(TSVN) – Các loại phụ gia lyso-phospholipid có khả năng thay thế hoàn toàn lecithin trong thức ăn tôm, giúp đảm bảo lợi nhuận cho các hãng thức ăn và người nuôi tôm khi giá cả và nguồn cung lecithin biến động.
Lecithin đóng vai trò quan trọng trong công thức thức ăn cho tôm, chủ yếu do hàm lượng phospholipid cao, rất cần thiết cho sự phát triển và tăng trưởng của tôm. Phospholipid cải thiện hấp thụ và vận chuyển chất béo cùng các chất dinh dưỡng tan trong chất béo, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn. Ngoài ra, đặc tính nhũ hóa của phospholipid giúp ổn định thức ăn, từ đó tăng cường khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của tôm.
Hình 1
Ngoài lợi ích dinh dưỡng, lecithin cung cấp năng lượng trong khẩu phần ăn của tôm với chi phí tiết kiệm. Khi giá thấp, các nhà sản xuất thức ăn có thể tăng hàm lượng lecithin để giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng đắt tiền hơn, từ đó tối ưu hóa chi phí thức ăn mà không ảnh hưởng đến chất lượng. Tuy nhiên, giải pháp này không còn khả thi khi giá lecithin biến động theo từng khu vực, đặc biệt ở những khu vực nuôi tôm quy mô lớn như Đông Nam Á và Mỹ Latinh. Tại đây, giá lecithin đôi khi vọt lên 3 USD/kg khiến chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng đáng kể.
Việc duy trì hàm lượng lecithin tối ưu trong thức ăn tôm, thường dao động 2 – 3% (20 – 30 kg/tấn thức ăn), trở nên khó khăn hơn khi giá phụ gia này tăng cao. Do đó, các hãng thức ăn chăn nuôi phải cân bằng quản lý chi phí với nhu cầu dinh dưỡng của tôm, đảm bảo rằng bất kỳ sự điều chỉnh nào về hàm lượng lecithin cũng không ảnh hưởng đến chất lượng thức ăn.
Lyso-phospholipids (LPL), còn được gọi là lysolecithin, là sản phẩm của quá trình thủy phân phospholipid bằng enzyme, trong đó các đuôi axit béo được loại bỏ. Do đó, các phân tử LPL ưa nước hơn phospholipid và tăng cường hoạt tính nhũ hóa dầu trong nước hiệu quả trong đường ruột tôm (Hình 1).
Thông thường, lecithin chứa 40% phospholipid với hàm lượng LPL dư ra khoảng 2%. Tuy nhiên, sau khi thủy phân enzyme, hàm lượng phospholipid giảm trong khi tỷ lệ LPL tăng lên 15%. Lyso-phospholipid có thể được bổ sung vào thức ăn cho tôm ở dạng lỏng hoặc dạng bột.
Lyso-phospholipids có nhiều ứng dụng trong thức ăn chăn nuôi như cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn, tăng cường hiệu suất nuôi tôm hoặc giảm chi phí thức ăn tổng thể trong khi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tối ưu. Do đó, lyso-phospholipid được đánh giá là chất thay thế tiềm năng cho lecithin.
Bằng cách cải thiện hiệu quả hấp thụ lipid, LPL giúp duy trì tốc độ tăng trưởng và chuyển hóa thức ăn ngay cả khi mức lecithin giảm từ 2 – 3% xuống 1%. Với các hãng thức ăn chăn nuôi, LPL là giải pháp hiệu quả chi phí để thay thế lecithin. Hàm lượng bổ sung các phụ gia gốc LPL thấp hơn so với lecithin (0,5 – 2%, tương ứng 10 – 30 kg/tấn thức ăn).
Để đánh giá khả năng thay thế hoàn toàn lecithin trong thức ăn tôm bằng phụ gia LPL (AQUALYSO®), nhóm chuyên gia dinh dưỡng của Adisseo đã tiến hành hai thử nghiệm cho ăn với hàm lượng phospholipid ở mức thấp và trung bình.
Thử nghiệm 1: Thay thế hoàn toàn lecithin trong thức ăn có hàm lượng phospholipid thấp
Thử nghiệm đầu tiên gồm 3 nghiệm thức: Đối chứng (2% lecithin; 8% chất béo và 1,14% phospholipid); nghiệm thức 2 (0% lecithin, 7% chất béo và 0,16% phospholipid); nghiệm thức 3 (0% lecithin; 8% chất béo và 1,14% phospholipid; 0,1% AQUALYSO®. Mức cholesterol duy trì ổn định 0,08% ở cả 3 nghiệm thức.
Hình 2
Tôm được nuôi trong bể 30 L, mật độ 5 con/bể và lặp lại thử nghiệm 10 lần/nghiệm thức. Thời gian thử nghiệm cho ăn kéo dài 6 tuần (8 bữa/ngày đến khi no). Trong thời gian này, trọng lượng trung bình của tôm tăng từ 3 g lên 15 g. Loại bỏ lecithin đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng hàng tuần và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR). Việc bổ sung LPL không phát huy tác dụng này do hàm lượng phospholipid trong chế độ ăn thấp.
Thử nghiệm 2: Thay thế hoàn toàn lecithin bằng phospholipid ở mức trung bình
Trong thử nghiệm này, thức ăn cơ bản đã được điều chỉnh lại với mục tiêu tăng hàm lượng phospholipid và chất béo. Thử nghiệm gồm 4 nghiệm thức: Đối chứng (2% lecithin, 1,9% phospholipid); nghiệm thức 2 (0% lecithin, 0,9% phospholipid); nghiệm thức 3 (0% lecithin, 0,9% phospholipid, 0,1% AQUALYSO®); nghiệm thức 4 (0% lecithin, 0,9% phospholipid; 0,2% AQUALYSO®). Trong hai nghiệm thức bổ sung AQUALYSO, hàm lượng chất béo và cholesterol lần lượt tương ứng 7% và 0,09%.
Tôm được thả vào bể 30 L, mật độ 5 con/bể, lặp lại nghiệm thức 9 lần. Thời gian cho ăn kéo dài 6 tuần (8 bữa/ngày đến khi no), trọng lượng thân trung bình tăng từ 6 g đến 23 g.
Loại bỏ lecithin trong chế độ ăn của tôm làm giảm đáng kể tăng trọng trung bình hàng tuần và hiệu quả sử dụng thức ăn. Tuy nhiên, phụ gia LPL bù đắp hiệu quả sự thiếu hụt lecithin, giúp duy trì tăng trọng hàng tuần và hiệu quả sử dụng thức ăn ở mức tương đương khẩu phần đối chứng (Hình 2).
Hình 3
Kết quả cho thấy phụ gia LPL AQUALYSO có thể thay thế hoàn toàn lecithin trong thức ăn nuôi tôm trong một số điều kiện cụ thể. Trong khi lyso-phospholipid có khả năng thay thế khả năng nhũ hóa của lecithin, thì việc thay thế hoàn toàn lecithin là khả thi miễn chế độ ăn có thể duy trì mức phospholipid tối thiểu cần thiết cho tăng trưởng và hiệu suất của tôm.
Nên sử dụng phospholipid từ các thành phần khác nhau để công thức thức ăn của tôm linh hoạt hơn, giảm phụ thuộc vào lecithin trong thời kỳ biến động giá cả hoặc nguồn cung.
Dũng Nguyên
(Theo Aquafeed)