Sản phẩm thủy sản sau thu hoạch trên thị trường tỉnh Quảng Bình gồm các mặt hàng quen thuộc với người tiêu dùng như: các loại cá, tôm, mực (cả hàng tươi, hàng khô và khô tẩm gia vị), nước mắm và sản phẩm dạng mắm.
Đây là các sản phẩm chủ lực của các làng nghề chế biến thủy sản truyền thống trong tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, những mặt hàng này và cùng với các sản phẩm tương tự được tư thương nhập về từ một số tỉnh lân cận để tiêu thụ trên địa bàn đang gây tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn thực phẩm thủy sản sau thu hoạch, thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra và tổ chức lấy mẫu phân tích giám sát đối với các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm. Thông qua đó để các cơ quan quản lý nhà nước có cái nhìn trực diện hơn, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh nhóm hàng này điều chỉnh thiếu sót, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm và quan trọng hơn là để người tiêu dùng nhận biết mức độ an toàn của từng loại mặt hàng.
Theo đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã thành lập các đoàn kiểm tra và thu mẫu thủy sản sau thu hoạch trên các đối tượng là tàu cá, cơ sở chế biến, kinh doanh trên phạm vi các địa phương ven biển từ huyện Quảng Trạch đến Lệ Thủy. Các mẫu lấy được đã gửi đến Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 (Đà Nẵng) để phân tích các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành.
Kiểm tra và thu mẫu sau thu hoạch tại một cơ sở chế biến thủy sản khô ở huyện Bố Trạch.
Trên cơ sở các phiếu kết quả thử nghiệm, Chi cục đã thông báo kết quả đến các địa phương và cơ sở lấy mẫu, hướng dẫn các biện pháp khắc phục đối với cơ sở có mẫu không bảo đảm an toàn thực phẩm. Cụ thể, trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, đơn vị đã thực hiện lấy 61 mẫu gồm: 35 mẫu cá biển khai thác, 4 mẫu cua, cá nuôi, 9 mẫu cá khô, 13 mẫu nước mắm và sản phẩm dạng mắm. Kết quả cho thấy, không có dư lượng các chất cấm như: Chloramphenycol, Trifluralin, Trichlofon trong tất cả các mẫu được kiểm tra. Tuy nhiên, phát hiện một số mẫu nhiễm kim loại nặng Cadimi, chì, song mức nhiễm vẫn nằm trong giới hạn cho phép.
Đối với kết quả kiểm tra nước mắm và sản phẩm dạng mắm, đơn vị đã phát hiện 4/13 mẫu có hàm lượng histamin vượt giới hạn cho phép (đây là một loại độc tố sinh học tự sản sinh trong quá trình ôi hỏng của thịt cá); đồng thời phát hiện 9/61 mẫu sản phẩm thủy sản các loại bị nhiễm vi sinh vật độc hại vượt giới hạn cho phép (trong đó năm 2012 có 5/24 mẫu nhiễm, chiếm 20,8%; năm 2013 có 4/37 mẫu nhiễm, chiếm 10,8%).
Thực trạng này đã phản ánh tình trạng vệ sinh của các cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn còn có nhiều hạn chế và bất cập. Đó là việc xử lý nguyên liệu trong quá trình chế biến chưa tuân thủ chặt chẽ theo quy trình sản xuất. Tuy vậy, qua quá trình kiểm tra cho thấy, năm 2013 tỉ lệ mẫu nhiễm vi sinh vật vượt giới hạn cho phép đã giảm đáng kể so với năm 2012 (giảm 10%). Như vậy, công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm thủy sản sau thu hoạch của Chi cục trong thời gian qua đã thực sự có tác động mạnh đến các cơ sở sản xuất kinh doanh nhóm ngành hàng này và các cơ sở đã có ý thức hơn trong việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Theo ông Lê Kim Hoàng, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, tuy chưa có điều kiện mở rộng đối tượng và phạm vi, nhưng các kết quả trên phản chiếu đúng tình hình sản xuất, kinh doanh thủy sản thực phẩm sau thu hoạch tại những địa bàn trọng điểm của các huyện, thành phố trong tỉnh.
Tuy nhiên, hiện công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi số lượng các cơ sở kinh doanh trong tỉnh nhiều, lại có quy mô nhỏ lẻ và địa bàn phân tán rộng. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng đặc biệt là hàng khô tẩm gia vị được tư thương nhập về từ ngoại tỉnh như: Hải Phòng, Nghệ An, Huế, Quảng Trị… và đưa vào các chợ thì lại thuộc về sự quản lý của ngành Công thương.
Vì vậy, với mục tiêu “Loại bỏ các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đạt các điều kiện quy định, đồng nghĩa với việc loại bỏ các sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản kém chất lượng, gây mất an toàn thực phẩm”, trong thời gian tới, Chi cục sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền cấp cơ sở và các ban ngành liên quan nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức về bảo đảm ATTP trong SXKD nông lâm thủy sản.
Cùng với đó là tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm trên các đối tượng sản phẩm thủy sản sau thu hoạch nói riêng và sản phẩm nông lâm thủy sản nói chung để kiểm soát chặt chẽ nhóm ngành hàng này.