T2, 06/07/2020 10:34

Giúp ngư dân vững vàng bám biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Lớp dạy nghề thuyền trưởng do Viện Khoa học và công nghệ khai thác thủy sản (Đại học Nha Trang) phối hợp cùng Trung tâm dạy nghề huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức đã giúp ngư dân huyện đảo Lý Sơn nâng cao kiến thức về chuyên môn lái tàu, biết về chủ quyền biển đảo, ngư trường và phạm vi đánh bắt…

Tham gia lớp học của 210 ngư dân thuộc huyện đảo Lý Sơn về nghề thuyền trưởng tàu cá hạng tư, ông Lê Khuân, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi chia sẻ: Huyện đảo Lý Sơn có hơn 400 tàu cá công suất từ 350 CV trở lên với khoảng 2.000 ngư dân thường xuyên đánh bắt ở ngư trường quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đã bao đời nay, đánh bắt hải sản trên biển là nghề mưu sinh của bà con ngư dân Lý Sơn. Tuy nhiên, chúng tôi chủ yếu hành nghề theo kinh nghiệm, thiếu kiến thức khoa học về đánh bắt, quản lý nhiên liệu, không biết sửa chữa máy móc khi bị hỏng… nên đã có những chuyến ra khơi bị thua lỗ.

 

Để giúp ngư dân huyện đảo “vững” nghề và hiểu rõ hơn về luật, các quy định của Nhà nước khi hành nghề trên biển, Viện Khoa học và công nghệ khai thác thủy sản, Đại học Nha Trang đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề – giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi tổ chức dạy nghề thuyền trưởng tàu cá hạng tư cho 210 ngư dân Lý Sơn. Trong khóa học, các học viên đã được bổ sung những kiến thức về quản lý, điều hành, khai thác tàu một cách an toàn, đúng luật, hiệu quả; An toàn trong bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; Quản lý nhiên liệu, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, trang thiết bị thuộc bộ phận máy trên tàu cá… Các học viên cũng được thực hành ngay trên các tàu cá với số giờ gấp đôi giờ học lý thuyết.

Khá tự tin với kiến thức đã được học, ông Khuân cho biết, mùa đánh bắt đầu năm 2013 của ngư dân huyện đảo Lý Sơn sôi động hơn những năm trước. Chúng tôi đã biết cách quản lý, tổ chức trên tàu một cách ổn định, biết sửa chữa máy móc khi hư hỏng, biết cách bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, không gây hại cho người tiêu dùng. Qua khảo sát sơ bộ cho thấy, chi phí đánh bắt từ đầu năm tới nay mỗi chuyến tàu tiết kiệm được 15-20% chi phí, riêng phần nguyên liệu tiết kiệm được khoảng 5-7 triệu đồng. Thu nhập của ngư dân theo đó cũng tăng.

Theo ông Trần Đức Phú, Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ khai thác thủy sản: Giúp cho ngư dân “chắc nghề”, nâng cao hiệu quả kinh tế và bám nghề truyền thống là nhiệm vụ hàng đầu của các lớp dạy nghề máy trưởng, thuyền trưởng tàu cá do viện tổ chức. Qua đào tạo, ngư dân cũng biết về phạm vi giới hạn, khu vực đánh bắt, vùng đặc quyền kinh tế, pháp lý hàng hải Việt Nam để ngư dân hiểu và nắm rõ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Không chỉ ngư dân huyện đảo Lý Sơn được tham gia các lớp dạy nghề thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá, 3 năm qua, Viện Khoa học và công nghệ khai thác thủy sản, đã phối hợp với trung tâm dạy nghề các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cà Mau đào tạo khoảng 130.000 thuyền, máy trưởng cho hơn 64.000 chiếc tàu đánh cá. Các lớp đào tạo đã góp phần đáng kể nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất và sự hiểu biết của bà con ngư dân về nghề.

Tuy nhiên, ông Trần Đức Phú cũng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại số ngư dân đang làm việc được đào tạo nghề rất thấp. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để những người điều khiển phương tiện trên biển đều có thể tham gia học nghề và đủ điều kiện được cấp chứng chỉ, trong khi các học viên vừa phải đi học, vừa phải đi làm khó tập trung và đảm bảo được chất lượng đào tạo… Bên cạnh đó, giáo trình học hiện nay của nghề thuyền trưởng, máy trưởng nghề cá cần xây dựng nâng cao và phù hợp hơn, bởi những lao động học nghề phần lớn đang làm nghề và đã có nhiều kinh nghiệm…. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sửa đổi hoặc có thêm giáo trình cho những ngư dân đã có kinh nghiệm thực tiễn học nghề. Tăng mức hỗ trợ cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn khi tham gia học nghề. Đào tạo và cấp chứng chỉ đi biển cho thủy thủ đang làm việc trên tàu cá xa bờ để họ nắm bắt được công tác an toàn cho người và phương tiện trong quá trình sản xuất trên biển…

Hải Linh

Ven.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!