốc… trong khi đó, việc giám sát, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc tại các cảng cá là một trong những nội dung quan trọng nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát SLTS trong thời gian tới, góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu: Các huyện, thành phố, thị xã ven biển tiếp tục chỉ đạo UBND cấp xã có điểm bốc dỡ thủy sản bố trí nhân lực, trang thiết bị để thực hiện giám sát thủy sản khai thác tại các điểm bốc dỡ đã có đăng ký; giám sát chặt chẽ các cơ sở thu mua hải sản trên địa bàn, nhất là các cầu tạm, bến cóc, “nậu cá”…, bảo đảm 100% tàu cá vào bốc dỡ thủy sản khai thác tại các cảng cá loại II, loại III và điểm bốc dỡ đã đăng ký; không để xảy ra tình trạng tàu cá vào bốc dỡ tại các bến cóc, cầu tạm không đăng ký…; thường xuyên thực hiện việc cập nhật dữ liệu nhật ký khai thác thủy sản, giảm sát SLTS bốc dỡ qua cảng vào phần mềm cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia Vnfishbase.
Tỉnh cũng yêu cầu Sở NN-PTNT hướng dẫn các địa phương quy định liên quan đến việc giám sát SLTS khai thác tại các cảng cá loại III, điểm bốc dỡ đã có đăng ký và hệ thống eCDT… Ban Quản lý cảng cá Quảng Bình thực hiện kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát 100% tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản khai thác theo quy định; thu nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản, nhật ký thu mua, chuyển tải thủy sản bảo đảm chất lượng đúng quy định; thực hiện việc truy xuất nguồn gốc điện tử eCDT minh bạch, hợp pháp…