(TSVN) – Trong bối cảnh ngành thủy sản toàn cầu ngày càng chú trọng vào tính bền vững và trách nhiệm xã hội, đảm bảo phúc lợi động vật (PLĐV) cho tôm nuôi đang trở thành một yêu cầu thiết yếu. Đây không chỉ là yếu tố đạo đức mà còn là giải pháp cải thiện năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
PLĐV trong nuôi trồng thủy sản được hiểu là việc cung cấp các điều kiện sống tối ưu, đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần cho vật nuôi như cá, giáp xác (tôm, cua). Ba trụ cột chính của PLĐV bao gồm: Đạo đức (Động vật là sinh linh có cảm nhận, do đó cần được đối xử nhân đạo); Khoa học (Tôm có hệ thần kinh trung ương và khả năng tri giác, nên việc giảm thiểu đau đớn và stress sẽ cải thiện sức khỏe và năng suất của chúng); Luật pháp (Tôm là tài sản trong quản lý của con người, cần được khai thác và chăm sóc một cách hợp pháp và nhân đạo).
Nghiên cứu đã chứng minh rằng, việc nuôi tôm trong môi trường đảm bảo PLĐV không chỉ giảm rủi ro bệnh tật mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe từ các thị trường lớn như Mỹ, EU, và Nhật Bản.
Ngành thủy sản Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong xuất khẩu, đặc biệt với sản phẩm tôm nuôi, chiếm 40 – 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản hằng năm.
Tuy nhiên, PLĐV là một khái niệm còn khá mới mẻ đối với người nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam, trong khi thủy sản là thực phẩm phổ biến và sinh kế của người dân. Dù chưa gọi tên chính xác “phúc lợi động vật” nhưng Luật Thủy sản năm 2017 với cách tiếp cận hệ sinh thái, quy định về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ sở sản xuất giống, nuôi thương phẩm nhằm đảm bảo điều kiện cho thủy sản nuôi phát triển tốt, đảm bảo môi trường và phát triển bền vững. Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã thể hiện quan điểm “Phát triển ngành thủy sản Việt Nam thành một ngành kinh tế lớn, tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hội nhập quốc tế sâu rộng, có trách nhiệm theo hướng kinh tế tuần hoàn…. Đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và an sinh xã hội”.
Các quy trình kỹ thuật, công nghệ sản xuất đã và đang được đổi mới thường xuyên theo hướng giảm thiểu tác động môi trường, kiểm soát và duy trì điều kiện tốt nhất cho sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, phù hợp với đặc điểm, điều kiện nuôi tôm tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam chưa có các tiêu chuẩn để kiểm soát, đánh giá đảm bảo phúc lợi động vật đối với tôm nuôi, trong khi đó người sản xuất tôm trong nước đang phải đáp ứng quá nhiều tiêu chuẩn cho đầu ra (ASC, Global GAP, Natulands …) của sản phẩm. Điều quan trọng là nhận thức đối với phúc lợi động vật của các bên tham gia chuỗi giá trị tôm cần được cải thiện, nhận thức đúng đắn.
Một vài năm gần đây, một số nghiên cứu về đảm bảo PLĐV thủy sản đã được triển khai thực hiện tại Việt Nam như Dự án “Cải thiện phúc lợi/an sinh cho thủy sản nuôi tại Thái Lan và Việt Nam” đây là một sáng kiến mới kết hợp giữa nghiên cứu, giáo dục và tiếp cận cộng đồng về những lợi ích trong việc cải thiện phúc lợi/an sinh cho thủy sản nuôi. Sáng kiến về “Tăng cường tính bền vững của tôm nuôi sinh thái và phúc lợi tôm nuôi tại Cà Mau”. Nghiên cứu tập trung vào 5 trụ cột chính là “Dinh dưỡng, Môi trường, Sức khỏe, Hành vi; Tương tác Hành vi” để thực hiện khảo sát và xây dựng mô hình thí điểm cải tiến kỹ thuật đảm bảo phúc lợi cho vùng nuôi tôm sú và tôm chân trắng như là sự khởi đầu về nghiên cứu đảm bảo phúc lợi cho tôm nuôi tại Việt Nam.
Ngoài ra, với việc ngày càng ghi nhận nhiều hơn các bằng chứng cho thấy tôm là nhóm có khả năng tri giác cũng như các khía cạnh đạo đức và pháp lý liên quan đến phúc lợi của chúng. Sản lượng và mức tiêu thụ tôm trên thế giới cũng tăng trưởng nhanh chóng. Theo Daniela R. W (2023) trên thế giới có khoảng 440 tỷ tôm nuôi bị giết mỗi năm để làm thực phẩm cho con người, vượt xa con số của hầu hết các loài động vật có xương sống (cá, gà) được nuôi để sản xuất thực phẩm. Với khoảng 230 tỷ con tôm đang sống (đang được nuôi) trong các trang trại tại các thời điểm khác nhau, cao hơn ước tính về số lượng của bất kỳ động vật nuôi nào. Nuôi tôm hiện nay có quy mô lớn hơn so với bất kỳ loài động vật có xương sống nào được nuôi để làm thực phẩm cho con người – số lượng cá thể tôm bị ảnh hưởng lớn hơn.
Một số quốc gia đã bắt đầu ban hành các quy định về giết mổ giáp xác phù hợp với từng loài và đảm bảo nhân đạo. Hiện nay, xu hướng rõ ràng là các thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới yêu cầu các nhà cung cấp của họ tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn PLĐV trong quá trình sản xuất (ASC, Global GAP,…). Áp lực người tiêu dùng về chứng nhận bền vững, nuôi trồng hữu cơ và phúc lợi động vật đã và đang được những doanh nghiệp lớn đưa vào chương trình về trách nhiệm xã hội. Điều này làm gia tăng thách thức đối với sản xuất tôm trong đó có ngành tôm Việt Nam trong việc quan tâm đến phúc lợi của tôm nuôi và “giết mổ tôm” để cung cấp cho người tiêu dùng.
Đối với Việt Nam, trong giai đoạn 2018 – 2024, sản lượng tôm sản xuất tăng 60,3% từ 762,8 nghìn tấn lên 1.264,7 nghìn tấn (Nguồn Cục Thủy sản, 2024). Ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới trong suốt 2 thập kỷ qua. Các sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia với 5 thị trưởng lớn: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật bản, Trung quốc và Hàn quốc. Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ tư trên thế giới sau Ecuador, Ấn Độ và Indonesia với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Hằng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40- 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 đến hơn 4 tỷ USD. Giải quyết việc làm cho trên 3 triệu lao động.
Quan tâm đến PLĐV tôm nuôi sẽ giúp tôm nuôi được sống, sinh trưởng và phát triển trong môi trường phù hợp, giúp cải thiện năng suất và lợi nhuận cho người nuôi tôm, đáp ứng với xu thế phát triển của xã hội về quyền của vật nuôi, đặc biệt là các thị trường nhập khẩu thủy sản khó tính như thị trường Châu Âu, Nhật Bản và Mỹ.
Với quan điểm phát triển ngành thủy sản hiện đại, bền vững, xâm nhập sâu chuỗi cung ứng toàn cầu, hội nhập sâu rộng và có trách nhiệm theo hướng kinh tế tuần hoàn, ngành tôm Việt Nam cần có sự chuẩn bị và đổi mới quy định, chính sách nhằm hài hòa và đáp ứng những yêu cầu mới của thị trường quốc tế, trong đó có đảm bảo phúc lợi động vật đối với sản phẩm thủy sản nói chung và sản phẩm tôm nói riêng với sự nỗ lực cao của Chính phủ, doanh nghiệp, người nuôi tôm.
PV