Cao Bằng: Phát huy tiềm năng nuôi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nhằm khai thác tiềm năng nguồn lợi thủy sản, những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh quan tâm định hướng phát triển thủy sản. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2024, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh khoảng 350 ha và hơn 11.710 m3 nuôi cá lồng. Sản lượng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 489 tấn, đạt 73% so kế hoạch; tăng 81 tấn, đạt 120% so cùng kỳ năm trước.

Tỉnh Cao Bằng có 4 hệ thống sông chính gồm: Sông Bằng Giang, sông Gâm, sông Quây Sơn, sông Bắc Vọng và các lưu vực suối nhỏ; hệ thống sông, suối khá đa dạng và phong phú, nhiều thủy vực vùng nước trũng, lặng, ngoài ra có nhiều hồ chứa thủy điện (Hòa Thuận, Tiên Thành, Bảo Lạc, Bảo Lâm 1,…) và nhiều hồ chứa thủy lợi cùng các ao, hồ nhỏ thuận lợi cho việc nuôi trồng, phát triển thủy sản.

Các địa phương có phong trào nuôi phát triển mạnh như huyện: Hòa An (113 ha), Thạch An (64 ha), Quảng Hòa (50 ha), các huyện còn lại diện tích ao nuôi phân tán, nhỏ lẻ. Đa số ao nuôi cá trên địa bàn tỉnh là các ao đất, một số ít được xây kiên cố, chủ yếu nuôi giống cá truyền thống (cá trắm, chép, trôi, mè, rô phi).

Cao Bằng phấn đấu năm 2025, thể tích lồng nuôi thủy sản đạt 15.070 m³, năm 2030 đạt 20.270 m3. Ảnh: Hà Điệp

Bên cạnh đó, nuôi cá lồng trên sông, suối, lòng hồ thủy điện, thủy lợi phát triển khá mạnh. Diện tích nuôi thả cá đặc sản khác (cá chiên, anh vũ, lăng, bỗng, hồi, tầm) chiếm tỷ lệ thấp. Hiện có một số hộ ở các huyện đã mạnh dạn đầu tư nuôi thủy đặc sản đem lại thu nhập cao, như: Hà Quảng (cá tầm), Trùng Khánh, Quảng Hòa (cá bỗng), Bảo Lâm (cá chiên, lăng chấm), Hòa An (cá bỗng, ba ba).

Theo Sở NN&PTNT Cao Bằng, lũy kế 11 tháng đầu năm 2024, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh khoảng 350 ha và hơn 11.710 m3 nuôi cá lồng. Sản lượng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 489 tấn, đạt 73% so kế hoạch; tăng 81 tấn, đạt 120% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 103 tấn, đạt 85% kế hoạch, tăng 6,21 tấn, đạt 106,43% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng nuôi trồng ước đạt 387 tấn, đạt 70,49% kế hoạch, tăng 75,35 tấn, đạt 124,21% so cùng kỳ năm trước.

Nhằm khai thác tiềm năng nguồn lợi thủy sản, những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh quan tâm định hướng phát triển thủy sản. Theo đó, đối với phát triển nuôi thủy sản ở các ao, hồ nhỏ theo hướng bán thâm canh, thâm canh, tại các huyện có diện tích nuôi ao lớn, gồm: Thạch An, Hòa An, Hà Quảng, Trùng Khánh và TP Cao Bằng, tập trung phát triển nuôi các loài cá có tốc độ sinh trưởng nhanh, thị trường tiêu thụ ổn định như: cá rô phi đơn tính, trắm, chép, trôi, mè, lăng. Liên kết sản xuất, hình thành các vùng nuôi tập trung, áp dụng các quy trình kỹ thuật theo hướng an toàn thực phẩm. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi thủy sản 404 ha, năm 2030 đạt 438 ha.

Đối với nuôi cá lồng, phát triển trên sông, suối, hồ chứa thủy điện, thủy lợi tại các huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Trùng Khánh, Quảng Hòa, Hòa An, Thạch An. Thành lập vùng nuôi thủy sản lồng bè áp dụng các biện pháp đảm bảo vệ sinh, phòng bệnh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Chủ động phát triển nuôi một số loài cá đặc sản như cá bỗng, cá rầm xanh, cá chiên,… kết hợp nuôi ghép với cá rô phi, chép, trắm do các loài này sinh trưởng nhanh, thị trường tiêu thụ ổn định, dễ thu hồi vốn trong khi các loại cá đặc sản có thời gian nuôi lâu (2 năm trở lên) mới thành thương phẩm. Mục tiêu đến năm 2025, thể tích lồng nuôi thủy sản đạt 15.070 m3, năm 2030 đạt 20.270 m3. Phát triển nuôi cá nước lạnh tại các huyện: Nguyên Bình, Hà Quảng, Quảng Hòa.

Để đạt mục tiêu đề ra, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế từ nuôi trồng thủy sản, thời gian tới, ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ của tỉnh trong nuôi trồng thủy sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường hỗ trợ, chuyển giao các kỹ thuật mới, khuyến khích đưa các giống cá có năng suất, chất lượng cao, dễ tiêu thụ, sạch bệnh vào nuôi trồng. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân áp dụng các quy trình nuôi cá theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo hướng VietGAP. Xây dựng, mở rộng các chuỗi liên kết, tiêu thụ thủy sản, truy xuất nguồn gốc. Thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nuôi các loại thủy sản nước lạnh có giá trị kinh tế cao (cá hồi, cá tầm,…).

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!