Ở nhiều nơi, việc nuôi tôm sú gặp nhiều rủi ro, thì tại xã An Trạch (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), nông dân lại làm giàu từ con tôm này.
Chọn khoa học làm đột phá
Nhờ chủ động nguồn nước mặn gần như quanh năm, nên nông dân xã An Trạch không ngừng phát huy thế mạnh để nuôi nhiều loài thủy sản như tôm, cua, cá… Con tôm đóng vai trò chủ lực của bà con nơi đây. Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng thủy sản toàn xã đạt gần 2.430 tấn, trong đó: sản lượng tôm chiếm 1.362 tấn, cua 465 tấn và cá 602 tấn.
Mô hình nuôi tôm công nghiệp của ông Lê Văn Sáng. Ảnh: P.Đ
Một số hộ dân cho biết, nuôi tôm công nghiệp ở đây không khó, điều quan trọng là phải nắm vững khoa học – kỹ thuật và mạnh dạn áp dụng vào sản xuất. Đơn cử như ông Lê Văn Sáng, ngụ ấp Văn Đức, xã An Trạch. Diện tích nuôi tôm công nghiệp của ông Sáng không lớn, chỉ 6 ao nuôi với 1,5ha mặt nước, nhưng mỗi vụ tôm, ông Sáng thu gần 6,5 tấn tôm thương phẩm. Sau khi trừ các khoản chi phí, ông lãi hơn 400 triệu đồng/vụ.
Ông Sáng chia sẻ: “Người nuôi tôm ở đây cũng gặp khó khăn như những nơi khác, từ cách phòng trị bệnh cho tôm đến vốn vay, hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất… Tuy nhiên, theo tôi, chỉ cần cố gắng học hỏi và ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất là sẽ có một vụ tôm thành công”. Nhiều nông dân ở xã An Trạch cũng đã làm giàu từ con tôm công nghiệp bằng việc áp dụng thành tựu khoa học – kỹ thuật và xem đây là khâu then chốt.
Xây dựng mô hình nuôi tôm sạch
Ngoài nuôi tôm công nghiệp, mô hình nuôi tôm quảng canh cũng là thế mạnh của nông dân xã An Trạch. Với người dân nơi đây, nuôi tôm quảng canh có nhiều ưu điểm như: vốn đầu tư ít, không tốn nhiều công chăm sóc, ít rủi ro, cho thu nhập ổn định…
Anh Ngô Chí Công, Tổ trưởng Tổ nuôi tôm ấp Hoàng Minh A (xã An Trạch), cho rằng: “Con tôm nuôi theo mô hình an toàn sinh học ít gặp rủi ro. Mỗi tháng, với diện tích nuôi 2,6ha, tôi thu hoạch hơn 100kg tôm, bán được từ 15 – 20 triệu đồng”. Bên cạnh đó, người nuôi tôm còn có thêm nguồn lợi về cá và cua từ việc nuôi kết hợp. Nuôi tôm theo mô hình này giảm được chi phí, tăng lợi nhuận. Đồng thời, tạo nguồn tôm sạch cho thị trường và góp phần bảo vệ môi trường.
Có thể thấy, người nuôi tôm ở xã An Trạch đã có sự đột phá. Đó là mạnh dạn ứng dụng thành tựu khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, và ý thức về bảo vệ môi trường ngày càng được coi trọng. Đây được coi là xu thế tất yếu hiện nay khi sản xuất phải gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.