Các nhà sản xuất cá tra Việt Nam đang gặp khó khi cố gắng tuân thủ nhiều bộ tiêu chuẩn tùy thuộc thị trường nhập khẩu. Phó Chủ tịch VASEP, ông Dương Ngọc Minh cho rằng, cơ quan quản lý của Việt Nam nên lựa chọn các tiêu chuẩn áp dụng cho nuôi cá tra, nhằm tạo điều kiện cho xuất khẩu loài cá này.
Theo ông Minh, các nhà sản xuất cá tra Việt Nam hiện nay phải tuân thủ nhiều bộ tiêu chuẩn phụ thuộc thị trường xuất khẩu như: ASC, GlobalGAP, BAP. Trong 10 năm qua, sản lượng cá tra Việt Nam tăng mạnh từ hàng chục nghìn tấn lên 1 triệu tấn/năm. Doanh nghiệp tập trung vào xuất khẩu nhưng chưa thực quan tâm tiêu chuẩn mà người tiêu dùng nước ngoài yêu cầu. Mỗi năm, Nhà nước hỗ trợ rất nhiều để giúp các doanh nghiệp tham gia hội chợ thủy sản ở EU, Mỹ, nhưng lại chưa có kế hoạch xây dựng thương hiệu cho cá tra Việt Nam. Do đó, các nước nhập khẩu có thể ngừng nhập khẩu cá tra Việt Nam, nếu phía Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn, nhất là về an toàn thực phẩm.
“Chúng tôi không có khả năng thay đổi tình hình nên buộc phải áp dụng GlobalGAP nếu muốn xuất khẩu sang EU, BAP tại Mỹ và gần đây nhất là ASC tại một số quốc gia EU”, ông Minh cho biết thêm.
Để có được chứng nhận này, đối với người nuôi cá tra Việt Nam không hề rẻ. Sản xuất cá tra theo tiêu chuẩn ASC nghĩa là phải đầu tư khoảng 50 triệu VND/ha hay phải chi thêm 5 đồng/kg cá, trong khi giá cá tra đạt tiêu chuẩn ASC thường chỉ được bán với giá cao hơn bình thường 0,2 – 0,3 USD/kg. Chi phí tuy tăng thêm không nhiều nhưng do người nuôi đang gặp khó về vốn, đặc biệt là giá thức ăn cao, trong khi nhà xuất khẩu phải cạnh tranh để giữ đơn hàng, nên mọi chi phí đều phải cân nhắc. Hiện, cả GlobalGAP và ASC đều được chấp nhận ở EU, nhưng ASC được ưa chuộng hơn, thực chất do hệ thống siêu thị muốn thông qua chứng nhận ASC để chứng tỏ sản phẩm họ cung cấp được nuôi có trách nhiệm.
Liệu sự xuất hiện của nhãn sinh thái hoặc logo trên bao bì sản phẩm có ảnh hưởng đến thói quen mua hàng của người tiêu dùng? Chưa có tổ chức nào đứng sau những hệ thống chứng nhận này cố gắng nói với khách hàng về những gì họ ủng hộ. Cá tra Việt Nam cần được giúp đỡ để có được lòng tin của người tiêu dùng, nhất là ở Bắc Âu.
Người tiêu dùng chọn mua cá tra vì giá rẻ, nhưng họ vẫn hoài nghi về cách thức mà loài cá này được nuôi. Công ty Queens Products (Hà Lan) đã tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm sản phẩm cá tra được kinh doanh ở đây và tặng miễn phí sản phẩm cá tra cho người dân Varsseveld nơi Công ty đặt trụ sở, nhưng điều này vẫn khó tạo được chiến dịch PR bền vững. VASEP cũng đã phát hành cuốn sách “26 câu hỏi – đáp về cá tra”, cung cấp đầy đủ thông tin về cá tra; song cuốn sách này mới chỉ được gửi cho các chuyên gia trong ngành thủy sản nên chưa có hiệu quả thuyết phục người tiêu dùng. Vì vậy, bên cạnh việc lựa chọn tiêu chuẩn cho sản xuất cá tra, các cơ quan quản lý Việt Nam cần xây dựng chiến lược quảng bá cho cá tra. Theo đó, việc xây dựng thương hiệu cho cá tra Việt Nam cần được ưu tiên hàng đầu, nhưng phải dựa trên mục tiêu là khách hàng, bởi nếu không thì việc kinh doanh sẽ còn bị trượt dài hơn nữa.