(TSVN) – Báo cáo của Sở NN&PTNT Bến Tre, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh năm 2024 ước đạt 329.000 tấn, riêng sản lượng cá tra đạt 112.860 tấn chiếm 31,3% so với tổng sản lượng nuôi của tỉnh.
Theo Sở NN&PTNT Bến Tre, địa phương nằm ở cực Đông của ĐBSCL, có tiềm năng rất lớn về phát triển nuôi trồng thủy sản. Với khoảng 50.000 diện tích tiềm năng nuôi thủy sản, ước tính đến năm 2024 tỉnh đã khai thác được 47.800 ha, trong đó nuôi mặn, lợ đạt 41.300 ha, nuôi thủy sản nước ngọt đạt 6.250 ha, riêng diện tích nuôi cá tra thâm canh xoay vòng đạt 800 ha. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh năm 2024 ước đạt 329.000 tấn, riêng sản lượng cá tra đạt 112.860 tấn chiếm 31,3% so với tổng sản lượng nuôi của tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh, khoảng 95% các cơ sở nuôi cá tra do doanh nghiệp đầu tư và sản xuất theo chuỗi khép kín (ngoại trừ yếu tố đầu vào là con giống) tự chủ từ khâu con giống (có 2 doanh nghiệp), thức ăn đến nhà máy chế biến và xuất khẩu. Một số ít còn lại (5%) là các doanh nghiệp nuôi và có ký hợp đồng với doanh nghiệp chế biến.
Sản lượng cá tra chiếm 31,3% so với tổng sản lượng nuôi của tỉnh. Ảnh: Aquatex Bến Tre
Các cơ sở nuôi nuôi cá tra áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo các tiêu chuẩn GAP (Global.GAP, ASC, BAP,…), trên địa bàn tỉnh được chứng nhận theo các tiêu chuẩn với tổng diện tích là 411 ha (chiếm gần 72% tổng diện tích nuôi trên địa bàn tỉnh). 100% cơ sở được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm.
Tình hình bệnh trên cá tra nuôi vẫn xuất hiện rải rác từ lúc thả cho đến cuối vụ nuôi, tỷ lệ hao hụt dao động từ 10 – 30% trong vụ nuôi, các bệnh thường gặp như: gan thận mủ, xuất huyết,… tập trung nhiều ở các ao cá mới thả nuôi và cá có trọng lượng dưới 300 g/con. Hiện nay, với mục đích tăng sức đề kháng và góp phần hạn chế tỷ lệ hao hụt đối với cá nuôi, một số công ty đã tiến hành nhập con giống đã được tiêm vaccine hoặc tiến hành tiêm vaccine tại trại nuôi đối với cá giống nhập về, kết quả cho thấy tỷ lệ hao hụt giảm đáng kể.
Với diện tích 800 ha nuôi cá tra thâm canh trong một năm để đáp ứng cho sản xuất tỉnh cần khoảng 480 triệu con giống. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ còn 2 cơ sở sản xuất giống cá tra, với công suất thiết kế là 38 triệu giống/năm, năng suất thực tế đạt 26 triệu giống/năm, chỉ đáp ứng khoảng 5,4% nhu cầu con giống của tỉnh, còn lại 94,6% phải nhập con giống về từ trại giống của các tỉnh lân cận như: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp,… Đây cũng chính là khó khăn mà tỉnh đang phải đối mặt. Chính vì vậy, hoạt động sản xuất giống đang được khuyến khích phát triển.
Toàn tỉnh có 3 nhà máy chế biến cá tra phục vụ xuất khẩu, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật, Mỹ, EU, các nước Trung và Nam Mỹ và một số nước châu Á; Sản phẩm chế biến chủ yếu là thủy sản đông lạnh (cá tra Fillet) và một số sản phẩm giá trị gia tăng, các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu đã được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ tiên tiến đáp ứng tốt yêu cầu của các thị trường trên thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, EU. Đồng thời đã được áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo nguyên tắc HACCP và được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Ngoài HACCP, các nhà máy còn được chứng nhận các tiêu chuẩn như ISO, BRC, IFS, HALAL,…
Để nghề nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh Bến Tre phát triển ổn định và bền vững, Sở NN&PTNT Bến Tre đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, thách thức trong quá trình sản xuất cá tra. Cụ thể:
– Về con giống: Khuyến khích cơ sở sản xuất giống áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong lĩnh vực sản xuất giống, mở rộng quy mô sản xuất, tăng công suất thiết kế, tạo nguồn giống bố mẹ chất lượng. Tiếp tục khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nghiên cứu, chọn tạo con giống đảm bảo chất lượng và thích ứng biến đổi khí hậu. Đối với nguồn giống cá tra nhập tỉnh cần chọn mua từ các cơ sở sản xuất uy tín, có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP, được kiểm dịch giống.
– Thích ứng biến đổi khí hậu: Đối với các vùng nuôi bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn tăng cao và sâu trong thời gian gần đây, tỉnh đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn khuyến cáo người nuôi thay đổi lịch thời vụ và nuôi 1 vụ trong năm (trước đây nuôi 1,5 vụ/năm) để đảm bảo không bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn;
Triển khai các kế hoạch về phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn định kỳ và đột xuất;
Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến thông tin về tình hình khí tượng, thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn và chủ động phòng, tránh có hiệu quả;
Tăng cường quan trắc môi trường vùng nuôi 3 lần/tháng để cảnh báo sớm cho người dân kịp thời có biện pháp phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn;
Phối hợp với địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch, giảm diện tích nuôi thủy sản nước ngọt đặc biệt là cá tra tại các vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn kéo dài và cao và khai thác các vùng nuôi tiềm năng ở các vùng ngọt quanh năm để phát triển cho hợp điều kiện biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
Xây dựng các mô hình nuôi phù hợp. Thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ giống thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo các quy định hiện hành.
– Hỗ trợ về rào cản kỹ thuật, thương mại: Tăng cường hợp tác với các cơ quan, đơn vị liên quan về quản lý chất lượng để kiểm soát chất lượng sản phẩm cá tra và xử lý kịp thời các rào cản kỹ thuật, thương mại sản phẩm cá tra.
Đẩy mạnh công tác quan trắc môi trường và thu mẫu kiểm soát dịch bệnh, dư lượng kháng sinh vùng nuôi góp phần cảnh báo phát hiện sớm cho doanh nghiệp, người nuôi chủ động khắc phục.
Thanh Hiếu