Ngày 30/8/2013, UBND tỉnh Kiên Giang trao giấy phép cho 2 doanh nghiệp đưa tàu cá đi hợp tác khai thác thủy sản tại Indonesia. Đây là lần đầu tiên tàu cá của Kiên Giang được cấp giấy phép ra nước ngoài khai thác.
Trao giấy phép sang Indonesia cho hai chủ tàu – Ảnh: Hồng Lĩnh
Để đưa được tàu sang Indonesia, Công ty CP Đầu tư Đại Dương hợp tác với Công ty Papua Fishery của Indonesia xúc tiến thủ tục cần thiết trong hơn 1 năm. Sau khi thẩm định thủ tục cũng như qua thực tế kiểm tra, Bộ Biển và Nghề cá Indonesia cấp giấy phép cho Công ty Đại Dương đưa 40 tàu sang Indonesia hợp tác khai thác. Bộ NN&PTNT đồng ý cấp phép cho 12/40 tàu. Đợt đầu này, Kiên Giang đăng ký đưa 8 tàu đi khai thác.
Ông Đỗ Anh Dũng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đại Dương, cho biết, các tàu đánh cá phải trải qua ít nhất 4 lần kiểm tra điều kiện kỹ thuật khắt khe. Thuyền trưởng, máy trưởng phải có bằng đạt tiêu chuẩn theo quy định của Indonesia. “Ngư trường Indonesia có tiềm năng bậc nhất Đông Nam Á. Giá trị hợp đồng một năm đánh bắt cho mỗi cặp tàu là 90.000 USD, số tiền này chúng tôi làm trung gian chuyển trực tiếp cho đối tác”, ông Dũng nói.
Ông Trần Hon, một doanh nghiệp ở TP Rạch Giá, có 4 tàu được cấp phép đi hợp tác khai thác lần này, nói: “Gia đình tôi gắn bó với nghề biển hơn 20 năm qua, với 8 chiếc tàu hành nghề cào đôi. Được cấp phép đưa tàu đi Indonesia khai thác, tôi tin sẽ thành công”. Theo ông Hon, mỗi chuyến đi biển trong nước kéo dài 30 ngày phải đầu tư khoảng một tỷ đồng cho mỗi cặp tàu; nay đi xa hơn thì càng phải chuẩn bị kỹ hơn, từ máy móc, ngư lưới cụ, dụng cụ an toàn hàng hải tới thuốc men, lương thực, thực phẩm. Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá, cũng là chủ doanh nghiệp có tàu được cấp phép đi khai thác lần này, nói: “Đây là cơ hội tốt cho chúng tôi mở rộng ngư trường, tạo việc làm cho người lao động cũng như mang lại nguồn thu nhập tốt hơn”.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Lâm Hoàng Sa cho biết: Kiên Giang có đội tàu đông hơn 12.500 chiếc, trong đó có nhiều tàu công suất lớn, khai thác xa bờ. Thời gian gần đây, giá xăng dầu liên tục tăng, trong khi ngư trường khai thác cạn kiệt, đã khiến nhiều ngư dân gặp khó. Từ đó, UBND tỉnh khảo sát, đặt mối quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực.
Ông Sa yêu cầu các doanh nghiệp khi đưa tàu ra nước ngoài khai thác cần tuân thủ pháp luật của Việt Nam cũng như nước sở tại, tổ chức khai thác đúng quy định, có hiệu quả, quá trình hoạt động cần liên hệ với cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước bạn để được giúp đỡ khi cần thiết. Ông nhấn mạnh: “Sự kiện 8 tàu đánh cá công suất lớn của Kiên Giang lần đầu tiên được cấp phép đi đánh bắt ở nước ngoài có ý nghĩa đặc biệt, mở ra bước đột phá mới trong hợp tác quốc tế khai thác thủy sản”.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, ông Trần Chí Viễn gọi đây là bước đi ghi dấu mốc quan trọng trong việc thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
>> Ông Trần Chí Viễn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang: Thông qua hợp tác khai thác thủy sản với các nước, ngư dân Việt Nam nói chung, tỉnh Kiên Giang nói riêng sẽ có cơ hội tiếp cận công nghệ, kỹ thuật khai thác hiện đại, vừa đảm bảo mục tiêu kinh tế vừa bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản. |