(TSVN) – Tháng 10/2024 ghi nhận dấu mốc đột phá của ngành thủy sản Việt Nam khi sau 27 tháng, kim ngạch xuất khẩu lại đạt trên 1 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu mặt hàng chủ lực đều rất khả quan và các thị trường trọng yếu đều có sự bứt phá với mức tăng trưởng hầu hết ở hai con số.
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,1 tỷ USD, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 10 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,33 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ.
Trong đó, các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra hay hải sản đều ghi nhận mức tăng khả quan. Tháng 10/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 394 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 10 tháng đạt 3,2 tỷ USD, tăng 13%.
Đối với cá tra, kim ngạch xuất khẩu tháng 10 đạt gần 202 triệu USD, tăng 17% so với tháng 10/2023. Lũy kế 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,7 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ.
Trong nhóm hải sản, cua ghẹ và nhuyễn thể có vỏ vẫn duy trì được đà tăng trưởng từ đầu năm. Trong tháng 10/2024, xuất khẩu cua ghẹ và giáp xác khác tăng 58%, trong khi nhuyễn thể có vỏ tăng 138%. Tính chung 10 tháng đầu năm, hai nhóm sản phẩm này thu về 267 triệu USD và 173 triệu USD, tăng lần lượt 66% và 58% so với năm 2023.
Tuy nhiên, xuất khẩu cá ngừ, mực, bạch tuộc lại có chiều hướng chững lại. Nguyên nhân được cho là do quy định tại Nghị định 37 về các kích cỡ khai thác, khiến việc xác nhận, chứng nhận tại nhiều cảng cá bị đình trệ. Riêng với cá ngừ vằn bị ách tắc hoàn toàn vì ngư dân sợ vi phạm quy định kích thước tối thiểu.
Tăng trưởng trong xuất khẩu thủy sản tháng 10 vừa qua là nhờ sự bứt phá ngoạn mục từ các thị trường trọng điểm, khi giá trị xuất khẩu sang tất cả các thị trường tiêu thụ chính đều ghi nhận tăng trưởng 2 con số.
“Đầu tàu” xuất khẩu
Theo VASEP, quý III là giai đoạn đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của các thị trường nhập khẩu thủy sản chính của Việt Nam. Trong đó, Mỹ và Trung Quốc đóng vai trò đầu tàu đưa xuất khẩu thủy sản Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Với thị trường Trung Quốc, trong tháng 10, giá trị xuất khẩu thủy sản tăng tới 37%, là thị trường lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong tháng. VASEP cho biết, nếu đà tăng trưởng 20% được duy trì, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam. Hơn nữa, việc chi tiêu thận trọng trong tiêu dùng của người Trung Quốc có thể giúp tăng lợi thế cho cá tra Việt Nam vốn vẫn được ưa chuộng tại thị trường này.
Nhiều năm trở lại đây, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu quan trọng của thủy sản Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 5 năm qua dao động từ 1,5 – 2,1 tỷ USD/năm, đồng thời duy trì sự tăng trưởng đều đặn từ đầu năm đến nay. Tính tới cuối tháng 10, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Ước tính năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này sẽ cán đích 1,85 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, cả hai sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam là tôm và cá tra đều rất khả quan, tăng lần lượt 9% và 24% trong 10 tháng qua.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Với mức tăng trưởng ấn tượng những tháng gần đây, đặc biệt trong tháng 10, xuất khẩu thủy sản đã vượt 1 tỷ USD. Nếu 2 tháng còn lại của năm đạt 1,8 tỷ USD thì xuất khẩu thủy sản đạt và vượt kế hoạch xuất khẩu năm 2024 là 10 tỷ USD. Đây là mục tiêu rất quan trọng của ngành, của Bộ NN&PTNT mà Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Với thị trường EU, dù kinh tế được đánh giá hồi phục chậm hơn so với Mỹ và Trung Quốc, nhưng mức tiêu thụ và giá nhập khẩu thủy sản đang dần hồi phục. Tính đến cuối tháng 10, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của thị trường EU khá ổn định và tăng trưởng dương liên tục kể từ tháng 4.
Theo phân tích của các chuyên gia, tại EU, thủy sản Việt Nam có thuận lợi lớn nhờ Hiệp định EVFTA. Những mặt hàng được hưởng ưu đãi ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực đã tăng trưởng khả quan mà điển hình nhất là mặt hàng tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) khi mức thuế suất vào EU được giảm xuống 0%. Dự báo, cơ cấu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU thời gian tới sẽ có nhiều chuyển biến khi các doanh nghiệp nước ta tích cực đẩy mạnh những sản phẩm được hưởng ưu đãi từ EVFTA. Đặc biệt, các biện pháp kiểm soát chặt chẽ của EU đối với sản phẩm thủy sản từ Nga cũng tạo thêm cơ hội cho Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang thị trường này.
Chưa kể, bên cạnh những thị trường xuất khẩu chủ lực và truyền thống như Hà Lan, Đức, Pháp…, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hiện vẫn còn nhiều dư địa và cơ hội để khai thác hiệu quả hơn một số thị trường tiềm năng tại EU.
Mặc dù giá trị kim ngạch vẫn tốt, nhưng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn từ 1,5 – 2%. Theo phân tích của các doanh nghiệp, tình hình lạm phát kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu dùng tại hai thị trường quan trọng này.
Nhật Bản từng là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam, tuy nhiên, sang năm 2024, thị trường này đã tụt xuống vị trí thứ ba, với kim ngạch 1,25 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm. Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất là mặt hàng tôm. Theo VASEP, các nhà sản xuất tôm Việt Nam hiện vẫn có lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu tôm chế biến chất lượng cao sang Nhật Bản so với các nhà xuất khẩu tôm khác.
Còn với Hàn Quốc, 10 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này chỉ đạt 646 triệu USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023. Theo Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe, năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD sang thị trường Hàn Quốc, tuy nhiên đến thời điểm này có thể nói rằng khó thực hiện được con số này.
Ngoài 5 thị trường chủ lực, thị trường CPTPP cũng đóng vai trò quan trọng đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Theo số liệu thống kê, CPTPP chiếm khoảng 25 – 27% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, tương đương khoảng 2,2 – 2,6 tỷ USD. CPTPP hiện là thị trường tiêu thụ cá tra nhiều thứ 3 của Việt Nam. 10 tháng năm 2024, xuất khẩu cá tra sang các quốc gia thuộc CPTPP đạt hơn 224 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Phân tích của các chuyên gia cho thấy, cơ hội của ngành thủy sản tại thị trường có trợ lực của Hiệp định CPTPP còn rất nhiều, nhất là vấn đề về thuế suất ưu đãi.
Trước sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu những tháng gần đây, đặc biệt là tháng 10 vừa qua, ngành thủy sản đang rất mong chờ kỷ lục mới với con số 10 tỷ USD. Theo dự báo, nếu hai tháng cuối năm tình hình xuất khẩu vẫn duy trì ở mức tốt thì kết quả này hoàn toàn có thể, nhưng trước hết ngành cần phải khắc phục các vấn đề trước mắt.
Từ giữa năm, VASEP dự báo quý III và IV, xuất khẩu thủy sản vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Giá cả lương thực, năng lượng và chi phí vận chuyển vẫn ở mức cao khiến lạm phát toàn cầu dù có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng áp lực giá cả vẫn tiếp tục gia tăng. Các cuộc xung đột, điểm nóng trên thế giới vẫn diễn ra, khiến chi phí vận tải không thể hạ nhiệt, thậm chí có thời điểm tăng thêm. Ngoài ra, là nỗi lo thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.
Đồng thời, theo bà Lê Hằng – Giám đốc truyền thông VASEP, “Thẻ vàng” IUU tiếp tục là thách thức đối với xuất khẩu hải sản, nếu không tháo gỡ được trong năm 2024 sẽ khiến xuất khẩu mặt hàng này sang EU đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập. Trong đó, ngành hàng như cá ngừ, mực, bạch tuộc và cá biển bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản cho rằng, giá thành sản xuất, chi phí thức ăn và thuốc thú y cho nuôi trồng thủy sản, đặc biệt nuôi tôm ở Việt Nam còn khá cao. Các rào cản thương mại và yêu cầu tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU và Nhật Bản ngày càng khắt khe về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm.
Về phần mình, ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP cho biết, những tháng cuối năm là thời điểm mà thị trường sẽ mua vào để dự trữ nên việc kim ngạch xuất khẩu tháng 10 tăng cao hơn là bình thường. Năm nay, nhờ sự tăng trưởng liên tục trong mấy tháng liền nên xuất khẩu thủy sản đạt cao như vậy. Đây là cơ hội lớn để ngành thủy sản đạt con số 10 tỷ USD xuất khẩu cả năm.
Tuy nhiên, theo phân tích của VASEP, tăng trưởng quý IV trong xuất khẩu thủy sản phụ thuộc vào kết quả của đợt thanh tra IUU của Ủy ban châu Âu (EC) và kết quả cuối cùng về thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu vào Mỹ. Nếu không xảy ra kịch bản xấu hơn, thì xuất khẩu thủy sản sẽ có kết quả như mong đợi.
Theo Tổng cục Thống kê, để nâng cao hơn nữa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, cần nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt chú trọng việc truy xuất nguồn gốc, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh về giá và chất lượng trên thị trường thế giới, đặc biệt đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Cùng đó, đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA...
Phan Thảo