T2, 06/07/2020 10:35

Quảng Nam: Cảnh báo cháy nổ trên tàu cá

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xảy ra một số vụ cháy tàu cá. Mới đây nhất, vụ cháy tàu QNa 91685 TS ở Núi Thành tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về công tác phòng chống cháy nổ đối với các tàu khai thác hải sản.

Thiếu an toàn

Vào lúc 0 giờ ngày 19/9/2013, tàu của ông Bùi Lên, trú tại thôn 5, xã Tam Giang, huyện Núi Thành, làm nghề câu mực, mang số hiệu QNa 91685 TS, công suất 380CV đang neo đậu tránh bão số 8 tại âu thuyền An Hòa (thuộc xã Tam Quang và Tam Giang) thì xảy ra cháy lớn. Mặc dù Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng tỉnh đã cử cán bộ chiến sĩ khẩn trương tiếp cận chữa cháy nhưng do đám cháy quá lớn và trời tối nên việc cứu hỏa bất thành, tàu bị cháy rụi hoàn toàn. Ngày 10/6/2012, tàu cá mang số hiệu QNa 91654 TS của ông Dương Văn Hải (thôn Thuận An, Tam Giang, Núi Thành) có công suất 350CV cũng đã bị cháy hoàn toàn trên biển. Trước đó, ngày 12/1/2012, chiếc tàu câu mực khơi QNa 91298 TS có công suất 320CV của ông Trần Văn Ảnh (thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành) cũng đã bị thiêu rụi khi neo đậu gần bờ. Có thể thấy, điểm chung của các tàu cá này là đều khai thác xa bờ nên trong các khoang chứa luôn có đến hàng nghìn lít dầu cùng nhiều bình gas, bình ắc quy. Nguy cơ cháy nổ đối với các tàu cá rất khó lường khi diện tích của khoang tàu nhỏ (chừng 15m2) nhưng có nhiều mạch điện được đấu nối chằng chịt. Thêm vào đó, do đánh bắt xa bờ nên các tàu luôn chứa nhiều lương thực, thực phẩm. Các loại chuột sinh sống trong môi trường dễ làm hư đứt mạch điện, chập điện, gây cháy.

Tàu QNa 91685 TS bị cháy rụi là hồi chuông cảnh báo về an toàn cháy nổ cho tàu cá trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Q.VIỆT 

Tàu QNa 91685 TS bị cháy rụi là hồi chuông cảnh báo về an toàn cháy nổ cho tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Q.Việt

Theo ông Trần Văn Việt – Trưởng phòng Quản lý tàu cá (Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam), điều rất đáng lo ngại là tình trạng một số tàu cá lén lút mang chất nổ tự chế để đánh bắt cá. Trường hợp xảy ra sự cố có liên quan đến chất nổ thường rất nghiêm trọng, nhiều khả năng ảnh hưởng đến tính mạng của ngư dân. “Ngư dân thường chú ý đến sản lượng khai thác, ngư trường đánh bắt cho hiệu quả kinh tế cao chứ ít khi quan tâm, đảm bảo an toàn cháy nổ cho tàu cá. Điều nguy hiểm là các tàu cá thường neo đậu san sát nhau nên khi xảy ra sự cố cháy nổ sẽ dễ gây ra tai nạn liên hoàn” – ông Việt nói. Một nguy cơ khác dẫn đến cháy nổ trên tàu cá: Trong quá trình sử dụng nhiên liệu gas phục vụ sinh hoạt hàng ngày, nếu không cẩn thận có thể bị rò rỉ khí gas gây cháy và khi không kịp thời khống chế, đám cháy với sự “tiếp sức” của những can dầu dự trữ trên tàu sẽ bùng phát thành đám cháy lớn…

Tăng cường kiểm tra, tập huấn

Ông Lương Văn Đường (thôn Thuận An, xã Tam Giang, Núi Thành), chủ tàu cá QNa 91434 TS có công suất 400CV khai thác hải sản bằng nghề câu mực khơi cho biết, tàu cá của ông trang bị đầy đủ bình cứu hỏa, bơm nước và các dụng cụ chữa cháy cần thiết khác. Tuy nhiên, do lâu ngày không sử dụng nên nhiều phương tiện đã bị hư hỏng. Và ông Đường suy nghĩ đơn giản: “Trang thiết bị phòng chống cháy nổ lâu ngày không dùng, bị hư bỏ đó. Có sử dụng bao giờ đâu mà phải sắm lại, tốn tiền vô ích”. Còn nhiều ngư dân khác thì cho rằng, cháy nổ là chuyện… may rủi, không biết đâu mà phòng bị. Có thể thấy, ngư dân vẫn đang mang tâm lý chủ quan trong việc phòng chống cháy nổ trên tàu cá. Để chấn chỉnh công tác phòng chống cháy nổ, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh cần tăng cường kiểm tra các phương tiện khai thác hải sản và chỉ cấp giấy phép hoạt động cho các phương tiện đáp ứng yêu cầu an toàn phòng chống cháy nổ.

Ông Nguyễn Đình Sơn – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, trong thời gian đến, ngành nông nghiệp huyện sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy trên các tàu cá. Nếu có sai sót, sẽ lập biên bản yêu cầu các chủ tàu trang bị dụng cụ phòng cháy, chữa cháy trên phương tiện theo đúng quy định mới được ra khơi. Đồng thời ngành cũng sẽ nhắc nhở, chỉ rõ cho các chủ tàu thấy nguy cơ xảy ra sự cố cháy nổ và hướng dẫn công tác phòng cháy, chữa cháy, cách sử dụng các thiết bị chữa cháy. “Sắp tới chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền, diễn tập các phương án phòng chống cháy nổ cho tàu cá của ngư dân trên địa bàn. Vào mùa biển động, ngư dân chưa có điều kiện ra khơi sẽ là thời điểm thích hợp nhất để chúng tôi triển khai công tác này” – ông Sơn nói.

>> Chủ quan

Ông Trần Văn Việt, Trưởng phòng Quản lý tàu cá (Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam) cho biết, mặc dù đã được tập huấn thường xuyên về an toàn cháy nổ cho tàu cá nhưng nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh vẫn không trang bị đầy đủ bình cứu hỏa, máy bơm nước và các thiết bị dập lửa khác trên tàu cá. Phương tiện có trang bị thì chủ tàu đã đem các thiết bị phòng chống cháy nổ về nhà khi tàu về neo đậu vì sợ mất nên nếu xảy ra sự cố sẽ không kịp trở tay. Lúc ngành chức năng tiến hành công tác đăng kiểm tàu cá, nhiều chủ tàu, thuyền viên chưa nắm bắt, hiểu rõ các nội quy, quy định về an toàn phòng chống cháy nổ. Nhiều ngư dân chưa biết cách sử dụng trang thiết bị chữa cháy, tàu trang bị bình chữa cháy không đảm bảo chất lượng. Đáng nói hơn, nhiều chủ tàu đã không bố trí người trực trên tàu nên khi sự cố xảy ra đã không phản ứng kịp.

Ban Mai Nguyễn

Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!