(TSVN) – Trung tâm tại Karawang cải tạo các vuông tôm bỏ hoang hoặc hoạt động kém hiệu quả ở khu vực ven biển phía Bắc Java thành ao nuôi giống cá rô phi nước mặn mới Nila Sakti.
Tháng 2/2024, Bộ trưởng Bộ Nông ngư nghiệp và Thủy sản Indonesia, Sakti Wahyu Trenggono, đã khởi động chương trình phục hồi các ao tôm bỏ hoang hoặc hoạt động kém hiệu quả ở phía Bắc Java bằng cách thả cá rô phi nước mặn. Trung tâm Dịch vụ Kinh doanh Sản xuất Thủy sản (BLUPPB) tại Karawang, Tây Java, thực hiện giai đoạn thuần hóa cá trong môi trường nước mặn. Đối tượng tiềm năng cho dự án này Nila Sakti, một giống rô phi sông Nile Oreochromis niloticus được phát triển tại Trung tâm Nghiên cứu nước ngọt ở Sukabumi.
Thế hệ thứ năm của Nila Sakti là kết quả của quá trình chọn lọc gia hệ nhằm cải thiện tốc độ sinh trưởng, khả năng kháng bệnh và khả năng thích ứng với các hệ sinh thái nuôi trồng khác nhau. Với sản lượng cao và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn tốt, giống cá này sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân và giảm thiểu sử dụng hóa chất. Các nguồn giống ban đầu của chương trình nhân giống chọn lọc gồm rô phi Sultana ở Sukabumi, cá rô phi Kenya, Genomar ở Philippines, và các vùng Kanagawa và Ibaraki, Nhật Bản. Chương trình nhân giống bắt đầu từ năm 2014 với 28 gia hệ, và con giống thế hệ thứ năm được tạo ra từ sự phối giống của 35 gia hệ. Giống cá này đã được phân phối đến các trang trại trên khắp Indonesia.
Tại Trung tâm Karawang, cá bột 2 cm được thích nghi với môi trường nước mặn 10 – 20ppt trong hai tuần trước khi chuyển giao ra các trang trại. Cá rô phi nước mặn có giá trị thương mại cao hơn so với cá rô phi nước ngọt. Trung tâm Karawang cũng hỗ trợ nông dân tự xây dựng trại giống. Tại gian hàng của trung tâm trong sự kiện APA 2024, Indra Purwanto cho biết cá rô phi mặn tươi sống có giá 25.000 IDR/kg và 24.000 IDR/kg đối với cá tươi đông lạnh cỡ 300 gram/con. Với cá lớn 300 – 500 gram/con, giá dao động 26.000 – 27.000 IDR/kg với cá sống và 26.000 IDR/kg đối với cá tươi đông lạnh. Cá tươi sống trên 800 gram/con có giá 28.000 IDR/kg. Trong khi đó, cá rô phi nước ngọt có giá 18.000 – 20.000 IDR/kg. Chi phí sản xuất cá rô phi mặn là 24.000 IDR/kg.
Ông Indra Purwanto khẳng định, cá rô phi nước mặn chắc thịt và không có mùi lạ. Cá được cho ăn thức ăn viên của hãng PT Suri Tani Pemuka 32% protein thô. Trong phiên hội thảo về nuôi trồng thủy sản nước ngọt tại hội nghị APA 2024, Widya Puspitasari và các đồng nghiệp từ trung tâm Karawang đã trình bày công trình nghiên cứu sự phát triển và tỷ lệ sống của cá rô phi nước mặn được nuôi với mật độ 25 cá/m2, có trọng lượng ban đầu khác nhau, trong thời gian 100 ngày.
Theo Widya Puspitasari, có ba kích cỡ cá thả nuôi: dưới 5 gram, 10 – 20 gram và 20 – 30 gram. Cá được cho ăn đến khi no và theo dõi trong 100 ngày, và lấy mẫu định kỳ 10 ngày/lần. Kết quả cho thấy, cá có trọng lượng ban đầu từ 20 – 30gram đạt tỷ lệ tăng trưởng 5,7 gram/ngày, tỷ lệ sống cao nhất 89,8% cùng hệ số chuyển đổi thức ăn thấp nhất. Kích cỡ thu hoạch sau 100 ngày đạt 532 gram.
Tuấn Minh
Theo Asia Pacific Aquaculture