(TSVN) – Một trong những định tại phụ lục V của Nghị định số 37/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 19/5/2024, đó là về kích thước cá ngừ vằn được phép đánh bắt (chiều dài nhỏ nhất cho phép đánh bắt là 500 mm). Điều này đang khiến không chỉ ngư dân hành nghề khai thác cá ngừ đại dương tại các tỉnh miền Trung gặp trở ngại, hàng loạt tàu cá phải “đắp chiếu”; mà doanh nghiệp cũng bị vạ lây vì thiếu nguyên liệu sản xuất.
Thực hiện Nghị định số 37 ngày 4/4/2024 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26 ngày 8/3/2019 về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; tại Phụ lục V quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên, trong đó quy định cá ngừ vằn có chiều dài nhỏ nhất được phép khai thác là 500 mm; hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã dừng thu mua đối với cá ngừ vằn có chiều dài dưới 500 mm. Vì vậy, số tàu cá hoạt động nghề lưới vây cá ngừ phải nằm bờ không đi khai thác, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất thủy sản và đời sống của một bộ phận ngư dân là chủ tàu, thuyền viên.
Nhiều ngư dân tại miền Trung đang “mắc cạn” với quy định về kích thước khai thác cá ngừ vằn. Ảnh: Như Đồng
Tỉnh Bình Định hiện có 6.242 tàu cá được đăng ký với hơn 40.000 lao động tham gia hoạt động khai thác thủy sản; trong đó, nghề lưới vây chuyên đánh bắt cá ngừ có khoảng 650 tàu với hơn 7.500 lao động. Sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh hằng năm đạt trên 270.000 tấn; trong đó, sản lượng cá ngừ các loại trên 55.000 tấn (cá ngừ đại dương khoảng 12.000 tấn, còn lại chủ yếu là cá ngừ vằn và một số ít loài cá ngừ khác). Được biết, cá ngừ vằn mà ngư dân khai thác được chủ yếu có kích cỡ từ 300 – 400 mm, còn kích cỡ từ 500 mm (tương đương cỡ 5 kg/con) trở lên chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng của một phiên biển. Trước quy định trên, nhiều ngư dân tại thị xã Hoài Nhơn (địa phương có số lượng tàu cá hành nghề lưới vây lớn nhất nhì tỉnh Bình Định) đành phải cho tàu nằm bờ, bởi thương lái đã dừng mua loại cá ngừ vằn có chiều dài dưới 500 mm. Nhiều ngư dân có “của ăn, của để” nhờ nghề này giờ lại phải “dở khóc, dở cười” vì đầu ra không có, giá cá ngừ vằn đạt chuẩn thì giảm mạnh, chỉ còn dao động ở mức 12.000 – 17.000 đồng/kg.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định thông tin, việc các tàu cá nằm bờ làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất thủy sản và đời sống của một bộ phận ngư dân là chủ tàu, thuyền viên. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã có Văn bản số 3116 về việc kiến nghị sửa đổi một số nội dung của Nghị định 37. Để đảm bảo thực hiện tốt công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản nhưng không làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân, Sở cũng đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT đề nghị xem xét, căn cứ đặc điểm sinh học của loài cá ngừ vằn và các loài thủy sản khác để rà soát, xem xét lại quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác loài cá ngừ vằn và các loài thủy sản khác sống trong vùng nước tự nhiên.
Cá ngừ vằn là một nguyên liệu chủ lực để chế biến và xuất khẩu cá ngừ đóng hộp ở Việt Nam hiện nay. Theo các doanh nghiệp, việc quy định kích thước tối thiểu khiến thiếu hụt nguyên liệu cho doanh nghiệp, khó cạnh tranh với các đối thủ, thậm chí “chặn cửa” tại thị trường EU. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU đã giảm 15% trong tháng 10/2024.
Ông Nguyễn Văn Triển, Giám đốc Công ty CP đồ hộp Tấn Phát (Phú Yên) cho biết, khi áp dụng Nghị định 37 trong khai thác cá ngừ vằn, doanh nghiệp này không đủ cá để sản xuất thực phẩm đóng hộp để xuất khẩu sang Mỹ, Trung Đông… Còn Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hưng thông tin, cá ngừ vằn đánh bắt có 3 kích cỡ là 300 – 500 g/con, 0,5 – 1 kg và trên 1 kg, trong đó kích cỡ chủ yếu là 0,5 – 1 kg, tương đương 150 – 200 mm, tùy vùng biển. Như vậy quy định chỉ đánh bắt cá ngừ vằn từ 500 mm là chưa phù hợp thực tiễn bởi sản lượng cá ngừ đạt kích cỡ này thực tế rất thấp. Theo ông Hưng, doanh nghiệp có 40 container hàng đi châu Âu nhưng chưa dám nhận vì theo quy định xuất khẩu sang thị trường này phải có giấy chứng nhận thủy sản khai thác. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 37 hiện nay thì doanh nghiệp rất bế tắc.
Bà Nguyễn Thị Vân Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP cho rằng, hiện nguồn nguyên liệu từ khai thác rất hạn chế do phần lớn tàu thuyền ở Việt Nam có quy mô nhỏ và thô sơ, trong khi ngư trường đánh bắt ngày càng thu hẹp. Nay thêm vào quy định chưa hợp lý về kích thước tối thiểu khiến cho sản lượng đánh bắt giảm, doanh nghiệp gần như bị “khóa chân”, ảnh hưởng tới sản lượng xuất khẩu ngành hàng cá ngừ.
Ông Vũ Duyên Hải, Phó cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, một kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu hải sản đã được công bố về kích cỡ tham gia sinh sản lần đầu, nghĩa là có thể cho phép tham gia khai thác là kích cỡ 380 mm đối với cá ngừ vằn cái và 387 mm đối với cá ngừ vằn đực. Đây là hai cơ sở thực tiễn và pháp lý. Do đó, chúng ta cần sớm điều chỉnh để đảm bảo việc xác nhận cá ngừ nhằm giữ được thị trường. Nếu không cấp xác nhận đối với cá ngừ nhỏ hơn 500 mm, chúng ta sẽ mất thị phần bởi Thái Lan đang có cơ hội để lấn các thị trường cá ngừ mà Việt Nam đang có. Nếu tình trạng này kéo dài, các doanh nghiệp sẽ đói nguyên liệu và chúng ta sẽ mất thị trường. Trong khi đó, việc phát triển và chiếm lĩnh một thị trường phải mất 5 – 10 năm và để lấy lại rất khó.
Trong tổng số cá ngừ vằn khai thác hằng năm, loại có chiều dài từ 50 cm trở lên chỉ chiếm khoảng 10 – 15%. Ảnh: ST
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP nhận định, việc Chính phủ quy định kích cỡ thủy sản được phép khai thác, trong đó có cá ngừ, là nhằm bảo vệ sự nguồn lợi thủy sản, duy trì sự bền vững của hệ sinh thái dưới nước. Tuy nhiên, với cá ngừ vằn, quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác là chưa hợp lý. Mặt khác, để ngư dân thực hiện tốt quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài hải sản thì phải có thời gian để đồng bộ tàu đánh bắt, lưới đánh bắt. Một quy định đưa ra mà áp dụng ngay sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến ngư dân và các doanh nghiệp chế biến hải sản.
Còn theo đề xuất của ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, trước mắt nên xem xét kích cỡ cho phép khai thác đối với cá ngừ vằn cái là 380 mm và cá ngừ vằn đực là 387 mm. Bởi theo nghiên cứu, với kích cỡ này thì cá ngừ vằn đã sinh sản. Mặt khác, cá ngừ vằn là loài cá di cư có trữ lượng lớn nên các quốc gia và những tổ chức quản lý nghề cá thường tiến hành áp dụng về hạn ngạch khai thác, chứ không quản lý về kích thước khai thác. Đồng thời, kiến nghị Bộ NN&PTNT có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát lại các quy định kích thước khai thác tối thiểu tại Phụ lục V, Nghị định 37 đối với cá ngừ vằn và có văn bản chỉ đạo điều chỉnh tới các địa phương ven biển và các Ban quản lý Cảng cá để giải quyết việc cấp Giấy Xác nhận và Giấy Chứng nhận nguyên liệu thủy sản từ khai thác cho cá ngừ vằn trong giai đoạn chờ sửa Nghị định. Cùng đó, kiến nghị tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Phụ lục V, Nghị định 37 trong thời gian sớm nhất theo hướng quản lý nghề khai thác cá ngừ vằn theo hạn ngạch để phù hợp với các luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn nêu trên cũng như phù hợp với cách tiếp cận của các tổ chức quản lý nghề cá khu vực.
Hải Lý
Ngày 5/11/2024, Bộ NN&PTNT có Công văn 8293/BNN-KN về việc xử lý kiến nghị của VASEP liên quan đến một số quy định bất cập tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP. Theo đó, để vừa đảm bảo mục tiêu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động khai thác truyền thống của ngư dân và xuất khẩu của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, Bộ đã dự thảo Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép rà soát, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định trong lĩnh vực thủy sản theo trình tự, thủ tục rút gọn để kịp thời điều chỉnh những vướng mắc, khó khăn trong thực tế triển khai tại các địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 này.