Cà Mau: Tiếp tục thực hiện đề án xét nghiệm tôm miễn phí

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhằm nâng cao ý thức cho người nuôi tôm trong việc sử dụng tôm giống qua xét nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng tôm giống, hạn chế dịch bệnh xảy ra, Đề án xét nghiệm bệnh tôm miễn phí đang thật sự là “đòn bẩy” cho nghề nuôi tôm ở Cà Mau phát triển bền vững.

Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện giai đoạn 1 của Đề án còn nhiều khó khăn, vướng mắc: Ít phòng xét nghiệm, lại nằm tập trung ở TP. Cà Mau; người dân chưa có ý thức cao trong việc xét nghiệm con giống khi thả nuôi, nên chỉ có 3 hộ mang tôm đến xét nghiệm. Mặt khác, Đề án chỉ hỗ trợ cho đối tượng hộ nghèo và cận nghèo, các đối tượng này không nhiều diện tích đất để nuôi tôm, nhu cầu con giống thả nuôi phải xét nghiệm không cao. Mặc dù đã được hỗ trợ tiền xét nghiệm nhưng chi phí đi lại gửi, lấy mẫu là một khoản không nhỏ, điều kiện kinh tế hộ nghèo và cận nghèo khó khăn. 

 

Người nuôi tôm Cà Mau cần quan tâm xét nghiệm tôm trước khi thả nuôi. 

 

Đề án xét nghiệm tôm miễn phí sẽ được thực hiện giai đoạn 2, mục đích chính là mang lại cho người nuôi tôm những vụ mùa thành công.

Thêm nữa, hiện nay nghề nuôi tôm công nghiệp và quảng canh cải tiến chưa phát triển mạnh, chủ yếu nuôi theo kiểu truyền thống (thả con giống nhiều, thu hoạch tỉa), nếu đợt này xét nghiệm, đợt sau không xét nghiệm thì sẽ có sự lây truyền mầm bệnh từ đợt trước với đợt sau. Trong khi đó, Đề án quy định mỗi hộ dân được hỗ trợ xét nghiệm miễn phí 1 mẫu/năm. Nhưng trong thực tế, người dân thả rất nhiều đợt trong năm. Đây cũng chính là nguyên nhân người dân chưa thật sự quan tâm đến đề án.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau cho biết, để Đề án có tính khả thi cao, Sở vừa trình UBND tỉnh cho điều chỉnh mở rộng hỗ trợ cho tất cả các nuôi tôm trên địa bàn tỉnh; tất cả các loại hình như quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh được hỗ trợ 100% phí xét nghiệm bằng phương pháp PCR đối với bệnh còi, đốm trắng và đầu vàng. Mỗi hộ được hỗ trợ xét nghiệm 1 mẫu/năm, thời gian điều chỉnh Đề án kéo dài thêm 6 tháng, đến tháng 6/2014.

Ông Bằng cho biết thêm, nguồn kinh phí thực hiện Đề án năm 2013 còn trên 13 tỷ đồng, trong khi đó ngành Nông nghiệp còn rất nhiều công việc bức xúc cần thực hiện nhưng lại thiếu kinh phí. Từ đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh chuyển một phần kinh phí của Đề án sang thực hiện nhân rộng Cánh đồng mẫu lớn, mua hóa chất để xử lý dịch bệnh gia súc, gia cầm, thực hiện Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 13/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020, và thực hiện một số nội dung khác. 

Theo ngành chuyên môn, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tôm nuôi ở Cà Mau liên tục bị dịch bệnh chết thời gian qua là chất lượng con giống kém. Phần lớn người dân không xét nghiệm con giống trước khi thả nuôi. Chính vì vậy, để góp phần cùng bà con kiểm soát đầu vào, hạn chế dịch bệnh trên tôm, Đề án xét nghiệm tôm miễn phí tiếp tục thực hiện đến tháng 6/2014.

Mục tiêu của Đề án nhằm từng bước nâng cao ý thức của người nuôi tôm trong việc sử dụng tôm giống sạch bệnh, góp phần hạn chế dịch bệnh trong nuôi tôm, nâng cao chất lượng tôm giống và tăng cường công tác quản lý chất lượng con giống. Đây là đòn bẩy nhằm giúp cho người nuôi tôm Cà Mau xây dựng mô hình nuôi bền vững. Theo đó, khoảng 200.000 hộ nuôi tôm trên địa bàn sẽ được hỗ trợ phí xét nghiệm con giống trước khi thả nuôi.

Hiện công tác quản lý con giống còn nhiều hạn chế, trong sản xuất còn sử dụng nhiều kháng sinh, hóa chất, ý thức của người nuôi tôm chưa cao, còn sử dụng con giống thả nuôi rẻ tiền không qua xét nghiệm. Từ đó làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của nghề nuôi tôm trong tỉnh.

Bảo Nam

Báo Đất Mũi Online

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!