T6, 13/12/2024 02:43

Giảm khai thác, tăng nuôi trồng: Hướng đi bền vững ngành thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 13/12, tại Hà Nội, Cục Thủy sản đã tổ chức hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Tại sự kiện, các chuyên gia và lãnh đạo ngành đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm khai thác, chuyển đổi nghề cá và thúc đẩy nuôi trồng biển nhằm bảo vệ nguồn lợi hải sản, tạo sinh kế bền vững và xây dựng ngành thủy sản hiện đại, hiệu quả.

Hội nghị cũng là dịp để các đơn vị đánh giá kết quả triển khai Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 208/QĐ-TTg. 

Các đại biểu tham dự Hội nghị do Cục Thủy sản tổ chức sáng ngày 13/12/2024 tại Hà Nội. Ảnh: Thùy Khánh

Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh, chuyển đổi nghề cá là giải pháp then chốt nhằm giảm áp lực lên nguồn lợi thủy sản, cải thiện đời sống ngư dân và xây dựng vùng ven biển văn minh. Cục trưởng cũng chỉ ra rằng một số địa phương đã đạt được kết quả khả quan trong chuyển đổi nghề, tuy nhiên cần thêm đánh giá cụ thể để giải quyết khó khăn hiện tại. 

Báo cáo của Cục Thủy sản cho biết, đội tàu cá toàn quốc đã giảm từ 86.820 chiếc (2020) xuống 84.720 chiếc (2024), nhưng tốc độ giảm 0,6%/năm là chưa đáp ứng yêu cầu. Chính sách giảm khai thác và chuyển đổi nghề chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả còn thấp, thậm chí một số mô hình thí điểm thất bại. Những địa phương như Bến Tre, Kiên Giang, Bình Định vẫn gặp khó khăn trong việc giảm số lượng tàu ven bờ.

Nguyên nhân chủ yếu do phương thức chuyển đổi nghề, cơ chế chính sách của từng địa phương chưa đầy đủ, chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến hiệu quả chuyển đổi nghề trong khai thác hải sản, đặc biệt các nghề khai thác ven bờ triển khai còn chậm như: Bến Tre, Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Nghệ An.

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, việc chuyển đổi nghề cá là rất cần thiết và cấp bách. Ảnh: Thùy Khánh

Để đạt mục tiêu phát triển ngành thủy sản bền vững với tăng trưởng từ 3,0 – 4,0%/năm, Hội nghị đã đưa ra các định hướng chính: Hạn chế đội tàu, cân bằng khai thác và bảo tồn nguồn lợi; mở rộng nuôi trồng biển để tạo sinh kế thay thế; Xây dựng mô hình nghề thay thế có hiệu quả kinh tế cao hơn; Tổ chức khai thác ven bờ hợp lý; Tập huấn kỹ năng nuôi biển và phát triển đội ngũ chuyên gia để hỗ trợ ngư dân từ kỹ thuật nuôi đến kết nối thị trường. 

Trước những thách thức của ngành, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, giảm tàu khai thác ven bờ và thúc đẩy nuôi trồng là con đường tất yếu để bảo vệ nguồn lợi biển và phát triển sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, cần tổ chức sản xuất nghề cá theo chuỗi, phát huy hiệu quả các cảng cá như trung tâm thương mại, văn hóa và du lịch.

Hiện nay, Cục Thủy sản đang phối hợp cùng một số đơn vị tập huấn kỹ năng nuôi biển cho ngư dân một số địa phương. Người đứng đầu ngành thủy sản cho rằng, chỉ khi chúng ta có đội ngũ chuyên gia kỹ thuật nuôi biển lành nghề thì thực hiện mục tiêu nuôi biểu mới thực sự hiệu quả. Từ việc hướng dẫn người dân nuôi con gì cho phù hợp cho tới việc phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Một khi đời sống người dân được cải thiện thì người ta sẽ không khai thác hủy diệt nữa. 

Bên cạnh đó, cần tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi từ nghề cá manh mún sang nghề cá tập trung theo chuỗi, kết nối phát huy hiệu quả nguồn lực các cảng cá, đưa nơi đây thực sự trở thành những trung tâm thương mại, du lịch, văn hóa,…

Thùy Khánh

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố ven biển, thời gian qua, một số mô hình chuyển đổi từ nghề khai thác thủy sản ven bờ sang nuôi trồng thủy sản, dịch vụ đã được triển khai thực hiện. Trong đó, một số mô hình tiêu biểu có thể kể đến như: Mô hình chuyển đổi 07 hộ ngư dân làm nghề khai thác thủy sản ven bờ sang Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản trên biển ở Quảng Bình; Mô hình chuyển đổi 945 hộ ngư dân làm nghề khai thác thủy sản ven bờ sang nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên; Mô hình chuyển đổi nghề cho 250 hộ từ khai thác hải sản sang làm nghề dịch vụ, nuôi trồng thủy sản và bảo vệ rạn san hô Hòn Yến, tỉnh Phú Yên.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!