(TSVN) – Trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày càng cạn kiệt, tập trung phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển sẽ giúp giảm áp lực cho khai thác thủy sản, đồng thời tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và các tỉnh ven biển nói chung trong tương lai. Một trong những giải pháp được địa phương triển khai tích cực đó là việc quy hoạch giao mặt nước cho các hộ dân, doanh nghiệp.
Những năm gần đây, việc phát triển nuôi thủy sản trên biển được nhiều địa phương chú trọng phát triển, thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và người nuôi. Tuy nhiên, đi kèm với đó là sự phát triển một cách ồ ạt diện tích nuôi cùng với mật độ nuôi dày đặc đã tác động rất lớn đến môi trường biển, dẫn đến một số loại bệnh nguy hiểm xảy ra (trên tôm hùm, cá biển), gây thiệt hại lớn cho người nuôi.
Các chuyên gia cho rằng, để phát triển bền vững cũng như phát huy tiềm năng dồi dào từ nuôi biển, việc chủ động xây dựng và thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi thủy sản là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc này phải có biện pháp tổng hợp từ cả phía quản lý Nhà nước và người nuôi. Trong đó, về phía Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng, mật độ phù hợp với sức tải môi trường tại các vùng nuôi. Bên cạnh đó, việc xây dựng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các vùng nuôi, đối tượng nuôi phục vụ cho công tác quản lý rất cần thiết…
Tỉnh Quảng Ninh đang “chạy đua” với thời gian để cấp phép mặt nước, các chính sách hỗ trợ cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp. Ảnh: Mỹ Dung
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam khẳng định, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nuôi biển… trong đó có quy hoạch không gian biển đều là những cơ sở pháp lý quan trọng nhất để chuyển từ nuôi biển thủ công sang nuôi biển công nghiệp, chuyển từ nuôi ở vùng biển kín ven bờ sang nuôi ở vùng biển mở xa bờ, từ việc kêu gọi động viên ngư dân ra biển sang việc quản lý chặt chẽ nghề nuôi biển, từ việc đơn loài sang nuôi đa loài tích hợp, phát triển riêng đơn ngành sang kết hợp với các ngành kinh tế biển khác…
Là một trong những địa phương có nhiều lợi thế về phát triển nuôi thủy sản trên biển, từ năm 2018, tỉnh Quảng Ninh đã chủ trương thực hiện và quy hoạch việc bàn giao mặt biển để nuôi thủy sản.
Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh đã quy hoạch 45.246 ha trên vùng biển của 9 địa phương: Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái dành cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Các địa phương đã phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, cập nhật diện tích khu vực biển quy hoạch nuôi vào bản đồ chuyên đề thuộc Quy hoạch tỉnh. Kết quả: 07/09 địa phương (trừ Móng Cái, Hạ Long) đã hoàn thành việc lập, phê duyệt phương án/đề án, bản đồ quy hoạch nuôi biển. Riêng thị xã Quảng Yên đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, giao khu vực biển, tiếp nhận giải quyết hồ sơ của các tổ chức, cá nhân đề nghị giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó, đã có một số doanh nghiệp khảo sát, nghiên cứu đầu tư nuôi biển công nghiệp với diện tích gần 4.000 ha như: STP Group, Công ty CP Tập đoàn Nam Miền Trung, Công ty CP mực nhảy Biển Đông, Công ty TNHH Thủy sản LENGER Việt Nam, Công ty CP Thủy sản Tân An…
Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đã phê duyệt được quy hoạch vùng nuôi ở tất cả các địa phương có biển trên địa bàn. Hiện tại, quy hoạch đã được tỉnh triển khai đến tận cấp xã, các địa phương đang tiếp tục sắp xếp lại hệ thống khu nuôi trồng, bố trí quỹ đất và mặt nước chuyên dùng là 50.000 ha cho cấp phép nuôi biển ổn định lâu dài, để người nuôi trồng thủy sản yên tâm đầu tư sản xuất. Đồng thời, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành liên quan nhanh chóng rút gọn, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển và giao khu vực biển.
Theo Đề án Phát triển Nuôi trồng thủy sản huyện Vân Đồn (vựa nuôi trồng thủy sản lớn nhất tỉnh Quảng Ninh và miền Bắc) đến năm 2030, tầm nhìn 2040, có tổng diện tích 23.821 ha, gồm 91 khu vực biển đã được tích hợp vào Quy hoạch chung của tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 80/QĐ-UBND ngày 11/2/2023. Đây chính là cơ sở để huyện sắp xếp các vùng nuôi, chỉ ra các khu vực có lợi thế nuôi cho từng đối tượng nuôi chủ lực trên địa bàn. Đến ngày 20/10/2024, Vân Đồn đã tạm giao mặt nước biển cho 57 HTX, với tổng số 912 thành viên, tổng diện tích tạm giao khoảng 6.000 ha; dự kiến huyện sẽ giao thêm 7.000 ha khu vực biển cho các hợp tác xã và hơn 1.000 hộ dân trong năm nay.
Ngày 13/10/2024, thị xã Quảng Yên đã tổ chức hội nghị trao quyết định giao khu vực nuôi trồng thủy sản cho 164 hộ đầu tiên ở xã Hoàng Tân và phường Phong Hải; theo đó, mỗi hộ được giao 0,6 ha kèm theo vị trí, sơ đồ. Đến giữa tháng 11, Quảng Yên sẽ hoàn thành bàn giao khu vực nuôi trồng thủy sản cho hơn 400 hộ dân với 865 ha mặt nước thuộc khu vực cấp huyện quản lý. Việc tiến hành trao quyết định giao khu vực nuôi trồng thủy sản trên biển cho các hộ dân đầu tiên khẳng định sự đồng hành của chính quyền địa phương và cam kết luôn hỗ trợ cùng ngư dân tháo gỡ khó khăn, sớm khôi phục hoạt động nuôi trồng thủy sản vốn là thế mạnh của Quảng Yên trong nhiều năm qua.
STP Group là một trong những doanh nghiệp đang đầu tư nuôi biển quy mô lớn tại huyện Vân Đồn. Ảnh: STP
Việc bàn giao mặt biển để nuôi trồng thủy sản là chủ trương được tỉnh Quảng Ninh quy hoạch và thực hiện từ năm 2018. Tuy nhiên, đến nay vẫn nhiều hộ nuôi trồng tự phát, làm cản trở luồng lạch, gây ô nhiễm môi trường, cơ quan quản lý khó kiểm soát. Các hộ nuôi trồng không theo quy hoạch cũng sẽ không được vay vốn sản xuất, không được đền bù khi gặp rủi ro thiên tai.
Theo ông Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, UBND 9 địa phương ven biển nói trên cần tập trung triển khai quyết liệt, có hiệu quả những chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 1754/UBND-NLN1 ngày 3/7/2024 về việc tăng cường quản lý quy hoạch và công tác giao khu vực biển phục vụ nuôi thủy sản. Khẩn trương rà soát, xác định cụ thể nhu cầu sử dụng khu vực biển nuôi thủy sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; trong đó, phân rõ thẩm quyền giao khu vực biển, nhu cầu diện tích khu vực biển, đối tượng chuyển đổi nghề từ khai thác thủy sản ven bờ sang nuôi biển… đảm bảo rõ các thông tin cá nhân. Xác định cụ thể ranh giới, diện tích, tọa độ khu vực biển dành thu hút đầu tư nuôi công nghiệp gắn với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đảm bảo mặt bằng sạch. Tính toán cụ thể phương án phân bổ hạn mức diện tích khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo nhóm đối tượng có nhu cầu đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, đúng quy định…; phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc thù từng nhóm đối tượng; đáp ứng yêu cầu, định hướng phát triển nuôi biển của tỉnh và địa phương.
Vân Anh
Trong bối cảnh nhiều địa phương trên cả nước vẫn lúng túng trong triển khai quy hoạch không gian biển, một số kết quả trong việc giao diện tích mặt nước để phát triển nuôi biển của Quảng Ninh đã được Bộ NN&PTNT cùng nhiều chuyên gia đánh giá là có cách làm, bước đi bài bản nhất trong phát triển nuôi trồng thủy sản.