T2, 06/07/2020 10:36

Khát vọng lên bờ của một làng chài

Chưa có đánh giá về bài viết

Bao đời nay, người dân làng chài Nguyệt Đức, xã Vân Hà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) lênh đênh trên sông Cầu mưu sinh. Dù cuộc sống vất vả, gian khó nhưng họ vẫn lạc quan vào một ngày thế hệ tương lai của họ được “lên bờ”.

Vất vả mưu sinh

Làng Nguyệt Đức vốn là nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh được ngăn cách bởi sông Cầu. Về địa chính thì Nguyệt Đức là ba phần đất ven sông thuộc các thôn: Yên Viên, xã Vân Hà,  thôn Vạn Phúc, phường Vạn An, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Đây là ngôi làng duy nhất không có đường bộ, không đất định cư trên bờ. Cuộc sống sinh hoạt và mọi hoạt động kinh tế của họ hầu như diễn ra trên thuyền, dưới bến. Vì vậy cuộc sống mưu sinh của họ gặp vô vàn khó khăn.

Phần lớn những chiếc thuyền  đều tập trung ở hai bờ sông, mỗi bên đều có hàng chục chiếc  hoen gỉ nối đuôi, bám chặt và được liên kết với nhau bằng những sợi dây thừng, mỏ neo chắc chắn. Những chiếc thuyền nối đuôi nhau ven xã Vân Hà trải dài cả cây số tạo thành một khối thuyền khổng lồ. Mỗi chiếc thuyền là một gia đình riêng có đầy đủ đồ đạc như ở một ngôi nhà trên bờ, từ tivi, giường chiếu, bếp núc. Thậm chí người dân còn tận dụng diện tích trồng rau, nuôi chó mèo, gia cầm trên thuyền để phục vụ sinh hoạt.

 

Một góc làng chài Nguyệt Đức vắng lặng trên sông Cầu. Đây là nơi tập trung tới 174 hộ dân với gần 1000 nhân khẩu nhưng lại khó khăn trăm bề.

Các hộ gia đình ở đây thường có từ 2-5 nhân khẩu, có hộ có tới ba thế hệ cùng sinh sống trên một chiếc thuyền.  Các hộ cũng có sự phân hóa như trên bờ, nhà nào có điều kiện hơn thì mua thuyền lớn làm kiên cố bằng bê tông, cốt thép trọng tải lớn để phục vụ việc làm ăn vận chuyển vật liệu xây dựng hay hàng hóa. Còn những hộ bình thường thì sử dụng thuyền trọng tải vừa và nhỏ để sinh hoạt, những hộ nghèo không mua được thuyền thay nhà ở thì sử dụng thuyền chài để đánh bắt thủy sản trên sông.

Kinh tế trong làng chủ yếu  dựa vào nghề vận tải trên sông và  đánh bắt thủy sản. Nghề vận tải chỉ dành cho những hộ có điều kiện hơn về kinh tế và có kinh nghiệm, truyền thống lâu năm mới có thể làm. Trước đây, làng chài Nguyệt Đức chính là nơi thông thương vận tải nguyên vật liệu và lưu thông hàng gốm cho làng Thổ Hà và rượu làng Vân. Hiện tại, giao thông vận tải đường bộ phát triển nên nghề truyền thống không còn thịnh hành nữa.

“Vận tải đường sông bây giờ cả đời cũng không mua nổi mảnh đất tử tế để xây nhà trên bờ, bởi hàng hóa giờ buôn bán khó khăn, vận tải bị cạnh tranh gay gắt không còn thế độc quyền nữa. Nhiều người đã phải bỏ nghề chuyển sang đánh bắt thủy sản hay bỏ lên bờ đi làm thuê qua ngày. Ai có nhiều mối làm ăn, quan hệ tốt mới duy trì được. Thu nhập của cả gia đình chỉ dựa vào những ngày công làm thuê trên bờ khoảng 150.000 đồng của tôi, còn vợ đánh bắt thủy sản được gì ăn nấy, hôm nào được mẻ lớn, bán bớt cũng đủ tiền sinh hoạt hàng ngày. Những gia đình làm vận tải thì khá hơn, thu nhập khá hơn vì họ đầu tư thuyền bến nhiều nhưng cũng chả đủ xây nhà trên bờ” – Một người dân làng chài chia sẻ.

Giao thông ở đây thì chỉ có sông và nước, cả làng trên thuyền nên hầu như không ai sử dụng xe máy. Bởi gần như toàn bộ thời gian họ ở trên thuyền, ít khi lên bờ mà có lên bờ cũng không làm được  gì. Chỉ có gia đình nào gần bến phà, gần nút giao thông đất liền thì họ mới mua xe máy và gửi nhờ hàng xóm nhưng chỉ sử dụng mỗi khi khẩn cấp, đi xa hay đưa đón con cháu đi học. Đường vào làng cũng khó khăn dù chỉ cách QL khoảng 10km do chủ yếu là đường đất, bê tông liên thôn nhỏ hẹp. Vì thế các hoạt động thúc đẩy kinh tế cũng khó mà phát triển.

 

 Cảnh sinh hoạt trên sông của người làng chài

 

Khao khát “lên bờ”

Vào những ngày mưa bão, nước lũ dâng cao, người dân Nguyệt Đức phải đối mặt với tử thần. Bởi dòng sông chảy xiết và gió giật khiến những chiếc thuyền cọ xát mạnh vào nhau. Khi đó họ chỉ biết  liên kết các thuyền thành một khối bằng các sợi dây thừng cỡ lớn và mỏ neo. “Cơn bão số 6 đầu tháng 8 vừa qua  đã giật tung mái thuyền khiến cả gia đình phải chạy lên bờ ở nhờ, vì mỗi thuyền chỉ chứa được lượng người nhất định nên không thể ở nhờ thuyền bên, một người làng chài kể. Trước đó, cứ mỗi lần bão lớn là cả làng lại phải chuẩn bị các phương tiện cứu hộ trên sông sẵn ở thuyền và tập trung các hộ gia đình sát lại gần nhau.

Ban ngày mọi người đi làm vất vả, nhưng buổi tối cũng không có được thời gian thoải mái. Bởi khi màn đêm buông xuống, trên sông tối đen như mực không thể làm gì. Chủ yếu họ sử dụng đài, tivi để giải trí. Bữa cơm ăn cũng vội trước hoàng hôn. Nếu đêm tối còn hoạt động, làm việc rất nguy hiểm, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vì thế, ở đây từ khi biết chạy là các cháu đã được học bơi.

 

Cụ Cao Thị Lan (73 tuổi) đang sinh sống với con trai cả trên thuyền và các cháu nội. Trước khi trời tối, gia đình bà cũng như cả làng phải hoàn tất các hoạt động sinh hoạt như tắm giặt, ăn cơm…

“Mỗi khi con cái, bố mẹ bị đau ốm cần đi viện thì cả nhà lại được phen rối loạn. Từ thuyền lên bờ nếu nhà nào gần đường cái thì chỉ có một tấm ván nhỏ dài 3-5m, rộng 20cm bắc lên, còn những nhà ở xa không nối được ván thì đi qua từng nhà một để lên. Hoặc phải sử dụng thuyền nhỏ, xuồng máy để đưa người thân đi cấp cứu. Lần sinh con gái thứ hai 5 năm trước, cả gia đình phải bơi thuyền nhỏ đưa tôi lên bờ ra trạm y tế xã Yên Viên nhưng vừa tới nơi thì con tôi cũng đã chào đời. Rất may là mẹ tròn con vuông” – chị Quỳnh (41 tuổi) chia sẻ.

Các cháu ở đây đều được cắp sách tới trường nhưng muôn vàn gian nan. Hàng ngày nhiều cháu muốn tới lớp phải lò cò qua từng chiếc thuyền san sát nhau. Có cháu không may sảy chân ngã xuống nước coi như mất buổi học. Một số cháu mầm non, tiểu học thì bố mẹ phải cắt thời gian ra đưa đón. Các cháu lớn thì không có điều kiện học lên cao, nhiều cháu phải bỏ dở giữa chừng vì mưu sinh, số còn lại tốt nghiệp phổ thông nhưng cũng không tiến xa được.

 

Chị Bùi Thị Liên (25 tuổi) hàng ngày vẫn ôm con lái đò mưu sinh – Ảnh: Quân Nguyễn

“Cả đời tôi lênh đênh trên sông không quản ngại, nhưng tôi chỉ mong các cháu một ngày sớm nhất được lên bờ an sinh. Không hy vọng các cháu đỗ đạt, giàu sang chỉ cần có nghề nghiệp ổn định, mua được đất, xây được nhà là tôi mừng lắm. Cả làng chài Nguyệt Đức quanh năm bán mặt cho nước, bán lưng cho trời ai ai cũng chỉ ước mong có vậy” – chị Nguyệt, một người dân làng chài  bùi ngùi.

Ông trưởng thôn Trần Văn An cho biết: “Cả làng chài có 174 hộ sống trên thuyền, tổng cộng hơn 800 khẩu đã sống bao đời nay, trải dài khoảng 2km dọc bờ sông. Hầu hết các cháu ở làng đều được cắp sách tới trường như các bạn trên bờ nhưng rất ít cháu theo con đường học. Cả khóa 2012 – 2013 chỉ có 1 cháu đỗ ĐH, còn lại là cao đẳng và chỉ tốt nghiệp phổ thông. Tỷ lệ bỏ học giữa chừng cũng nhiều do hoàn cảnh gia đình khó khăn”.

Quân Nguyễn - Quốc Doanh

phapluatxahoi.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!