(TSVN) – Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sau 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm đạt 2,8 tỷ USD, tăng 11% so cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu tôm sang các thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc,… đều ghi nhận tăng trưởng khả quan.
Cụ thể, trong 9 tháng năm 2024, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 585 triệu USD, tăng 29% so cùng kỳ năm trước. Trong đó TTCT và tôm hùm có mức tăng trưởng ấn tượng. Nguyên nhân là do Trung Quốc đang đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng chi tiêu, tiêu dùng trong dân, điều này hỗ trợ cho hoạt động nhập khẩu tôm.
EU hiện là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 4 của Việt Nam, đạt trên 360 triệu USD, tăng 15% so cùng kỳ năm trước và chiếm 13% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường trong 3 quý đầu năm 2024.
Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần duy trì chất lượng sản phẩm cao, tăng cường chế biến sâu để mở rộng thị trường. Ảnh: Nguyễn Hằng
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU chỉ giảm trong tháng 2 và tháng 3, các tháng còn lại đều ghi nhận tăng trưởng hai con số. Kết quả này cho thấy tôm Việt Nam đang ngày càng khẳng định được chất lượng, đảm bảo được các yêu cầu cao tại thị trường EU.
Riêng với thị trường Mỹ, trong 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 566 triệu USD, tăng 9% so cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã hạ lãi suất trong kỳ họp tháng 9/2024 và kỳ vọng sẽ có thêm hai đợt hạ lãi suất vào tháng 11 và tháng 12/2024, góp phần thúc đẩy tiêu dùng do chi phí vay giảm, nhất là khi số lượng việc làm đang tăng. Điều này có lợi cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ, trong đó mặt hàng tôm sẽ có cơ hội tăng trưởng tốt hơn trong những tháng tới.
Trước đó, ngày 22/10/2024, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng trong các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá (AD) với tôm nước ấm đông lạnh từ Ecuador, Indonesia và các cuộc điều tra thuế chống trợ cấp (CVD) với tôm nước ấm đông lạnh từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.
Theo đó, tôm Việt Nam có kết quả tích cực hơn 3 nước còn lại trong đợt công bố này của DOC.
Mặc dù các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu sang Mỹ luôn phải đối mặt với nhiều chính sách bảo vệ chặt chẽ như thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp, nhưng nhu cầu của thị trường này vẫn rất lớn và chất lượng thủy sản Việt Nam ngày càng được cải thiện, giúp duy trì và mở rộng vị thế tại thị trường này.
Do đó, VASEP nhận định, thương mại thủy sản Việt Nam với Mỹ ít bị tác động trước những biến động chính trị như kết quả bầu cử Tổng thống, dù kết quả bầu cử có thể gây xáo trộn trong thương mại thế giới. Và việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống, các chính sách thương mại đặc thù của Mỹ có thể tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong thời gian tới.
Về cơ hội, giữa bối cảnh Mỹ – Trung Quốc đang đối đầu thương mại, có thể xảy ra những thay đổi lớn trong chuỗi cung ứng và nhập khẩu của Mỹ. Cụ thể, Mỹ có thể giảm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản từ Trung Quốc và tìm kiếm các nguồn cung thay thế, trong đó có Việt Nam.
Tôm và cá tra là những sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, và việc quốc gia này tăng thuế quan đối với thủy sản Trung Quốc có thể mở ra cơ hội lớn cho tôm và cá tra
Việt Nam thay thế sản phẩm thủy sản Trung Quốc. Điều này giúp tăng trưởng xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc với việc giảm nhập khẩu thủy sản từ Mỹ, có thể chuyển sang nhập khẩu sản phẩm thủy sản từ Việt Nam để thay thế.
Mặt khác, khi xung đột thương mại gia tăng, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị xáo trộn, tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành một nguồn cung thay thế đáng tin cậy cho các quốc gia muốn tránh thuế quan cao từ Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản. Vì vậy, Việt Nam có thể được lựa chọn làm nhà cung cấp thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về thách thức, mặc dù Việt Nam có thể tận dụng một số cơ hội từ xung đột thương mại Mỹ – Trung Quốc, nhưng đồng thời, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cũng phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ, có thể bao gồm thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm.
Dù kết quả thuế chống bán phá giá đối với tôm, cá tra và thuế chống trợ cấp với tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có xu hướng thuận lợi hơn trong năm 2024, nhưng các doanh nghiệp vẫn cần thận trọng và có chiến lược khi xuất khẩu sang thị trường này.
Chính phủ Mỹ dưới thời ông Trump đã tăng cường các biện pháp bảo vệ liên quan đến an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng. Điều này có thể gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam khi phải tuân thủ các tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn đến tăng chi phí sản xuất và kiểm tra.
VASEP lưu ý, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần duy trì chất lượng sản phẩm cao, tăng cường chế biến sâu và khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đông Phong