TP Cần Thơ: Đảm bảo tăng trưởng thủy sản những tháng cuối năm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Để đảm bảo kế hoạch tăng trưởng, UBND TP Cần Thơ đã ban hành công văn số 4901/UBND-KT về việc tăng cường sản xuất nuôi trồng thủy sản các tháng cuối năm 2024.

Trong tháng 10/2024, sản xuất thủy sản trên địa bàn chịu ảnh hưởng bởi tình hình mưa bão, lũ và triều cường dâng cao, thời tiết có những diễn biến phức tạp, gây nhiều bất lợi cho thủy sản. Tuy nhiên, Sở NN&PTNT đã có những khuyến cáo để người dân tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm chủ động chăm sóc, bảo vệ thủy sản trong mùa mưa lũ.

Nhờ đó, nuôi trồng thủy sản tăng trưởng tích cực nhờ áp dụng các phương thức nuôi trồng tiên tiến, hiệu quả. Sản lượng thủy sản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ cho xuất khẩu.

Các địa phương tập trung quản lý, chăm sóc tốt đối tượng nuôi. Ảnh: BCT

Tháng 10/2024, diện tích nuôi trồng thủy sản (không bao gồm diện tích sản xuất giống) ước đạt 5.483 ha, tăng 2,30% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích nuôi cá tra thâm canh, bán thâm canh ước đạt 720 ha, giảm 1,10% so cùng kỳ.

Tổng sản lượng thủy sản tháng 10/2024 ước đạt 30.593 tấn (chủ yếu sản lượng cá), tăng 9,94% so cùng kỳ, trong đó, nuôi trồng 29.503 tấn, tăng 9,90% so cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 213.496 tấn, tăng 8,42% so cùng kỳ, bao gồm: Sản lượng thủy sản nuôi trồng 207.046 tấn, tăng 8,36% (tập trung chủ yếu ở cá tra) và sản lượng thủy sản khai thác 6.450 tấn, tăng 10,34% so cùng kỳ.
Để đảm bảo kế hoạch tăng trưởng, UBND TP Cần Thơ đã ban hành công văn số 4901/UBND-KT về việc tăng cường sản xuất nuôi trồng thủy sản các tháng cuối năm 2024.

Theo đó, UBND thành phố giao Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp theo chỉ đạo tại công văn số 8024/BNN-TS của Bộ NN&PTNT về việc tăng cường chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản các tháng cuối năm 2024 đảm bảo kế hoạch tăng trưởng.

Tại công văn số 8024/BNN-TS, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương hướng dẫn tiếp tục xuống giống thủy sản những diện tích chủ động kiểm soát điều kiện nuôi; tập trung quản lý, chăm sóc tốt đối tượng nuôi chủ lực.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm, khuyến cáo kịp thời đến người nuôi để ứng phó hiệu quả với điều kiện môi trường nuôi có diễn biến bất lợi. Ðồng thời, chủ động hướng dẫn, kết nối các địa phương, doanh nghiệp sản xuất giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, vật tư, trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản để cung ứng đủ nhu cầu nuôi thương phẩm hoặc hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất tại các vùng bị thiệt hại sau bão số 3.

Ngoài ra, các địa phương cần tập trung chỉ đạo lồng ghép các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi: Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong các chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản; áp dụng các giải pháp giảm giá thành trong sản xuất như cải tiến kỹ thuật nuôi để tăng tỷ lệ sống, tăng năng suất, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR), giảm tiêu hao nguyên liệu sản xuất, quản lý và duy trì tốt môi trường nuôi,…

Lê Loan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!