Trong khi nghề nuôi tôm nước lợ liên tục thất bát trên địa bàn huyện Núi Thành (Quảng Nam) thì mô hình nuôi cá diêu hồng, rô phi đơn tính của một nhóm hộ ở thôn Phú Tân (xã Tam Xuân 1) đem lại hiệu quả cao, mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi thủy sản nước lợ ở địa phương.
Hơn 1,1ha mặt nước ao nuôi ven sông Truờng Giang (thuộc thôn Phú Tân, xã Tam Xuân 1) của nhóm hộ ông Hồ Đình Đồng nhiều năm liền nuôi tôm nước lợ thường xuyên bị thua lỗ và đã có thời kỳ phải bỏ hoang. Đầu năm 2013, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư tỉnh, Trạm Khuyến nông – khuyến lâm huyện Núi Thành triển khai mô hình nuôi cá diêu hồng và rô phi đơn tính trong diện tích ao nước lợ này. Với mật độ giống thả nuôi 2,5 con/m2, cách đây hơn 4 tháng, nhóm hộ ông Đồng thả nuôi 27.500 con cá diêu hồng và cá rô phi đơn tính, trong đó số lượng cá diêu hồng chiếm tỷ lệ 80%, rô phi đơn tính 20%. Với việc dùng thức ăn công nghiệp dạng viên, qua 4 tháng nuôi, cá diêu hồng và rô phi đơn tính trong ao nuôi đã sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 75%, trọng lượng cá bình quân 350gram/con, sản lượng thu hoạch đạt 7.200kg. Theo ước tính, tổng chi phí tiền giống, thức ăn và các chi phí khác là 175 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ hơn 76,5 triệu đồng. Bán 7.200kg cá thu hoạch theo giá thị trường với 35 nghìn đồng/kg, nhóm hộ ông Đồng đạt doanh thu 252 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 77 triệu đồng. Ông Đặng Văn Quang, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông – khuyến lâm huyện Núi Thành nhận xét: “Lãi 77 triệu đồng trên diện tích 1,1ha mặt nước trong thời gian 4 tháng so với nuôi tôm là không lớn, nhưng mô hình đã mở ra hướng nuôi mới cho bà con nông – ngư dân và cũng là định huớng trong phát triển nghề nuôi thủy sản nước lợ ở huyện Núi Thành trong lúc nghề nuôi tôm đang gặp khó khăn”.
Mô hình nuôi cá diêu hồng của nhóm hộ ông Đồng đạt hiệu quả. Ảnh: V.P
Thực tế cho thấy, mô hình cá diêu hồng và rô phi đơn tính trong ao nước lợ dễ thực hiện và có thể nhân ra diện rộng ở các địa bàn. Khi thực hiện mô hình chỉ cần áp dụng một số quy trình kỹ thuật như xử lý ao nuôi, đảm bảo độ mặn thấp, cải tạo ao nuôi thật kỹ, tạo môi trường thích hợp cho loài cá diêu hồng, rô phi sinh trưởng. Ông Hồ Đình Đồng – chủ mô hình, nói: “Đối với cá diêu hồng và rô phi đơn tính, việc thả giống không đòi hỏi các công đoạn khắt khe như thả tôm sú hay tôm thẻ chân trắng nhưng cũng cần bón vôi diệt khuẩn, tăng độ pH và diệt các loài cá tự nhiên để cá phát triển. Khi thả cá giống nên thả vào sáng sớm và cho ăn ngày 2 lần, buổi chiều tối cho ăn nhiều hơn”.
Huyện Núi Thành là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ rất lớn với 1.500ha mặt nước ao nuôi, chiếm 2/3 tổng diện tích nuôi của toàn tỉnh. Nhiều năm qua, việc nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng đem lại hiệu quả không cao, tình trạng bỏ hoang ao nuôi ngày càng nhiều. Do vậy, mô hình nuôi cá diêu hồng, rô phi đơn tính của nhóm hộ ông do Trạm Khuyến nông – khuyến lâm huyện thực hiện đem lại hiệu quả cao đã mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản nước lợ ở đây. Từ kết quả đó, huyện Núi Thành đang vận động nông – ngư dân nhân rộng mô hình và tiếp tục hỗ trợ bà con nuôi thêm các loài thủy sản nước lợ mới như cá chim vây vàng, cá dìa, cá lăng, cá thát lát cườm… nhằm phát huy hiệu quả kinh tế.