(TSVN) – Ông Đỗ Quốc Toàn – Giám đốc chi nhánh miền Nam, Công ty CP Đông Á cho rằng, “Khi chấp nhận công nghiệp hóa thì bắt buộc chúng ta phải có sự đánh đổi yếu tố môi trường. Câu chuyện chúng ta cần nói tới là quy hoạch như thế nào để kiểm soát nó một cách hợp lý và an toàn”.
Từ một cơ sở sản xuất hóa chất nhỏ, bằng nội lực và tầm nhìn chiến lược, Công ty CP Đông Á đã vươn lên thành một đơn vị tên tuổi trong ngành sản xuất hóa chất của Việt Nam và Đông Á cũng đang dần thành công trong ngành thủy sản với những sản phẩm thế mạnh. Đông Á định sẵn hướng phát triển tiềm năng để mở rộng tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 6 năm 2025, phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn nhanh với ông Đỗ Quốc Toàn – Giám đốc chi nhánh miền Nam, Công ty CP Đông Á.
Ông Đỗ Quốc Toàn – GĐ Chi nhánh Miền Nam trả lời phỏng vấn
Phóng viên: Với thế mạnh về sản xuất hóa chất phục vụ đa ngành, nhất là các ngành công nghiệp trong nước, ông có thể chia sẻ với độc giả biết thêm về hành trình phát triển của Công ty CP Đông Á, thưa ông?
Được thành lập từ năm 2003, đến nay Đông Á đã có hơn 22 năm kinh nghiệm. Xuất phát điểm của Đông Á chỉ là một cơ sở sản xuất Javen nhỏ, cung cấp hàng hóa cho Tổng công ty giấy Việt Nam, nhân sự không đến 30 người. Sau hơn hai thập kỷ gây dựng và phát triển, hiện quy mô nhà máy đã tăng lên hơn 35.000m², nhân sự hơn 400 người, đó là một thành tựu đáng tự hào của chúng tôi. Đến nay thương hiệu Đông Á đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường, là đối tác chiến lược của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: Samsung, TH true MILK, Hòa Phát, Tôn Hòa Sen, Masan, Calofic, Sawaco, Cleanfood…
Phóng viên: Với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Công ty CP Đông Á chuyển mình sang như thế nào, thưa ông?
Thực tế, dự án này chúng tôi nghiên cứu từ năm 2020. Lúc đó, chúng tôi làm phân tích dữ liệu thị trường và nhận thấy Chlorine là một sản phẩm có lượng dùng khá nhiều trong ngành thủy sản, số lượng nhập khẩu thống kê lên tới 25.000 – 30.000 tấn/năm. Chúng tôi đánh giá đây là một mặt hàng rất tiềm năng nên nghiên cứu các công nghệ sản xuất trên thế giới, cuối cùng, chúng tôi chọn công nghệ Sodium Process của Nhật Bản. Công nghệ này cho ưu điểm vượt trội: sản phẩm sản xuất ra tan nhanh hoàn toàn, hầu như không có cặn so với công nghệ Calcium cũ.
Tháng 8/2023, Đông Á khánh thành, đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất Chlorine và trở thành doanh nghiệp đầu tiên sản xuất Chlorine tại Việt Nam. Sau đó, Đông Á đã triển khai thử nghiệm Chlorine từ các đơn vị chức năng có chuyên môn và ứng dụng thực tế. Bằng sự nỗ lực của toàn bộ nhân sự công ty khi đã ghi nhận những ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, người nuôi tôm và tích cực điều chỉnh chất lượng sản phẩm. Đến tháng 10/2023 sản phẩm của Đông Á chính thức được đưa ra thị trường.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của sản phẩm Đông Á trong ngành thủy sản?
Tôi nghĩ có một vấn đề chúng ta sẽ trao đổi sâu hơn sau các câu trả lời của tôi, đó là tính phát triển bền vững. Xét về bản chất, các sản phẩm của Đông Á là hóa chất, mà hóa chất thì nghe rất nhạy cảm khiến nhiều người lo ngại về khả năng đồng hành lâu dài và những ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, từ góc nhìn của nhà sản xuất, tôi cho rằng hóa chất là một phần không thể thiếu – quan trọng là chúng ta sử dụng chúng như thế nào cho đúng, cho phù hợp.
Riêng với lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm, dịch bệnh đang ngày càng nhiều và phức tạp, xuất hiện nhiều chủng bệnh mới. Trong điều kiện đó, các sản phẩm sát trùng, khử khuẩn đóng vai trò thiết yếu để đảm bảo sự phát triển ổn định của tôm. Đông Á đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các hợp chất liên quan đến Chlorine, và nhận thấy rằng hợp chất Clo công nghệ Sodium Process là một trong những giải pháp hiệu quả nhất hiện nay – vừa có giá trị sử dụng cao, vừa mang lại hiệu quả thực tiễn rõ rệt.
Sản phẩm Chlorine Đông Á mang tới triển lãm Vietshrimp 2025
Vậy nên, tiềm năng phát triển của dòng sản phẩm này là rất lớn. Tuy nhiên, theo chủ trương các cơ quan quản lý khuyến cáo là tìm nhiều giải pháp để khách hàng sử dụng hiệu quả hơn – đồng nghĩa là sử dụng ít hơn nhưng vẫn đảm bảo tác dụng. Điều này đặt ra bài toán đổi mới cho các doanh nghiệp như chúng tôi: phải tiếp tục nghiên cứu và cung cấp các giải pháp toàn diện hơn. Vì vậy, bên cạnh các sản phẩm khử trùng, Đông Á đang mở rộng nghiên cứu sang các sản phẩm bổ trợ giúp tăng cường sức khỏe tôm nuôi. Dự kiến vào tháng 6/2025, chúng tôi sẽ ra mắt sản phẩm mới là Canxi Clorua (CaCl₂) – đó là sản phẩm dùng trong nuôi trồng thâm canh, siêu thâm canh, sản phẩm này rất cần thiết để bổ sung các khoáng chất, tăng cường sức đề kháng, giúp tôm dễ dàng tạo vỏ mới.
Phóng viên: Hiện nay, ngành thủy sản đang chuyển hướng “sản xuất xanh” phù hợp theo chủ trương của Đảng, Chính phủ và ngành nông nghiệp. Công ty Đông Á có những giải pháp gì để đồng hành cùng ngành thủy sản theo xu hướng xanh hóa này, thưa ông?
Như tôi đã chia sẻ trước đó, tương lai chúng ta hướng tới sản xuất xanh, phát triển bền vững, chú trọng yếu tố môi trường. Không chỉ ở ngành thủy sản mà trên toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ tinh thần đó. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, khi chúng ta chấp nhận công nghiệp hóa thì ít nhiều cũng đi kèm với sự đánh đổi nhất định về yếu tố môi trường. Điều quan trọng là chúng ta phải biết cách quy hoạch, kiểm soát và tối ưu quy trình sản xuất sao cho tác động đến môi trường được hạn chế ở mức thấp nhất, đồng thời vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế cho người dân và doanh nghiệp.
Thế nên, chúng tôi sẽ làm ra sản phẩm chất lượng nhất có thể, cụ thể:
Về trực tiếp, chúng tôi hiểu rằng là doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất hóa chất việc đạt được “tác động bằng không” đến môi trường là điều rất khó, nhưng chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực để tối ưu làm sao giảm tác động đến môi trường ở mức thấp nhất.
Sản phẩm Pearl Chlor nhận được sự quan tâm từ Ông Trần Đình Luân – Cục trưởng cục Thủy Sản và Kiểm Ngư (Bộ Nông Nghiệp và Môi Trường)
Phóng viên: Một trong những sứ mệnh của Đông Á là “Sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu đa dạng của ngành công nghiệp trong nước thay thế sản phẩm nhập khẩu”. Vậy, hiện nay Công ty đã hoàn thành được mục tiêu này chưa? Và trong những năm tới, công ty sẽ đặt ra mục tiêu nào, thưa ông?
Với câu hỏi này, tôi xin chia sẻ hai nội dung chính:
Thứ nhất, liên quan đến việc đưa sản phẩm của Đông Á ra thị trường đặc biệt là sản phẩm Chlorine. Để thuyết phục người tiêu dùng chuyển từ hàng nhập khẩu sang sản phẩm trong nước, chúng tôi đã phải trải qua hơn một năm rất vất vả, không chỉ về chi phí mà còn cả công sức và thời gian để thay đổi tâm lý “sính ngoại” vốn ăn sâu trong nhận thức của người nuôi. Vậy nên, sản phẩm Chlorine đến hiện tại, chúng tôi khiêm tốn chỉ dám nhận mới chiếm được một vị trí nhỏ trong thị trường vì thực tế thị trường quá lớn, mỗi tháng Đông Á cung cấp ra thị trường mới khoảng 400 – 500 tấn. Về mặt chất lượng, sản phẩm của chúng tôi đạt các yêu cầu khắt khe về hàm lượng, độ tan, độ cặn…Nhưng mức độ chấp nhận và quen dùng sản phẩm Việt của khách hàng vẫn còn khá chậm. Dù chủ trương “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đã có từ rất lâu, nhưng thực tế do thương hiệu hàng Việt từ trước giờ hay gặp drama, các sản phẩm để lại không ít điều tiếng khiến các đơn vị làm chuẩn chỉnh như Đông Á chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc lấy lại niềm tin của bà con. Mặc dù vậy, từng bước một chúng tôi cũng đã làm được rất nhiều thứ, thay đổi được khá nhiều bà con chuyển qua dần dần.
Thứ hai, liên quan đến đa dạng hóa sản phẩm cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng của ngành nông nghiệp. Thực tế mà nói, để đầu tư một công nghệ sản xuất hóa chất nói chung rất khó và đòi hỏi nguồn lực lớn, không chỉ liên quan đến vấn đề kinh phí, pháp lý, môi trường mà còn thủ tục giấy tờ… nhất là đối với doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi. Chúng tôi vẫn định hướng phát triển thêm sản phẩm nhưng mỗi bước phát triển đều phải cân nhắc kỹ lưỡng về vấn đề thị trường, nhu cầu, tính khả thi, thủ tục. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn tăng công suất mỗi năm và mở rộng thêm sản phẩm mới… Đó có thể coi là thế mạnh của một đơn vị tư nhân làm kinh tế như chúng tôi: linh hoạt, nhanh nhạy với thị trường và luôn sẵn sàng đổi mới.
Gian hàng Đông Á tại Vietshrimp 2025 thu hút nhiều khách hàng quan tâm
Ông Đỗ Quốc Toàn - Giám đốc chi nhánh miền Nam, Công ty CP Đông Á: Đây là năm thứ 2 Công ty CP Đông Á tham gia Hội chợ VietShrimp, lần đầu tiên là ở Cà Mau năm 2024. Về cơ bản tôi thấy VietShrimp 2025 thu hút hơn, đông đảo hơn năm trước. Có thể nói, là Hội chợ năm nay hiệu quả hơn, thành công hơn. Theo quan điểm của tôi, điều kiện ở Cần Thơ đầy đủ và rất tiện lợi nên thu hút đông đảo doanh nghiệp, bà con nông dân và các đại lý. VietShrimp 2025 thành công hơn năm 2024.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thu Hồng (Thực hiện)