Một số địa phương chuyển đổi phương thức nuôi truyền thống, theo kinh nghiệm cá nhân, sang áp dụng các công nghệ mới (sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tôm trong nhà kính, áp dụng công nghệ Nano…), bước đầu đã thấy hiệu quả tích cực; nhưng để áp dụng có hiệu quả và thành công, cần đầu tư bài bản.
Mô hình nuôi tôm trong nhà kính tại Bạc Liêu – Ảnh: Phan Thanh Cường
Ông Võ Văn Bé, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng: Nâng cao ý thức của người nuôi
Việc triển khai công nghệ mới trong nuôi tôm (như công nghệ Nano) tại Sóc Trăng đã có nhưng chưa thể hiện rõ hiệu quả tích cực. Tại một số địa phương, người nuôi phần nhiều áp dụng nuôi theo hướng an toàn sinh học, tạo nguồn thực phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Để triển khai có hiệu quả công nghệ mới, người nuôi cần quan tâm khâu chăm sóc, theo dõi vấn đề dịch bệnh, thực hiện theo khuyến cáo của ngành chức năng, đầu tư cơ sở hạ tầng. Việc áp dụng công nghệ mới cần được nghiên cứu kỹ, hộ nuôi nào đủ điều kiện thì nên thực hiện, và vẫn khuyến cáo người nuôi theo hướng an toàn sinh học, hạn chế sử dụng hóa chất, đảm bảo môi trường xung quanh.
Ông Nguyễn Văn Buội, Chi cục trưởng NTTS Bến Tre: Cần nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất
Nuôi tôm tại Bến Tre vẫn chủ yếu theo phương thức quảng canh cải tiến, thâm canh và bán thâm canh, luân vụ (lúa – tôm) với tôm sú; thâm canh với tôm thẻ chân trắng. Bến Tre đã thử nghiệm áp dụng công nghệ Nano cho tôm nuôi của Công ty Hoàng Vũ, bước đầu thấy có hiệu quả. Chi cục cũng phối hợp với Phòng thí nghiệm công nghệ Nano TP Hồ Chí Minh, xây dựng đề tài áp dụng công nghệ này trong nuôi tôm tại địa phương và trình Sở KH&CN tỉnh hỗ trợ kinh phí, dự kiến triển khai trong năm 2014. Tuy nhiên, hiệu quả những công nghệ này chưa thực sự được phổ biến rộng rãi, mới chỉ một số địa phương và doanh nghiệp áp dụng thành công. Đây là hướng đi hiệu quả trong thời gian tới; nhưng cũng cần được nghiên cứu thêm trong thực tiễn sản xuất.
Ông Nguyễn Công Quốc, Chi cục NTTS Cà Mau: Khuyến khích thực hiện với những đơn vị đủ điều kiện
Tại Cà Mau, bên cạnh các mô hình nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học, có Doanh nghiệp tư nhân Kiện Toàn đang áp dụng công nghệ Nano tại huyện Đầm Dơi, trên diện tích 10 ha từ năm 2011, đã cho hiệu quả tích cực sau 3 vụ thu hoạch. Hai vụ đầu do mới áp dụng, người nuôi chưa tiếp cận được nhiều, chi phí đầu tư cao nên mức lãi còn khiêm tốn. Nhưng từ năm 2012 đến nay, công nghệ này đã phát triển mạnh tại khu vực và lan rộng ra 2 huyện Phú Tân, Cái Nước; toàn tỉnh Cà Mau đã có 200 ha áp dụng mô hình mới này. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả tích cực, việc áp dụng công nghệ vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: nguồn vốn đầu tư lớn, chưa có cán bộ hướng dẫn trực tiếp công nghệ lắp đặt, chưa phát huy hiệu quả trong điều kiện nhiệt độ xuống thấp; cùng đó, công nghệ này mới chỉ áp dụng với tôm thẻ, còn tôm sú vẫn khó triển khai. Do đó, ngành chức năng địa phương cũng khuyến cáo, đơn vị nào đủ kinh phí thì nên triển khai, nhằm tăng năng suất, hiệu quả.
Ông Đinh Vũ Hải, Giám đốc Công ty TNHH Hải Nguyên: Hướng đi bền vững cho ngành tôm
Công ty TNHH Hải Nguyên là đơn vị đầu tiên áp dụng thành công mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính. Mô hình được triển khai từ đầu năm 2012. Sau hơn 2 tháng thả nuôi, với mật độ 360 con/m2, sau 72 ngày, tôm đạt trọng lượng 42 con/kg, năng suất 87 tấn/ha/vụ. Với mô hình này, hiện tại chưa phát hiện dịch bệnh, thời vụ ngắn hơn, sản lượng cao hơn, có thể thả nuôi quanh năm, sử dụng ít quỹ đất… Nhưng việc triển khai mô hình này cần chi phí đầu tư cao, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ tay nghề khá để có thể quản lý và chăm sóc tốt. Đây cũng là một hướng đi bền vững cho ngành tôm, khi vấn đề dịch bệnh là một trở ngại lớn với người nuôi hiện nay; nhưng chỉ những cá nhân, đơn vị nào đủ điều kiện mới nên áp dụng, vì chi phí đầu tư rất lớn.
Ông Lê Anh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh: Nên nhân rộng các mô hình
Các mô hình ứng dụng tiến bộ công nghệ sinh học, đặc biệt là công nghệ vi sinh thực hiện bằng các chế phẩm vi sinh, phân lập, lựa chọn những chủng vi khuẩn có lợi, có các hoạt tính enzyme, kháng khuẩn mạnh, lành tính, không gây hại cho người và vật nuôi. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh sinh học sẽ quản lý tốt chất thải của vật nuôi, hạn chế vi khuẩn gây hại. Men vi sinh có nhiều lợi ích: làm ổn định chất lượng nước và nền đáy trong ao nuôi tôm cá; nâng cao sức khỏe và sức đề kháng tôm cá nuôi; giảm thiểu ô nhiễm môi trường ao nuôi và xung quanh do nuôi trồng thủy sản gây nên và nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn. Các mô hình nên nhân rộng nhưng đòi hỏi người nuôi cần nâng cao ý thức trong quá trình sản xuất, không nên sử dụng kháng sinh, hóa chất làm ảnh hưởng tới môi trường và chất lượng sản phẩm.
>> Theo nhiều chuyên gia, để áp dụng thành công phương pháp mới, nhận thức của người nuôi và công tác quản lý cần được nâng cao hơn; tổ chức, cá nhân nào đủ điều kiện mới nên áp dụng những mô hình đòi hỏi chi phí lớn, để tạo hiệu quả thực sự, có thể nhân rộng trong tương lai. |