Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, hướng đi bền vững của người nuôi tôm tại Bình Định

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm đã được Trung tâm Khuyến nông Bình Định triển khai xây dựng mô hình và thực hiện từ năm 2020. Mục tiêu chính của việc áp dụng công nghệ này là nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. Đồng thời giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Công nghệ Semi-Biofloc ngày càng được ứng dụng rộng rãi tại Bình Định. Ảnh – Thành Nguyên

Trong giai đoạn từ năm 2020 – 2023, Trung tâm Khuyến nông thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc tại các xã Nhơn Hội (thành phố Quy Nhơn), Cát Minh, Cát Khánh (huyện Phù Cát), Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) và xã Hoài Hải (thị xã Hoài Nhơn) với quy mô 1.500 m2/điểm trình diễn. Kết quả mang lại thực sự rất khả quan, tỷ lệ sống trung bình của tôm đạt 87%, kích cỡ thu hoạch 70 con/kg, năng suất bình quân đạt 25,6 tấn/ha, tăng gấp đôi so với các phương pháp truyền thống. Nhờ vậy đã đem lại lợi nhận khá cao cho người nuôi, dao động từ 96 – 118 triệu đồng/1.500 m2/vụ nuôi. Đồng thời, việc nuôi tôm ứng dụng công nghệ này hạn chế hoặc không sử dụng kháng sinh đã góp phần giảm chi phí nuôi, hạn chế rủi ro dịch bệnh và bảo vệ môi trường nuôi. 

Thạc sỹ Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết: Điểm nổi bật của việc ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc trong nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng cho thấy chi phí đầu vào giảm từ 10-15% so với phương pháp nuôi truyền thống trước đây, đó là nhờ tiết kiệm nước, giảm lượng thức ăn và kháng sinh trong quá trình nuôi. Việc giảm thiểu chi phí này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế ô nhiễm, dịch bệnh. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ này cho phép tăng mật độ nuôi lên từ 180 – 200 con/m² so với 100 – 150 con/m² ở phương pháp truyền thống. Nhờ vậy, không chỉ giúp tăng năng suất, thu nhập cho người nuôi mà còn mở ra cơ hội nuôi tôm quanh năm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Bình Định tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình này tại xã Cát Minh, Cát Khánh (huyện Phù Cát) và xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) với quy mô 1.000 m²/điểm trình diễn. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% kinh phí về giống, thức ăn và các vật tư thiết yếu. Đồng thời, được tập huấn chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi. Điểm khác biệt so với trước đây là áp dụng theo quy trình nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, uơng tôm giống PL12 sau 25 – 30 ngày, đạt kích cỡ từ 600 – 800 con/kg; giai đoạn 2, chuyển từ ao ương sang ao nuôi thương phẩm với mật độ thả nuôi 200 con/m²

Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Tú, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông, chuyên gia chuyển giao công nghệ Semi-Biofloc tại Bình Định. Ảnh – Thành Nguyên

Kết quả triển khai trong năm đã góp phần cũng cố thêm niềm tin của người dân vào việc ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc trong nuôi tôm thương phẩm. Theo đó, năng suất tôm đạt từ 24 – 27 tấn/ha, đem lại lợi nhuận cho người dân từ 67 – 85 triệu đồng/1.000 m2/vụ.

Ông Phạm Xuân Phương, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, nhận định: Việc áp dụng kỹ thuật nuôi theo công nghệ Semi-Biofloc trong các khâu như lấy nước, xử lý nước, nuôi cấy vi sinh tạo floc,… nhờ vậy tôm sinh trưởng phát triển tốt, không xuất hiện bệnh, tỷ lệ sống đạt 90%, kích cỡ thương phẩm đạt 65 con/kg, năng suất đạt 27,7 tấn/ha, sau khi trừ khấu hao tất cả các chi phí ước tính lợi nhuận đạt 67 triệu đồng. Trong thời gian đến, tôi sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ này để phát triển nghề nuôi tôm của gia đình và sẵn sàng hỗ trợ mọi người nếu họ có nhu cầu.

Tương tự, ông Phan Dình Đủ, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, cho hay: Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm trên địa bàn xã chịu ảnh hưởng rất lớn do thời tiết diễn biến khá phức tạp, ô nhiễm môi trường nuôi, dịch bệnh xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều hơn, dẫn đến thiệt hại cho người nuôi, nhiều hộ dân đã bỏ nghề để chuyển sang làm công việc khác. Đây là vụ đầu tiên tôi ứng dụng công nghệ này vào nuôi thương phẩm, sau 3 tháng thả nuôi, tỷ lệ sống của tôm đạt 85,5 %, kích cỡ tôm thương phẩm 70 con/kg, tổng sản lượng đạt 2.443 kg, lợi nhuận mang lại khoảng 85 triệu đồng. 

Nếu so sánh với nuôi tôm theo truyền thống trước đây thì công nghệ Semi – Biofloc tương đối dễ chuyển giao và ứng dụng, năng suất cao, chi phí sản xuất giảm và hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn hẳn. Đồng thời, giúp người nuôi kiểm soát và hạn chế được dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, tôm thương phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng nên được ưa chuộng. Vì vậy, ngày càng nhiều hộ dân tiếp cận và ứng dụng vào nuôi thương phẩm và tăng thu nhập tăng đáng kể.

Thạc sỹ Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định kiểm tra tôm thương phẩm. Ảnh – Thành Nguyên

Thạc sỹ Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, chia sẻ thêm: thực hiện Chương trình Khuyến nông giai đoạn 2024 – 2026, Trung tâm Khuyến nông sẽ triển khai xây dựng và thực hiện mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng bán thâm canh – thâm canh hai giai đoạn ứng dụng công nghệ Semi BioFloc trong 3 năm, 9 điểm trình diễn với tổng diện tích 9.000 m2 tại các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, thành phố Quy Nhơn,… Kết quả thực hiện trong năm 2024 đã mang lại nhiều tín hiệu khả quan, cho thấy công nghệ Semi-Biofloc trong nuôi tôm thương phẩm là giải pháp bền vững, mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế. Vì vậy, ttrong thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục thông tin tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn để chuyển giao kỹ thuật. Đồng thời nhân rộng mô hình đến người nuôi tôm trong tỉnh, từng bước hình thành và phát triển bền vững nghề nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh, nâng cao thu nhập cho người nuôi./.

Thành Nguyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!