(TSVN) – Ngày 27/11/2024, tại Cần Thơ, Bộ NN&PTNT cùng Đại sứ quán Hà Lan tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp hợp tác triển khai giải pháp thực tiễn nuôi trồng thủy sản bền vững khu vực ĐBSCL” có đại diện chính quyền, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu của hai nước tham dự. Trong đó, bàn nhiều về chương trình Combitrack (hợp tác, thương mại và đầu tư tích hợp) cho chuỗi giá trị thủy sản thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự diễn đàn có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Tổng Lãnh sự Hà Lan tại TPHCM Daniel Stork và đại diện nhiều doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu.
Các phát biểu nhấn mạnh, Việt Nam và Hà Lan đều có những đồng bằng đối diện với thách thức tương đồng và cơ hội tương tự. Hai nước cũng thấy tầm quan trọng của việc hỗ trợ nông dân nuôi trồng thủy sản bằng kiến thức, công nghệ và nguồn lực để áp dụng các phương pháp nuôi trồng bền vững và cải thiện sinh kế.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại diễn đàn
Hai nước đã hợp tác lâu dài tại ĐBSCL và Hà Lan cam kết đóng góp vào quá trình chuyển đổi và phát triển bền vững ở đây. Với mạng lưới, kiến thức và kỹ năng rộng khắp về nông nghiệp bền vững, Hà Lan có nền tảng vững chắc để phát triển nền kinh tế nuôi trồng thủy sản từ rất sớm. Bằng việc chia sẻ kiến thức chuyên môn và công nghệ Hà Lan với Việt Nam trong chuỗi nông nghiệp, cả hai nước có thể tiếp tục tìm ra các giải pháp tích hợp thông minh nhằm thúc đẩy hệ thống phát triển bền vững, hoạt động thuận tiện và hiệu quả hơn.
Hợp tác đổi mới giữa hai nước sẽ thúc đẩy tính bền vững nuôi trồng thủy sản, đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ một cách rộng rãi. Chương trình Combitrack với phương thức tiếp cận tích hợp hoàn toàn phù hợp Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL, tập trung vào các hành động cụ thể để phát triển bền vững, tạo việc làm, cải thiện chất lượng nước, giảm khí thải CO2.
Việt Nam và Hà Lan đều tìm kiếm những ý tưởng và ứng dụng thực tế cho những thách thức toàn cầu. Cùng với cam kết trở thành đối tác toàn diện, có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi toàn cầu hướng tới xây dựng ngành nuôi trồng thủy sản bền vững.
Hà Lan có đội ngũ doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia nhiều kinh nghiệm về công nghệ sản xuất con giống, nuôi trồng chế biến cũng như công nghệ sản xuất thức ăn thủy sản. Trong đó, các công ty đã và đang đầu tư hợp tác hiệu quả tại Việt Nam như Tập đoàn De Heus, Skretting, Lenger Seafoods, Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững.
Trong lúc, ĐBSCL là trung tâm nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam với chủ lực là tôm nước lợ và cá tra. Năm 2023, diện tích nuôi trồng thủy sản ĐBSCL chiếm 70% cả nước, sản lượng chiếm 61,8% và kim ngạch xuất khẩu chiếm 57,6%. Tuy nhiên, ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức lớn về biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học và các thách thức từ thị trường quốc tế.
Trên cơ sở đó, Diễn đàn hy vọng đưa ra các giải pháp thiết thực, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm chuyển giao công nghệ giữa hai nước. Đặc biệt, mong muốn thu hút thế hệ trẻ trong việc định hình tương lai của ngành nuôi trồng thủy sản bền vững ở ĐBSCL.
Hiện đã triển khai Tổ hợp dự án ShrimpTech và Tổ hợp dự án DeltaVax. Mục tiêu nhằm phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản ĐBSCL, tập trung vào mục tiêu môi trường, xã hội và kinh tế bằng phương thức tiếp cận tích hợp, cải thiện hoạt động nuôi trồng, chuỗi giá trị và quản lý nước. Áp dụng các giải pháp thuận thiên, xây dựng quan hệ đối tác công tư dựa trên chia sẻ chuyên môn và kiến thức Hà Lan và Việt Nam theo Thỏa thuận Đối tác Chiến lược giữa hai nước.
Tổng Lãnh sự Hà Lan tại TPHCM Daniel Stork phát biểu
Kết quả cụ thể đặt ra là: Tăng khả năng phục hồi của nông dân trước tác động của biến đổi khí hậu. Sản phẩm có chất lượng cao và bền vững hơn. Áp dụng nhiều giải pháp thuận thiên hơn trong nông nghiệp (rừng ngập mặn). Giảm sử dụng kháng sinh. Tăng cường kiến thức và nhận thức về hoạt động nuôi trồng thủy sản bền vững.
Đồng thời, thương mại hóa và tăng tiếp cận thị trường cho sản phẩm thủy sản Việt Nam. Tạo việc làm ở ngành thủy sản hấp dẫn hơn. Thu hẹp khoảng cách giữa giáo dục và kinh doanh. Hộ nông dân nhỏ được đào tạo tăng kiến thức, tiếp cận công nghệ và tài chính.
Từ đó, tăng thu nhập cho khu vực tư nhân hai nước. Đẩy mạnh cơ hội đầu tư và chia sẻ kiến thức chuyên môn của Hà Lan. Tăng sự ủng hộ của hai Chính phủ. Chia sẻ hiểu biết và kiến thức kinh doanh giữa hai nước.
Kết quả dài hạn được đạt ra. Thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và/hoặc số hóa. Xây dựng xã hội bền vững, tạo việc làm chân chính và tăng trưởng kinh tế bền vững. Thúc đẩy kinh tế phát triển, tăng vị thế thương mại -đầu tư Việt Nam-Hà Lan.
Hoạt động tập trung vào 3 vấn đề chính. Trung tâm nghiên cứu/kiến thức: Thực hiện các nghiên cứu nhằm có hiểu biết và kiến thức sâu về các lĩnh vực tài chính – công nghệ – nhu cầu của nông dân – số hóa và được chia sẻ. Có dự án & chương trình cho giới trẻ: Thúc đẩy quan hệ đối tác công tư (cá tra, tôm) gồm các điểm trình diễn công nghệ tiên tiến và đào tạo nông dân, tập trung vào phụ nữ và thanh niên; phát triển chương trình giảng dạy của các trường. Xây dựng mạng lưới/Sự kiện: Tăng cường trao đổi giữa doanh nghiệp và chính phủ thông qua các sự kiện, nhiệm vụ, nền tảng kinh doanh.
Các chuyên gia cho biết, phương thức tiếp cận Combitrack (tích hợp để phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư bền vững) có cơ sở với nhiều thành công. Đó là, Hà Lan đã hợp tác với các đối tác địa phương ở 14 quốc gia để phát triển kinh tế xanh, kinh tế số và bao trùm trong nhiều lĩnh vực thông qua phương thức tiếp cận tích hợp. Cùng với đối tác địa phương ở các thị trường mới nổi, xác định thách thức trong một số lĩnh vực mà kiến thức chuyên môn của Hà Lan có thể góp phần tạo ra giá trị thặng dư. Với phương thức tiếp cận tích hợp, tập trung vào các giải pháp bền vững và đầu tư dài hạn của các doanh nghiệp Hà Lan muốn đóng góp vào việc thực hiện tham vọng xanh và kỹ thuật số. Chú trọng nỗ lực củng cố môi trường kinh doanh địa phương bằng việc cải thiện các điều kiện để hợp tác thành công, hỗ trợ yêu cầu cụ thể của các chính quyền địa phương, đặc biệt quan tâm đến tạo việc làm cho thanh niên và phụ nữ.
Các chuyên gia thảo luận “Tam giác gây bệnh trong nuôi trồng thủy sản”
Việt Nam đã ban hành quy hoạch tổng thể để tận dụng tiềm năng của ĐBSCL, mục tiêu là phát triển chuỗi giá trị nuôi trồng thủy sản. Hợp tác phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững theo phương thức tiếp cận tích hợp tập trung vào phát triển các cơ hội kinh tế trong quá trình chuyển đổi này. Nỗ lực mang tính tích hợp nhằm mục tiêu huy động các bên liên quan từ khu vực công và khu vực tư cùng hợp tác để góp phần phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nỗ lực này dự kiến sẽ mang lại môi trường cạnh tranh hơn, có sự tham gia nhiều hơn của giới trẻ. Tập trung vào các giải pháp thuận thiên để giảm dịch bệnh, giảm việc sử dụng thuốc kháng sinh và hỗ trợ nông dân, hợp tác xã trong việc áp dụng công nghệ và tri thức.
Diễn đàn đã có 2 phiên thảo luận: Tam giác gây bệnh trong nuôi trồng thủy sản, Nghiên cứu ứng dụng trong thực tiễn và chia sẻ kiến thức có nhiều chuyên gia ở các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu trao đổi những vấn đề thời sự một cách toàn diện.
Sáu Nghệ