(TSVN) – Vụ tôm nước lợ năm 2024 trong khi nhiều hộ nuôi không có lãi, thậm chí thua lỗ vì tôm chậm lớn và giá tôm thấp kéo dài thì anh Lê Văn Út, ở xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng lại có thu hoạch trên 30 tấn tôm, cùng mức lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng.
Gặp gỡ Phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam mới đây, anh Út không ngại khoe: “Tôi mới thu hoạch cách đây 1 tuần được 12,5 tấn tôm thẻ; trong đó có 9 tấn tôm cỡ 28 con/kg bán được giá 212.000 đồng/kg. Chỉ riêng 9 tấn tôm cỡ lớn này thôi, tính ra lời tròm trèm cũng khoảng 1 tỷ đồng”. Còn nếu tính chung từ đầu năm đến nay, sản lượng tôm anh Út thu hoạch lên đến 30 tấn. Tôi không ngạc nhiên về cỡ tôm 28 con/kg mà anh thu hoạch ở vụ nghịch này, bởi trước đó, vào cuối tháng 7, ao tôm của anh cũng đã được phía Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (gọi tắt là Công ty CP) xác nhận kỷ lục đạt 15 con/kg.
Anh Lê Văn Út (phải) trong ngày xác lập kỷ lục nuôi tôm đạt kích cỡ 15 con/kg
Khi nghe tôi nhắc lại chuyện này, anh Út cười đắc ý, vô nhà dẫn chiếc xe gắn máy nhãn hiệu Future còn mới toanh, chưa gắn biển số ra khoe tiếp: “Nó đây. Phần thưởng của Công ty CP trao cho người đạt kỷ lục 15 con/kg. Vụ rồi tôm có giá cao chứ không thôi tôi nuôi tiếp về 15 con/kg để lấy thêm 1 chiếc thứ này nữa rồi”. Anh Út là khách hàng của Công ty CP từ 8 năm nay và theo anh cũng nhờ sử dụng sản phẩm đầu vào (con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học…) và thực hành nuôi theo quy trình hướng dẫn của Công ty CP, nên anh luôn có được những vụ nuôi thành công. Không giống những hộ nuôi khác, mô hình nuôi của anh Út không lót bạt đáy mà chỉ lót bạt bờ, thậm chí có cả ao đất hoàn toàn, nhưng vẫn rất thành công.
Theo đó, trên tổng diện tích 16.000 m2, anh Út dành 5.200 m2 làm ao đáy lưới bạt bờ, 5.500 m2 ao đất và phần còn lại là ao chứa và xử lý nước. Nói về cách làm của mình, anh Út chia sẻ: “Do đất của mình ít, rồi vốn cũng ít nên tôi chỉ làm ao đáy lưới bạt bờ và ao đất để dễ chăm sóc. Qua 2 năm nuôi bằng ao đáy lưới bạt bờ tôi thấy, nếu mình thực hành đúng quy trình và thời tiết thuận lợi một chút thì sản lượng tôm thu hoạch cũng rất cao, trong khi chi phí đầu tư cũng khá nhẹ. Đơn cử như vụ thu hoạch mới đây, sau 4,5 tháng nuôi, tôm đạt cỡ 28 con/kg nhưng tính ra giá thành chỉ vào khoảng 90.000 đồng/kg. Với giá bán 212.000 đồng/kg tính ra 1 đồng vốn đầu tư, thu về tới 1,22 đồng lời”.
Anh Út bên chiếc xe Future do Công ty CP tặng cho người nuôi tôm đạt kỷ lục 15 con/kg
Cũng với cách làm này, ở vụ nuôi năm 2023, dù giá tôm rất thấp, nhiều người nuôi bị thua lỗ, nhưng anh Út vẫn có lời khoảng 400 triệu đồng, nhờ nuôi được về cỡ lớn với giá thành thấp. Chia sẻ thêm về cách nuôi của mình, theo anh Út, anh chỉ ương tôm khoảng 4 ngày trong môi trường giống như tại các trại sản xuất giống là san ra ao lớn đáy lưới bạt bờ. Sau 36 ngày nuôi tiếp theo khi tôm đạt cỡ 160 con/kg anh tiến hành san thưa ra cho các ao còn lại (kể cả ao đất). “Đối với ao đất, tôi chỉ nuôi với mật độ 25 con/m2 thôi vì ao này không có xi phông, chỉ sử dụng vi sinh để xử lý đáy ao và tạo màu nước. Do không có xi phông nên việc quản lý môi trường nước, đáy ao là rất khó, nhất là khi tôm đã lớn. Do đó, đối với ao đất, cỡ tôm thu hoạch thường chỉ khoảng 40 con/kg. Riêng vụ thu hoạch mới đây, 5.500m2 ao đất tôi thu được 3,5 tấn tôm cỡ 42 con/kg” – anh Út cho biết thêm.
“Hôm chúng tôi ghé thăm, lứa tôm mới 160.000 post của anh đã được 40 ngày và đang trong giai đoạn san thưa. Đợt nuôi mới này theo đánh giá của anh Út, tôm lớn khá nhanh và đạt tỷ lệ sống cao sau 40 ngày nuôi. Anh Út cho biết thêm: “Tôi mới san được khoảng 50.000 con và đang tiếp tục san tiếp cho các ao còn lại. Thấy tôm lớn nhanh mình cũng mừng, nhưng cũng có chút lo vì hổm rày thời tiết khá lạnh vào ban đêm và sáng sớm. Cũng may là không có mưa trái mùa nhiều nên tôm vẫn ăn mạnh. Nếu thuận lợi, lứa tôm này sẽ được thu hoạch sau Tết Nguyên đán, bán được giá cao vì khi đó sẽ rất ít tôm trong khi nhu cầu thị trường theo dự báo thì vẫn rất cao” – Phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam cho biết.
Xuân Trường