Gia Lai: Tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản lồng bè

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Để ngành thủy sản phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có, tỉnh Gia Lai đang tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản trong lồng bè tại một số địa phương có diện tích mặt hồ lớn.

Gia Lai với lợi thế có diện tích mặt nước lớn được xem là một trong những địa phương lý tưởng trong việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.

Theo đánh giá của một số địa phương, nguồn nước và điều kiện thời tiết phù hợp là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá nước ngọt. Cùng đó, ngành nông nghiệp quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình nuôi cá nước ngọt trong lồng và các ao hồ tự nhiên. Các mô hình này đã tạo động lực kích thích người dân chú trọng phát triển nghề nuôi cá nước ngọt trên địa bàn.

Tỉnh hiện có 510 lồng bè nuôi cá trong các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Ảnh: Nguyễn Diệp

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Gia Lai, toàn tỉnh có khoảng 1.010 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản và diện tích khai thác thủy sản khoảng 14.568 ha. Tổng sản lượng các loại thủy sản ước đạt 8.305 tấn (sản lượng nuôi 4.825 tấn, sản lượng khai thác 3.480 tấn).

Tỉnh hiện có 510 lồng bè nuôi cá trong các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Hoạt động nuôi trồng thủy sản tập trung chủ yếu tại các huyện: Chư Păh, Ia Grai, Đak Đoa, Phú Thiện, Kbang, Chư Prông và thị xã An Khê.

Tuy nhiên, ngành thủy sản của địa phương hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do diện tích nuôi trồng thủy sản trong lồng xa khu dân cư, đi lại khó khăn. Nguồn cá giống sản xuất trong tỉnh chưa nhiều mà chủ yếu nhập từ tỉnh khác. Các hộ nuôi cá đặc sản còn đang tự phát, trình độ kỹ thuật còn thấp, quy mô nhỏ lẻ. Đặc biệt, giá con giống, thức ăn tăng cao trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm thiếu ổn định khiến người dân gặp không ít khó khăn.

Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2025, thủy sản duy trì tốc độ tăng trưởng đạt 16,53%/năm, chiếm tỷ trọng 1,13% trong cơ cấu ngành nông, lâm, thủy sản. Khai thác hiệu quả khoảng 15.720 ha mặt nước. Trong đó: Diện tích nuôi trồng khoảng 1.020 ha, diện tích khai thác tự nhiên khoảng 14.700 ha. Tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8.550 tấn/năm, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 4.875 tấn, sản lượng khai thác đạt 3.675 tấn.

Do đó, để đạt được mục tiêu đề ra, theo ông Trương Hoài Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Gia Lai, các địa phương cần tiếp tục triển khai kế hoạch nuôi trồng thủy sản theo Quyết định số 210/QĐ-UBND ngày 9-3/2022 của UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phát triển chăn nuôi, thủy sản giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản lồng bè tại một số địa phương có diện tích mặt hồ lớn; tận dụng dòng chảy, độ sâu của các con sông, suối và hồ thủy lợi, thủy điện để nuôi cá lồng bè; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản; duy trì và nhân rộng các mô hình nuôi cá lồng hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý hồ chứa và chính quyền địa phương nuôi các loài cá có giá trị kinh tế cao,…

Ngoài ra, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đầu tư nuôi cá nước lạnh ở những vùng có điều kiện nguồn nước, khí hậu thích hợp để tham gia thị trường xuất khẩu; ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản; thu hút các dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn nuôi trồng thủy sản vào địa bàn tỉnh để giảm chi phí.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tiếp tục chú trọng công tác quan trắc môi trường để cảnh báo đến người nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Thanh Hiếu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!