Ngư dân vùng biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) vừa có chuyến biển trúng lớn. Cả ngàn tàu cá cập bến mang theo đầy ắp tôm, cá, mực… Trong số đó, trúng nhất là tàu hành nghề lưới, cào đánh bắt cá cơm…
Tàu vừa cặp bến, ghe trung chuyển của lái quen đã chạy bè theo tàu của ông Lâm Văn Hùng. Trong vòng buổi sáng, hơn 30 tấn cá cơm từ ghe ông Hùng được chuyển lên tận sân phơi, kịp nắng trưa. Thuyền trưởng Hùng mãn nguyện, nói: “Đây là chuyến trúng nhất hồi đầu năm tới giờ. Phải chi một năm được chừng 5-7 chuyến vầy thì giàu to”.
Nhiều lao động ở miền biển Trần Văn Thời có thu nhập ổn định nhờ phơi cá cơm.
Với giá thu mua tại cửa biển Sông Đốc từ 10.000-14.000đồng/kg, chuyến biển này, tàu cá do ông Hùng điều khiển cầm chắc không dưới 400 triệu đồng, trừ chi phí còn lời ngấp nghé khoảng một nửa. Theo lời của anh Hùng, số tiền lời được chia cho chủ tàu và dàn ngư phủ làm công theo tàu với tỷ lệ (chủ tàu 6 phần – ngư phủ 4 phần). “Tính cả tôi luôn là 10 người trên tàu, sau khi ăn chia với chủ mỗi người được khoảng 8 triệu đồng. Số tiền ấy không phải dễ kiếm chỉ sau hơn nửa tháng lênh đênh trên biển” – thuyền trưởng Hùng cho biết.
Theo ngư dân địa phương, cá cơm được khai thác quanh năm nhưng mùa thuận và sản lượng nhiều rơi vào thời điểm khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch hàng năm có hàng trăm tàu chuyên khai thác cá cơm đua nhau bủa lưới. Sông Đốc là nơi có tàu chuyên khai thác cá cơm và sản lượng nhiều nhất Cà Mau. Có khi mỗi ngày 1 tàu có thể khai thác được hơn 2 tấn cá cơm. Cá sau khi khai thác được bảo quản bằng muối hột và nước đá, bỏ vào khoan tàu cho đến khi tàu cập bến, thường khoảng 10 ngày, có khi lâu hơn vì khai thác trúng luồng cá. Với những tàu loại nhỏ, khai thác gần bờ thì mang sản phẩm vào bờ trong ngày. Sau đó, cá cơm được chủ doanh nghiệp chuyên sản xuất mặt hàng này chở vô nhà xưởng, qua vài công đoạn làm sạch, cá được mang vô lò hấp sau đó phơi khô (nếu trời nắng tốt) hoặc chuyển qua lò sấy (thời tiết xấu) để sơ chế.
Anh Trần Quốc Khải, Chủ nhà máy bột cá, cá cơm nằm bên bờ Tây Sông Đốc (thuộc ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời), cho biết: “Mới 3 ngày đầu ghe vô bờ nhưng doanh nghiệp của tôi thu mua được gần 200 tấn cá cơm. Nếu lượng cá nhiều như chuyến biển trước, đợt này nhập xưởng không dưới 400 tấn. Sau khi sơ chế, sấy khô, cá được tiêu thụ nội địa cho các cơ sở chế biến, tẩm gia vị, giá trị tăng lên 4 – 5 lần”.
Không chỉ dân khai thác hồ hởi mà ngay cả những người lao động nhàn rỗi nông thôn cũng có thêm nguồn thu ổn định vào thời điểm cá cơm trúng đậm. Thời gian ấy, con lộ nhựa độc đạo nằm gần thị trấn Sông Đốc tấp nập cảnh nhân công phơi cá thuê. Có nơi không còn sân phơi, chủ doanh nghiệp làm giàn phơi lấn ra tận mép lộ, ngồi xe máy cũng ngửi được mùi hanh hanh, mằn mặn của cá. Tại Doanh nghiệp tư nhân Thành Lộc (ấp Rạch Lùm A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời), vụ cao điểm cá cơm năm nay, doanh nghiệp này phải thuê trên 100 lao động phục vụ việc sản xuất nước mắm cá cơm và chế biến cá cơm sấy, mỗi lao động được hưởng công từ 110.000đồng/ngày trở lên (tùy phần việc). Số tiền tuy nhỏ nhưng với những hộ không đất sản xuất như gia đình chị Trương Thị Hường, người dân tộc Khmer ngụ ấp Kinh Hãng C (xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời) thì đó là khoản thu lớn..
Sông Đốc có hơn 50 tàu chuyên khai thác cá cơm theo mùa, lúc cao điểm, nhiều tàu nghề khác cũng chuyển qua khai thác cá cơm, sản lượng mỗi năm hàng chục ngàn tấn. Từ đó, Sông Đốc cũng xuất hiện nhiều doanh nghiệp tiêu thụ, sơ chế và chế biến mặt hàng này giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn tại địa phương. Nhiều nông hộ có việc làm thường xuyên nên bám trụ quê biển, có thu nhập ổn định cuộc sống, không phải bỏ xứ lên Bình Dương, Sài Gòn làm thuê xa xôi – ông Từ Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, cho biết.