Tại tỉnh Bến Tre đang có một “phong trào” tự phát là nuôi tôm biển trong vùng ngọt hóa bất chấp chính quyền địa phương đã ngăn cấm.
Người dân các xã Thới Lai, Lộc Thuận, Phú Vang, Vang Quới Đông của huyện Bình Đại chặt dừa đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng ngọt hoá. Chính quyền địa phương đã vận động bà con không đào ao mới, lấp giếng lấy nước mặn, thậm chí đã xích xe Kobe (loại xe chuyên dụng đào ao). Thế nhưng người dân vẫn chặt xích để xe hoạt động. Huyện Bình Đại đã phải sử dụng mạnh hơn là chỉ đạo ngành điện không cung cấp điện cho hộ nuôi tôm, ngân hàng không cho vay vốn. Tuy nhiên người dân vẫn bất chấp mọi hậu quả có thể xảy ra nên diện tích nuôi tôm trong vùng ngọt hoá ở các xã nói trên của huyện Bình Đại lên đến 46 ha.
Còn ở huyện Giồng Trôm, hơn 200 hộ đã đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng ngọt hóa với diện tích 30 ha ở ngoài đê bao của các xã Hưng Lễ, Thạnh Phú Đông. Vì vậy ông Đặng Thanh Khiết – Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng giúp huyện lập quy hoạch cho dân nuôi tôm biển ngoài đê bao trên diện tích khoảng 180 ha. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cho rằng việc này cần phải được cân nhắc kỹ. Theo ông Nguyễn Quốc Bảo – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy cần có đánh giá lợi – hại của việc nuôi tôm biển trong vùng ngọt hóa.
Trong lúc chờ kết luận cụ thể của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về việc có cho phép nuôi tôm biển trong vùng ngọt hoá hay điều chỉnh qui hoạch cho phù hợp, thì người dân do những nhu cầu của cuộc sống và lợi nhuận do con tôm đem lại tiếp tục chặt dừa, cây ăn trái, đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm.