(TSVN) – Theo đại diện Chi cục Thủy sản Kiên Giang, hiện nay, các mô hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phần lớn là nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến, lượng chất thải thải ra môi trường không đáng kể nên không ảnh hưởng nhiều đến môi trường.
Ông Võ Văn Võ – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, cho biết, diện tích nuôi thủy sản của tỉnh khoảng 324.500 ha, với các mô hình nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm nước lợ, nuôi nhuyễn thể và lồng bè trên biển. Sản lượng nuôi trồng hàng năm đạt trên 380.000 tấn
Hiện nay, các mô hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang phần lớn theo hình thức quảng canh cải tiến, lượng chất thải thải ra môi trường không đáng kể nên không ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Các cơ sở nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp trước khi được cấp phép đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Trong thời gian qua, việc xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến rõ nét. 95% diện tích nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải. Trong đó, 100% cơ sở (2.000 ha) nuôi tôm công nghệ cao có xử lý nước thải; 100% diện tích nuôi tôm – lúa (110.038 ha) sử dụng vi sinh trong suốt quá trình nuôi và nuôi với mật độ thưa nên khả năng gây ô nhiễm của nước thải không cao. Bùn thải từ cải tạo ao đầm trong nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp, tôm – lúa cơ bản thực hiện đúng quy định (có khu vực chứa).
Cùng đó, tỉnh đầu tư lắp đặt và vận hành hệ thống trạm quan trắc môi trường. Hệ thống này bao gồm 7 trạm quan trắc với trang thiết bị tự động, đại đặt tại các điểm cấp nước, vùng nuôi thủy sản trọng điểm của tỉnh. Thông tin dữ liệu quan trắc chất lượng nước được cập nhật liên tục 5 phút/lần với 11 – 13 chỉ tiêu quan trắc/điểm.
Về khai thác thủy sản, toàn tỉnh có trên 9.500 tàu cá lớn nhỏ; sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 420.000 tấn. Hiện nay, tỉnh thực hiện không đóng mới thêm tàu cá; không phát triển và giảm dần những nghề khai thác ảnh hưởng đến môi trường sinh thái như lưới kéo, lưới rê thu ngừ; đồng thời thực hiện giảm sản lượng khai thác, từ trên 600.000 tấn năm 2021 còn khoảng 437.000 tấn năm 2023. Cùng đó, tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức cho chủ tàu, ngư dân giảm thiểu sử dụng loại vật tư, dụng cụ chuyên dùng bằng nhựa dùng một lần.
Theo ông Võ Văn Võ, hiện nay công tác bảo vệ môi trường ngành thủy sản trong tỉnh vẫn gặp một số khó khăn. Trong đó, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác bảo vệ môi trường chưa thật sự đồng bộ, thiếu sự chia sẻ thông tin.
Nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản của một số tổ chức, cá nhân chưa cao, năng lực một số cán bộ quản lý môi trường thủy sản còn yếu. Trong khi đó, tình hình thời tiết, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập diễn biến khá phức tạp, dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; việc thâm canh tăng vụ đã làm cho dịch bệnh phát sinh.
Cùng đó, vẫn còn tình trạng ô nhiễm cục bộ từ các cơ sở nuôi trồng thủy sản do việc lén lút xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Việc xả thải nhiên liệu đã qua sử dụng, rác thải nhựa, ngư lưới cụ bị hỏng… từ hoạt động khai thác của ngư dân còn diễn ra. Ngoài ra, nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản chứa nhiều, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Để làm tốt hơn công tác bảo vệ môi trường thời gian tới, tỉnh chủ trương từng bước chuyển đổi mô hình thủy sản theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; phát triển sản xuất thủy sản hữu cơ, công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy phát triển nuôi thủy sản sinh thái, hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao; tăng cường tái sử dụng phế phẩm trong nuôi trồng thủy sản và hạn chế sử dụng các loại kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.
Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, thuốc thú y thủy sản, góp phần giảm thiểu ô nhiễm. Hướng dẫn các cơ sở nuôi thủy sản thu gom, phân loại và xử lý chất thải tại vùng nuôi theo quy định.
Xây dựng lịch thời vụ sản xuất phù hợp với từng đối tượng nuôi; quy định thời gian thả giống, mật độ nuôi trồng của từng mô hình; khuyến cáo từng thời vụ, từng đối tượng nhằm giảm thiểu thiệt hại do thời tiết, dịch bệnh gây ra và góp phần bảo vệ môi trường.
Đối với nuôi cá lồng bè trên biển, tiến tới quy định cấp phép nuôi biển dựa trên sức tải môi trường để giảm thiểu rủi ro cho người nuôi và bảo vệ môi trường nước ven bờ do hoạt động nuôi trồng thủy sản phát sinh.
Cùng đó, các dự án đầu tư vào các vùng nuôi thủy sản tập trung phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật, đảm bảo sản xuất ổn định, bền vững.
Đối với lĩnh vực khai thác, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là hành vi khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi như dùng kích điện, chất nổ, chất độc,…; Bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực nước tự nhiên nội địa, vùng ven biển và vùng biển. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các dự án, đề án trong lĩnh vực khai thác thủy sản; đẩy mạnh thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Hồng Hà