THỨ NĂM, ngày 10/4/2025

Hà Tĩnh: Nuôi tôm công nghệ cao-hướng phát triển bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hà Tĩnh đang có bước chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là nghề nuôi tôm. Trước những khó khăn như dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật, đã giúp nhiều hộ dân và doanh nghiệp thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.

Khẳng định hiệu quả vượt trội

Là người gắn bó với nghề nuôi tôm đã nhiều năm, từ nuôi tôm quảng canh đến bán thâm canh, thâm canh cải tiến nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Sau quá trình tìm hiểu và học hỏi nhiều nơi, đầu năm 2019, anh Nguyễn Xuân Thủy ở thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà) quyết định đầu tư nâng cấp, sửa chữa lại cơ sở nuôi theo mô hình nuôi tôm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn khép kín bằng cách nuôi tôm ít thay nước.

hình 1- Nhờ áp dụng nuôi tôm công nghệ cao 3 giai đoạn, tôm ít dịch bệnh, tỷ lệ sống cao, năng suất tăng. (Trong hình: Anh Nguyễn Xuân Thủy ở thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà) đang kiểm tra  sự phát triển của tôm).

Anh Thủy chia sẻ: Trước kia, tôi nuôi tôm theo phương thức truyền thống, phụ thuộc nhiều vào thời tiết và chất lượng con giống nên rủi ro rất cao. Từ khi áp dụng công nghệ cao, tuy chi phí đầu tư lớn nhưng bù lại tôm nuôi ít dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt giảm đáng kể, năng suất tôm tăng. Với diện tích 1,5 ha được bố trí bài bản khu vực ao nuôi thương phẩm; bể ương giai đoạn 1, giai đoạn 2; hệ thống ao trữ nước, xử lý chất thải và áp dụng quy trình nuôi nghiêm ngặt. Mỗi năm nuôi 2-3 vụ, sản lượng bình quân đạt từ 30 – 40 tấn/năm, trừ chi phí lợi nhuận đem lại 2 – 3 tỷ đồng/năm. 

“Qua những thăng trầm trong nhiều năm nuôi tôm, chúng tôi nhận thấy áp dụng khoa học công nghệ để phát triển mô hình là con đường đúng đắn. Hiện nay, cơ sở nuôi chúng tôi vẫn duy trì áp dụng nuôi tôm công nghệ cao 3 giai đoạn, sử dụng hoàn toàn bằng chế phẩm vi sinh. Hệ thống sục khí được thiết kế tự động tuân thủ nghiêm ngặt thời gian, theo công nghệ tuần hoàn khép kín. Tuy chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng so với quy trình cũ nó có nhiều ưu việt, đó là kiểm soát được yếu tố môi trường nước nuôi ngay từ đầu và suốt vụ nuôi. Tôm luôn được cung cấp đầy đủ oxy nên sinh trưởng phát triển tốt và đảm bảo chất lượng.”. Anh Thủy nói thêm.

Thực tiễn cho thấy, hình thức nuôi tôm theo cách truyền thống tại Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh và sự suy giảm chất lượng nguồn nước. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh đã tập trung phát triển nuôi tôm công nghệ cao. Theo đó, những năm qua, nhiều mô hình được hình thành và chủ yếu áp dụng hệ thống nuôi tuần hoàn khép kín và nuôi 2, 3 giai đoạn. Nhờ đó, môi trường nước được kiểm soát chặt chẽ, hạn chế dịch bệnh, giúp tôm sinh trưởng nhanh và đồng đều, đem lại năng suất cao.

hình 2- Cơ sở nuôi tôm công nghệ cao của anh Đào Xuân Tĩnh ở xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh)

Sau thắng lợi vụ tôm đầu tiên khi đầu tư nuôi tôm công nghệ cao, đầu năm 2023, anh Đào Xuân Tĩnh, chủ cơ sở nuôi tôm công nghệ cao tại xã Yên Hòa (huyện Cẩm Xuyên) tiếp tục mạnh dạn chi hàng tỷ đồng xây dựng thêm 5 nhà vòm, đầu tư các máy móc thiết bị hiện đại nhằm mở rộng quy mô sản xuất. 

Anh Tĩnh cho hay: Năm 2022, chúng tôi bắt tay xây dựng cơ sở nuôi tôm công nghệ cao tại vùng nuôi tôm trên cát tại xã Yên Hòa. Xác định để nuôi tôm an toàn trên mảnh đất có điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt như tại Hà Tĩnh thì việc áp dụng quy trình nuôi tiên tiến là điều cần thiết. Đến nay, trên tổng diện tích 4ha, một nữa chúng tôi đầu tư hệ thống ương dưỡng và  nuôi thương phẩm với 12 nhà vòm, phần  còn lại là xây dựng hệ thống ao trữ và xử lý nước bài bản. Với cách nuôi này, mỗi năm chúng tôi nuôi được 3 vụ tôm. Nếu như trước đây, nuôi theo cách truyền thống, sản lượng tôm thường bị hao hụt 30-40% do dịch bệnh, thậm chí có những vụ nuôi mất trắng thì từ khi áp dụng mô hình nuôi công nghệ cao, tỷ lệ hao hụt giảm xuống dưới 15%. Đặc biệt, hệ thống xử lý nước tuần hoàn vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa không làm ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh.

Được biết, vụ đông vừa rồi, mặc dù điều kiện thời tiết bất lợi, nhưng nhờ áp dụng nuôi tôm 3 giai đoạn, tôm nuôi  tại cơ sở của anh Tĩnh vẫn sinh trưởng phát triển tốt. Trên diện tích 12 nhà vòm, anh đã thả hơn 2,5 triệu tôm giống, sau hơn 4 tháng thả nuôi, sản lượng thu hoạch được trên 30 tấn tôm thương phẩm, đem lại doanh thu hàng tỷ đồng.

Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao-xu hướng tất yếu

Việc chuyển đổi sang nuôi tôm công nghệ cao tại Hà Tĩnh đã mang lại nhiều lợi ích rõ rệt. Mô hình này giúp nâng cao sản lượng lên 15 – 20 tấn/ha/vụ, cao hơn nhiều so với phương pháp nuôi truyền thống (5 – 7 tấn/ha/vụ). Bên cạnh đó, nhờ kiểm soát môi trường nuôi tốt, tỷ lệ hao hụt giảm đáng kể. Đồng thời, khi ứng dụng hệ thống tuần hoàn giúp giảm ô nhiễm nguồn nước, góp phần phát triển bền vững. Với năng suất cao và tôm đạt chất lượng tốt, giá bán ổn định, lợi nhuận của người nuôi có thể đạt từ 500 triệu – 1 tỷ đồng/ha/vụ.

hình 3- Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, người nuôi có thể đạt lợi nhuận từ 500 triệu – 1 tỷ đồng/ha/vụ.

Trước tiềm năng lớn của nuôi tôm công nghệ cao, tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Theo đó, năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu nuôi thả 2.250 ha tôm, trong đó nuôi tôm công nghệ cao trên 680 ha; sản lượng tôm nuôi đạt 5.700 tấn, tập trung chủ yếu ở các huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên và thị xã Kỳ Anh. 

Để phát triển bền vững ngành nuôi tôm công nghệ cao, Hà Tĩnh đang tập trung vào các giải pháp như: Khuyến khích doanh nghiệp, HTX đầu tư vào hệ thống nuôi tôm công nghệ cao; Mở rộng các mô hình nuôi tôm thân thiện với môi trường, áp dụng công nghệ vi sinh; Tiếp tục quy hoạch các vùng nuôi, thu hút đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các vùng nuôi, đảm bảo môi trường nuôi cho người dân; Ngành chuyên môn chú trọng công tác quan trắc, cảnh báo các nguy cơ dịch bệnh để người dân chủ động phòng ngừa. Đặc biệt, hướng dẫn người dân  nâng cấp hệ thống ao đầm theo hướng thâm canh, công nghệ cao và đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

hình 4- Năm 2025, Hà Tĩnh phấn đấu mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao trên 680ha.

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh cũng đã có công văn triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2025 theo tinh thần chỉ đạo của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại Hội nghị “Phát triển ngành tôm nước lợ năm 2025”. Theo đó,  Sở đã  yêu cầu các địa phương  chủ động rà soát hiện trạng, quy hoạch sử dụng đất nuôi tôm tại địa phương để thống nhất quản lý, xây dựng kế hoạch phát triển các vùng tập trung nuôi tôm nước lợ. Đặc biệt, tại những địa phương có hạ tầng phù hợp cần phát triển tăng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, công nghệ cao; đồng thời đối với những diện tích nuôi tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến cần đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng nuôi để phát huy lợi thế trong sản xuất tôm, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh.

Nuôi tôm công nghệ cao là hướng đi đúng đắn bởi mang lại giá trị kinh tế cao và giảm thiểu tác động đến môi trường. Hướng đi này đã và đang mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Nhưng với sự quan tâm hỗ trợ kịp thời từ các cấp, ngành và chính quyền địa phương cùng sự chủ động thích ứng của người dân, doanh nghiệp, mô hình đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương cũng như phát triển bền vững nghề nuôi tôm nước lợ tại Hà Tĩnh.

Nguyễn Hoàn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!