Mấy năm nay, ngư dân khai thác tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa… bất bình trước tình trạng nhiều nhiều tàu công suất lớn với nghề giã cào bất chấp quy định của Nhà nước, lấn sát bờ để khai thác mang tính hủy diệt.
Ngang nhiên hoành hành
Tại vùng biển Mộ Đức luôn có những đội tàu giã cào cày nát. Nhiều ngư dân cho biết, nếu tàu giã cào cứ hoành hành thế này thì ngư dân phải bỏ nghề lưới ven bờ. Không ngư dân nào không bị mất lưới, hư hỏng phương tiện do giã cào gây ra. Ở vùng biển Bình Hải (Bình Sơn) cũng đang bị nghề giã cào uy hiếp.
Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi, cả tỉnh hiện có khoảng 1.000 tàu thuyền công suất lớn hành nghề giã cào. Một bộ phận trong số này thường xuyên lén lút, bất chấp quy định tiến vào khu vực gần bờ để khai thác. Khu vực biển ven bờ của xã Bình Nam, huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam), từ ngày 25/5 đến nay, mỗi ngày có hơn 20 tàu giã cào vào khai thác, làm mất, hỏng gần 70 tấm lưới với tổng giá trị hàng trăm triệu đồng của ngư dân các thôn Phương Tân, Vịnh Giang.
Ảnh: Huy Hùng
3 – 4 năm nay, một số địa phương ven biển ở TP Cam Ranh (Khánh Hòa), tình trạng đánh bắt thủy sản bằng phương pháp giã cào diễn ra phức tạp, hủy hoại môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống ngư dân và an ninh trật tự trong vùng. Vịnh Cam Ranh rộng 60km2, có vị trí địa lý tự nhiên lý tưởng và nguồn thủy sản phong phú, là nguồn sống chủ yếu của nhiều ngư dân địa phương. Và theo nhiều ngư dân, thời gian trước, tàu giã cào vẫn lộng hành ngang nhiên.
Bất cập trong quản lý, xử phạt
Tại các địa phương, mức độ kiểm tra, xử lý của chính quyền chưa đủ sức “trấn áp” người vi phạm. Theo cơ quan chức năng, việc xử lý sai phạm của tàu giã cào rất khó khăn do lực lượng chuyên môn làm nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản không có phương tiện để tuần tra. Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa cho biết: Việc kiểm tra, xử phạt tàu giã cào hoạt động trên địa phận khai thác là quyền của Thanh tra Sở NN&PTNT, trong khi vùng biển ít có sự kiểm soát của Kiểm ngư nên tình trạng tàu công suất lớn vi phạm vẫn còn. Các tàu khi ra khơi lại “âm thầm” khai thác gần bờ. Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản là đơn vị liên quan nhưng chỉ có trách nhiệm kiểm soát số tàu thuyền đăng ký, không có chức năng xử phạt. Trong khi đó, Thanh tra Sở NN&PTNT có chức năng xử phạt nhưng lại kiêm nhiều việc, xử lý việc toàn ngành, không “gánh” hết phần việc thủy sản. Cơ quan quản lý lại “né” phần việc của mình, “ngại” động chạm những tàu thuyền trên biển.
Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ngãi, ông Phan Huy Hoàng cũng cho biết: Dù biết hoạt động của tàu giã cào ảnh hưởng tới ngư dân, nhưng việc triển khai xử phạt dứt điểm là không dễ. Dù đã nhiều lần đề xuất nhưng để phân công trách nhiệm rõ ràng, cơ quan quản lý xử lý kịp thời là rất khó. Tàu lưới kéo, tức giã cào công suất 90 CV trở lên phải khai thác ngoài khơi nhưng nhiều tàu đánh bắt không đúng tuyến. Ngành không có phương tiện để ra biển xử lý, chỉ tuyên truyền là chính.
Tình trạng kể trên nếu vẫn tiếp tục diễn ra, cộng với việc xử lý chưa dứt khoát, chưa mạnh tay của cơ quan chức năng, trong tương lai không xa sẽ cạn kiệt nguồn thủy sản, đe dọa môi trường tự nhiên ven bờ, ảnh hưởng đến đời sống rất nhiều ngư dân đang ngày đêm bám biển.
>> Theo Nghị định 33/CP/2010 của Chính phủ về quản lý khai thác thủy sản thì những tàu cá công suất 90 CV trở lên không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng. Tuy nhiên, do đánh bắt ven bờ ít chi phí đầu tư nên những đội tàu giã cào vẫn bất chấp. |