Các nhà khoa học thế giới đã tốn nhiều công nghiên cứu, nhằm tái tạo các rặng san hô trên toàn cầu. Bài báo (tóm lược) sau đây của Gavin Haines, phóng viên BBC News, cung cấp cho bạn đọc những thông tin tốt lành đó.
GS Eugene Rosenberg (Đại học Tel Aviv, Israel) khẳng định, ông là một trong một số rất hiếm người lạc quan về tương lai các rặng san hô. Ông có đủ lý do để lạc quan, bằng việc khám phá ra cách chữa trị “Dịch hạch trắng”, một căn bệnh đã tàn phá đến suy kiệt các rặng san hô từ Hồng Hải đến biển Florida Keys. Ông giải thích: “Vi khuẩn gây bệnh có trong san hô là vấn đề chính và đang làm thay đổi môi trường – sự gia tăng nhiệt độ, ô nhiễm môi trường và sự hiện diện các loài rong tảo – đã dẫn đến một tần suất lớn và nghiêm trọng hơn của dịch nhiễm khuẩn trong san hô. Dịch hạch trắng là một căn bệnh nổi bật do một loại vi khuẩn đặc biệt gây nên”. Sau khi định dạng được vi khuẩn, GS Rosenberg đã thu thập các virus tự nhiên ngoài biển – còn gọi là thể thực khuẩn – và quả quyết nó sẽ là thuốc điều trị bệnh ở san hô. GS Rosenberg nhận định: “Chúng tôi nhận thấy các thể thực khuẩn có thể tấn công và tiêu trừ căn bệnh này. Mới đây, chúng tôi đã phát hiện ra rằng con người có thể bảo vệ chống lại sự khởi đầu, ngăn chặn sự lây lan và mức độ nghiêm trọng của căn bệnh”.
Các rặng san hô đã đóng góp cho kinh toàn cầu đến 375 tỷ USD/năm
Thiếu công trình nghiên cứu khoa học
Trong khi vẫn đầy hy vọng về một cứu cánh phục hồi san hô, GS Eugene Rosenberg vẫn cho rằng chưa có đủ các nghiên cứu khoa học được tiến hành thành công về căn bệnh của nó. Nhà khoa học 78 tuổi này cho biết, có nhiều người nghiên cứu về các rặng san hô, nhưng những nỗ lực nhằm phòng ngừa hay chữa bệnh cho san hô lại hầu như chẳng có gì. Tuy nhiên, ông vẫn tin các rặng san hô có thể sống sót mà không cần sự can thiệp của con người và chúng có thể làm giảm thiểu nguy hiểm do biến đổi khí hậu. Các nhà nghiên cứu khác cũng bày tỏ nỗi lo không kém. Ông Tom Moore, một điều phối viên về phục hồi san hô, công tác tại Cục Quản lý khí quyển về đại dương quốc gia Mỹ (NOAA, Washington D.C, Mỹ) cho biết: San hô rất nhạy cảm với nhiệt độ nước biển. Khi nhiệt độ nước biển vượt quá 300C, san hô sẽ “trục xuất” các loài tảo sống trong lòng nó. Quy trình này gọi là “hiện tượng chảy máu”; màu trắng san hô sẽ thay đổi và bắt đầu nhiễm bệnh dần dần. Biến đổi khí hậu cũng liên quan hiện tượng axít hóa đại dương, ngăn chặn san hô sinh trưởng. San hô sống là do nó hấp thụ Calcium Carbonate trong nước biển, nhưng khi biển ngày càng nhiều axít thì quy trình này không diễn ra. Nếu các đại dương ngày càng quá chua thì tương lai san hô sẽ hòa tan là không tránh khỏi”.
Phục hồi san hô
Các nhân tố con người (làm ô nhiễm, khai thác thủy sản quá mức, để phân bón chảy vào biển…) chính là mối hiểm họa tức thì cho san hô, từ vùng này sang vùng khác. Sự gia tăng hiện diện các tàu hàng khiến cho rặng san hô tại Great Barrier Reef (Australia) ngày càng mỏng; trong khi đó nạn dùng thuốc nổ đánh cá và quản lý cống xả nước nghèo nàn và lạc hậu đã làm thiệt hại các rặng san hô ở Đông Nam Á. Ở Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ, một trong những vấn đề lớn nhất đang phải đối mặt là phân bón từ các trang trại chảy ra đại dương, kích thích sự sinh sôi của tảo, bóp nghẹt môi trường sống của san hô. TS Dirk Petersen, Chủ tịch Secore, một tổ chức đặt trụ sở ở Đức, chuyên nghiên cứu về sinh sản của rặng san hô, quả quyết: “Thay đổi thái độ là thách thức lớn nhất đối với chúng ta. Cần phải giải quyết những căng thẳng đè nặng lên san hô”.
Thu thập các giao tử trên bề mặt san hô
TS Dirk Petersen đã tổ chức nhiều hội thảo trên toàn cầu, nhằm giáo dục cho cộng đồng về giá trị các rặng san hô. Đó là nơi cá tìm đến sinh sản, nơi đóng góp ngân sách cho địa phương nhờ hoạt động du lịch, và là lá chắn sống giúp các khu vực duyên hải giảm thiệt hại do bão gây ra – Ước tính “những dịch vụ hệ sinh thái” thế này đã đóng góp tới 375 tỷ USD/năm cho kinh tế toàn cầu. Trong khi Secore đề cao phòng bệnh hơn chữa bệnh thì vẫn đang có những dự án thử nghiệm phục hồi san hô đang được tiến hành ở Mexico, đảo Guam (Thái Bình Dương) và Curacao (Vịnh Caribê). Đôi khi, việc phục hồi một rặng san hô có thể đơn giản như kết dính chúng với nhau, nhưng để nuôi trồng chúng ngay từ đầu thì quá trình này đòi hỏi phải có tinh trùng và trứng – còn được gọi là các giao tử, chúng được thu thập từ những đợt sinh sản hàng loạt của san hô.
Sinh sản rặng san hô
Thông thường, san hô chỉ sinh sản 1 lần mỗi năm và thường vào ban đêm trong những dịp trăng rằm. Ngay khi bước vào lần “giao hợp”, các giao tử sẽ nổi lên trên bề mặt nước để được thụ tinh và nếu quy trình này thành công, chúng sẽ chìm xuống đáy biển rồi phát triển thành cây san hô. Tuy nhiên, các hệ thời tiết và hoạt động của con người như đánh bắt cá và đi lại của tàu bè đã làm gián đoạn quy trình này, vì thế những nhà nghiên cứu như TS Dirk Petersen đã thu thập các giao tử và đưa chúng an toàn vào phòng thí nghiệm. TS Dirk Petersen giải thích: “Chúng tôi phối hợp các tinh trùng và trứng từ các vùng biển khác nhau nhằm làm tăng sự đa dạng di truyền – điều này làm hạn chế bệnh tật cho chúng. Sau khi được thụ tinh và gắn chúng vào một chất nền, đặt nuôi dưỡng chúng trên biển”.
Cây san hô sẽ được nuôi dưỡng trong vườn ươm trước khi được chuyển đến các rặng san hô – quy trình này có thể mất hơn 1 năm. NOAA và Secore – đang có mặt trong một triển lãm rặng san hô tại tại Bảo tàng Horniman (London, Anh) – trong số ít các tổ chức đã thử nghiệm thành công công nghệ nuôi san hô mới này. Tuy nhiên, theo ông Tom Moore, nhóm các nhà khoa học như ông chưa có tiền để nghiên cứu trên quy mô toàn diện.
>> Một báo cáo gần đây cho thấy, diện tích san hô tại Di sản thiên nhiên thế giới Great Barrier Reef đã bị giảm đến 50% chỉ trong 3 thập niên qua, thậm chí tại Vịnh Caribê bị giảm đến 80%. Tuy nhiên, các chuyên gia tuyên bố: Bằng những tiến bộ của khoa học, có thể phục hồi nguyên vẹn những hệ sinh thái này và nâng cao khả năng phòng chống bệnh tật của chúng. |
Nguyễn Thanh Hải
(Theo BBC News 23/8/2013)
“Sổ tay nuôi cá nước ngọt quy mô nhỏ” Nuôi cá là gì? Tại sao chúng ta phải nuôi cá? Bạn cần gì để nuôi cá? hay Đặt ao nuôi của bạn ở đâu?… Đó là một vài câu hỏi trong cuốn “Sổ tay nuôi cá nước ngọt quy mô nhỏ” của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) biên soạn do tác giả Phan Nguyễn Diệp Lan dịch. Mỗi phần của cuốn sách được bắt đầu bằng những câu hỏi và được trả lời một cách ngắn ngọn đầy đủ, dễ hiểu. Những chi tiết kỹ thuật trong quá trình nuôi cá nước ngọt quy mô nhỏ từ khâu chuẩn bị ao, chọn, thả cá giống, chăm sóc đều có hình ảnh minh họa, giúp người đọc dễ hiểu và dễ hình dung hơn khi áp dụng vào thực tế sản xuất. Những kỹ thuật như nắm đất trong lòng bàn tay để thử đất đào ao, hay đào hố đổ nước để thử đất, xem đất có tốt để nuôi cá hay không,… đó là một trong nhiều kiến thức rất đơn giản nhưng hữu ích mà cuốn sách mang đến cho người đọc. Sách do Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật phát hành. Tuấn Tú |