T2, 06/07/2020 10:35

Làm ăn mùa lũ – Kỳ 2: Lợi ích nuôi trồng sụt giảm

Chưa có đánh giá về bài viết

Người dân Châu Thành (An Giang) khai thác rất tốt lợi thế mùa nước nổi với nhiều mô hình đa dạng, như: Canh tác hoa màu, phát triển các loại cây trồng trên mặt nước, khai thác thủy sản tự nhiên và nuôi cá, tôm trong chân ruộng, ao hầm, nuôi lươn trong bồn… Tuy vậy, trước tình trạng lũ kiệt nhiều năm nay, địa phương này đang mở rộng dần diện tích canh tác lúa vụ 3 và người dân thay đổi cách thức làm ăn mùa nước nổi.

Kỳ 1: Khó khăn vùng đầu nguồn

Tăng diện tích, thức ăn cũng tăng

Nghề nuôi lươn ở huyện Châu Thành phát triển khá mạnh trong những năm gần đây. Tận dụng khoảng đất trống cặp bên nhà, nông dân thường xây dựng bồn cao su tạm, bên trong đổ đất và bơm nước vào để tạo môi trường sống tự nhiên cho lươn. Đối với lươn giống, chủ yếu được thu gom từ số lươn nhỏ do người dân đặt ủ trên đồng vào mùa nước nổi. Năm nay, bổ sung nguồn lươn giống cho các hộ nuôi, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Châu Thành đã mở 2 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất giống lươn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (CTMTQG XDNTM) tại xã Cần Đăng và Vĩnh Lợi. Đồng thời, thực hiện 4 mô hình nuôi lươn tại các xã Bình Thạnh, Bình Hòa, Tân Phú và Vĩnh Thành.

Dù không phải lo nhiều về con giống thì người nuôi lươn vẫn chưa thấy yên lòng khi năm nay nước nhỏ, lượng thủy sản tự nhiên quá ít. “Tôi thường chọn xuống giống vào mùa nước để tận dụng lượng cá tạp giá rẻ làm thức ăn cho lươn trong 5 – 6 tháng đầu. Năm nay, giá cá tạp quá cao mà số lượng ít, không đáp ứng đủ, tôi phải mua thêm cá biển xay nhuyễn để làm thức ăn cho lươn. Vụ nuôi này nặng vốn đầu tư quá, chắc không có lời bao nhiêu” – ông Hồ Minh Tâm, người có kinh nghiệm nhiều năm nuôi lươn trong bồn ở ấp Cần Thới (xã Cần Đăng), chia sẻ.

 

Thu hoạch lươn trong bồn ở xã Cần Đăng.

Không riêng gì lươn, năm nay, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Châu Thành tăng mạnh so năm trước. Tuy nhiên, do lũ nhỏ, giá các loại cá tạp mà người dân đặt dớn, đặt lọp, xúc ủ… luôn được bán với giá cao. Trong khi đó, giá thức ăn công nghiệp cũng tăng mạnh khiến đầu vào khó khăn. Theo ông Lê Ngọc Quỳnh, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, 9 tháng của năm 2013, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện hơn 410 héc-ta và 63 chiếc lồng bè nhỏ nuôi cá (tăng gần 42 héc-ta và 17 lồng bè so năm 2012). Cùng với 252,2 héc-ta nuôi cá trong ao, nông dân còn tận dụng những cánh đồng xả lũ nuôi 6,55 héc-ta cá trong chân ruộng và 3,09 héc-ta trong mùng vèo. Bên cạnh đó, nhiều người đã tổ chức thả nuôi 3 héc-ta tôm trong chân ruộng, hơn 6 héc-ta lươn, gần 1,1 héc-ta ếch, sản xuất 133,78 héc-ta cá giống… Ước sản lượng thủy sản trên địa bàn trong 9 tháng đạt trên 31.122 tấn, tăng 3.419 tấn so cùng kỳ nhưng lợi nhuận sụt giảm.

Tận dụng tối đa lợi thế mùa nước nổi

Cuối mùa lũ năm 2012, hàng chục hộ dân sống dọc theo Tỉnh lộ 941, đoạn thuộc xã Vĩnh Bình (Châu Thành), tiếp tục tận dụng diện tích trống xung quanh nhà xuống giống cây điên điển. Theo bà Lê Thị Bé, ấp Vĩnh Lộc (xã Vĩnh Bình), năm nay năng suất bông điên điển thấp hơn năm trước nhưng lại trổ sớm, thời gian ăn bông kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9 âm lịch. “Vào đầu vụ, một mớ bông điên điển (khoảng 200 gr) có giá 15.000 đồng, đến giữa vụ thì còn 10.000 đồng. Chúng tôi tranh thủ thu hoạch bông liên tục, bán bông tươi không hết thì đem ngâm dưa chua. Một keo dưa điên điển từ 300 – 400 gr có giá 30.000 đồng. Mùa nước nhàn rỗi, bán bông điên điển cũng có tiền mua gạo, thức ăn hàng ngày. Sau khi ăn hết bông, chúng tôi sẽ chặt bỏ cây điên điển, đợi nước rút đem hột sạ xuống đất để thu hoạch năm sau” – bà Bé chia sẻ.

Vụ thu đông năm nay, bên cạnh xuống giống tập trung 335,8 héc-ta màu tại vùng chuyên canh của xã cồn Bình Thạnh, nông dân Châu Thành còn tận dụng một số vùng đất cao không ngập lũ, đất bờ kênh, đất ven lộ giao thông để xuống giống bắp, rau cải, hành, hẹ, củ kiệu, nấm rơm, trồng cỏ nuôi bò… Đối với đất bãi bồi, chân ruộng ngập nước, người dân còn trồng rau nhút, điên điển, ấu, sen, rau muống, bông súng, lục bình… Riêng những người dân không có đất sản xuất thì nhận chở đất mướn, bắt ốc, hái rau, giăng câu, đặt lọp… kiếm sống mùa nước nổi.

 

Nông dân Vĩnh Bình làm dưa chua bông điên điển kiếm thêm thu nhập.

Ông Lê Ngọc Quỳnh cho biết, chuẩn bị sản xuất vụ thu đông năm nay, Châu Thành đã mở mới thêm 5 tiểu vùng sản xuất liên vụ, nâng diện tích canh tác lúa 3 vụ lên 24.095 héc-ta với 48 tiểu vùng đê bao khép kín. Huyện đã xây dựng kế hoạch xả lũ 14 tiểu vùng với diện tích 4.581 héc-ta. Tuy nhiên, khi đưa ra lấy ý kiến, hầu hết nông dân đều không đồng tình xả lũ do nhận định nước năm nay không lớn, có thể sản xuất lúa an toàn. Do vậy, ngoại trừ tiểu vùng Chà Và – Bà Tam (xã An Hòa) thực hiện xả lũ với diện tích 285 héc-ta, các tiểu vùng dự kiến xả lũ tiếp tục xuống giống bình thường. Đến nay, hơn 23.810 héc-ta lúa thu đông trên địa bàn huyện Châu Thành đang phát triển tốt. Với hệ thống trạm bơm điện được đầu tư đồng bộ và đê bao vững chãi, nông dân Châu Thành có thể ăn chắc vụ lúa năm nay, tăng thêm thu nhập trong mùa nước nổi…

(Còn tiếp)

Ngô Chuẩn

Báo An Giang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!