Vượt thách thức, thủy sản giữ vững mục tiêu tăng trưởng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Phát triển ngành thủy sản bền vững và giữ vững mục tiêu tăng trưởng là mục tiêu quan trọng, nhằm nâng cao thu nhập cho người sản xuất, lợi ích cho người tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Với những thành tựu của toàn ngành đạt được sau 2/3 chặng đường của năm 2024 cho thấy, thủy sản vẫn giữ vững phong độ là nhóm ngành hàng chủ lực của ngành nông nghiệp.

Điểm sáng xuất khẩu

Thông tin từ Tổng cục Hải quan, lần đầu tiên sau 27 tháng (kể từ tháng 6/2022), xuất khẩu thủy sản theo tháng đã trở lại đạt mức 1,1 tỷ USD trong tháng 10/2024 – dấu mốc đáng mừng cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Lũy kế đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 9,2 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước. 

Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc – Hồng Kông đã vượt lên dẫn đầu trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, với mức tăng trưởng 61% trong tháng 11, nâng tổng kim ngạch lũy kế lên hơn 1,7 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Mỹ cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực 21% trong tháng 11, đạt 1,67 tỷ USD sau 11 tháng, và dự báo sẽ tiếp tục khả quan trong tháng cuối năm trước khi chính quyền mới của Mỹ có thể áp dụng các mức thuế quan mới.

Với đà tăng trưởng mạnh mẽ hiện nay, ngành thủy sản Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay. Ảnh: LHV

Tôm và cá tra là hai mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu lớn hơn trong năm 2024. Tính đến cuối tháng 11, xuất khẩu tôm vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, đạt mức tăng 22% trong tháng 11 và dự báo sẽ cán mốc 4 tỷ USD vào cuối năm. Các sản phẩm khác như cá tra, cá ngừ cũng ghi nhận sự tăng trưởng khả quan. Cá tra đạt 1,84 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm và dự báo sẽ chạm mốc 2 tỷ USD vào cuối năm 2024. Cá ngừ, mặc dù tăng trưởng chậm lại, vẫn tăng 8% so với tháng 11/2023, và có thể đạt 1 tỷ USD như kỷ lục năm 2022.

Ngành tôm Việt Nam còn đón nhận tin vui khi Bộ Thương mại Mỹ đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ (CVD) cho tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam, trong đó, mức thuế suất cho tôm Việt Nam là 2,84%, thấp hơn đáng kể so với 4,36% của Ấn Độ và 7,55% của Ecuador. Đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng cho tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ. 

Theo đánh giá của doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu cuối năm dự báo sẽ tiếp tục ổn định, đặc biệt là nhờ nhu cầu gia tăng vào mùa lễ hội tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu. Để sản xuất kịp đơn hàng cho quý cuối năm, đặc biệt là giai đoạn trước Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán và các đơn hàng đầu năm 2025, nhiều doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, tuyển dụng thêm lao động, bố trí nhân sự tăng ca ngoài giờ. 

Tăng cường sản xuất

Nhằm đảm bảo mục tiêu, kế hoạch tăng trưởng nuôi trồng thủy sản, phát triển sản xuất ổn định, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu; ngày 25/10/2024, Bộ NN&PTNT có văn bản số 8024/BNN-TS đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm. 

Chú trọng nâng cao chất lượng tôm giống, yếu tố then chốt mang lại vụ nuôi thành công; ảnh: PTC

Trong đó: Hướng dẫn tiếp tục xuống giống thủy sản ở những vùng chủ động kiểm soát điều kiện nuôi; tập trung quản lý, chăm sóc tốt đối tượng nuôi chủ lực (tôm nước lợ, cá tra). Khuyến khích phát triển sản xuất các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao (cá biển, nhuyễn thể, rong biển, cá rô phi, cá nước lạnh…) và các loài thủy sản nuôi bản địa, đặc hữu để phát huy tiềm năng lợi thế tự nhiên đối với tất cả các loại hình nuôi (nước ngọt, nước lợ, nước lạnh, trên biển, hồ chứa…), để bù đắp thiệt hại do bão số 3 và hoàn thành kế hoạch sản xuất cả năm 2024. Cùng đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm, khuyến cáo kịp thời đến người nuôi để ứng phó hiệu quả với điều kiện môi trường nuôi có diễn biến bất lợi; kiểm tra, giám sát chặt chẽ và có biện pháp xử lý kịp thời tình hình dịch bệnh, không để xảy ra dịch bệnh trong thời gian sản xuất trái mùa…

Nỗ lực từ nhiều phía

Để đạt mục tiêu năm 2024 và hướng đến giữ vững đà tăng đến cuối năm, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc về quy định, giấy phép; ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư Ký VASEP cho rằng, các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa trong việc nuôi, xuất khẩu thủy sản. Về lĩnh vực xuất khẩu, các doanh nghiệp cần chú ý tới một số rào cản như thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tại Mỹ. Khi áp cho các nước xuất khẩu tôm lớn làm mức độ cạnh tranh trở nên gay gắt hơn giữa các nước. Từ đó, khiến xuất khẩu tôm bị ảnh hưởng hoặc tăng tốc phụ thuộc vào mức thuế áp cho Việt Nam. Theo ông Hòe, các thị trường chính, đặc biệt thị trường Mỹ sẽ phục hồi nhu cầu cho mục tiêu thụ cuối năm, thị trường Trung Quốc sau gói kích thích kinh tế sẽ tăng nhu cầu phục vụ Tết, hay Nhật Bản cũng ổn định.

Các cơ sở nuôi cần quan tâm đến vấn đề an toàn sinh học, giải pháp cho ngành thủy sản phát triển bền vững. Ảnh: PTC

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y thì khuyến cáo người nuôi phải cẩn trọng, tránh mua hàng nhập lậu để phòng rủi ro con giống nhiễm bệnh, chất lượng kém, nuôi lâu lớn… Cùng với đó, cần tiếp tục xử lý môi trường nước để tránh ô nhiễm, chọn con giống sạch bệnh, chọn thức ăn không chứa mầm bệnh, tăng cường kiểm dịch vận chuyển, tránh mầm bệnh lây lan để phòng từ sớm, từ xa.

Nhằm bảo đảm nguyên liệu thủy sản xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các địa phương không được chủ quan bởi dịch bệnh trên thủy sản khi đã xuất hiện thì lây lan nhanh và gây thiệt hại rất lớn. Các cơ sở nuôi trồng phải ưu tiên xây dựng vùng nuôi an toàn sinh học, tuân thủ tuyệt đối quy trình vệ sinh khử khuẩn, xử lý nguồn nước trước và sau khi nuôi. Về con giống, cần chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và đảm bảo sức đề kháng cao… Các địa phương cần hỗ trợ người nuôi về quy trình kỹ thuật, thời điểm thả giống, cảnh báo các yếu tố môi trường có thể tác động đến sức khỏe thủy sản.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Công thương đang được giao thực hiện xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA. Mục tiêu của Hệ sinh thái tận dụng các FTA trong lĩnh vực thủy sản nhằm giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích từ các FTA; xây dựng văn hóa kết nối, hợp tác; thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Theo đó, hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành hàng thủy sản sẽ là cách tiếp cận mới, căn bản, quan trọng giúp doanh nghiệp xuất khẩu và toàn ngành thủy sản tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu.

Xuân Lan

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định: Mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 54 - 55 tỷ USD được đề ra từ đâu năm của ngành nông, lâm, thủy sản sẽ vượt qua ngay khi kết thúc tháng 11 và dự báo nhóm hàng này sẽ lập mốc 60 tỷ USD trong năm 2024. Đây sẽ là năm mà lĩnh vực này đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!