T2, 06/07/2020 10:36

Xứng danh Anh hùng Lao động

Chưa có đánh giá về bài viết

Chúng tôi đến Công ty CP Thủy sản và XNK Côn Đảo (Coimex) một ngày cuối tháng 7/2013. Khác không khí im ắng thường thấy tại nhiều nhà máy thủy sản hiện nay, hoạt động kinh doanh của Coimex vẫn diễn ra tất bật. Người đang thổi sinh khí cho Coimex là Tổng Giám đốc, Anh hùng Lao động Lê Văn Kháng.

Từ lời hứa với đồng đội…

Doanh nhân Lê Văn Kháng sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Phụng Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Năm 1968 ông tốt nghiệp tú tài và sau đó tham gia cách mạng với vai trò nội tuyến ở Quân khu 9… Sau giải phóng, ông là một trong những người đầu tiên được phân công tiếp quản Côn Đảo trong vai trò một chiến sĩ công an. Khi Xí nghiệp Vận tải và Khai thác hải sản Bến Đầm được thành lập, ông được lãnh đạo huyện Côn Đảo “chọn mặt gửi vàng”.

Thời điểm đó, nhiệm vụ chính của Xí nghiệp là tổ chức đánh bắt xa bờ và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nhiệm vụ nặng nề, bản thân ông sau khi rời ngành công an sang làm kinh tế càng nhiều bỡ ngỡ. Để hiểu công việc cũng như các cộng sự của mình, ông đã theo những con tàu đánh bắt xa bờ ra biển. Những chuyến thực tế này là cơ sở để ông có những quyết định hợp lý trong hoạt động điều hành xí nghiệp, qua đó tạo sự đồng thuận cũng như nhiệt tình với công việc của người lao động.

Năm 1992, Xí nghiệp Vận tải và Khai thác hải sản Bến Đầm được chuyển đổi thành Công ty Thủy sản và XNK Côn Đảo (Coimex) và đến năm 2006 Công ty được cổ phần hóa sau 14 năm hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhà nước.

Từ ban đầu với chỉ vài chiếc tàu, văn phòng thì đi thuê, Lê Văn Kháng đã chèo lái con thuyền Coimex, phát triển đội ngũ nhân lực lên hàng trăm người; đoàn tàu khai thác với số lượng ngày càng hùng hậu và đóng góp ngày càng lớn cho kinh tế – xã hội địa phương.

Ông Lê Văn Kháng (bên phải) nhận danh hiệu Anh hùng Lao động

Điều đặc biệt ở Lê văn Kháng, càng khó khăn ông càng quyết tâm vượt qua. Theo ông, một trong những lý do để ông không thể gục ngã hay rời bỏ Côn Đảo những lúc khó khăn nhất là dù thế nào cũng phải giữ lời hứa với chính mình và với các liệt sĩ hy sinh trên đất này.

 

…đến “Vua Surimi Việt Nam”

Năm 1998, trước những khó khăn nghề cá và thực trạng nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, đứng trước sự sống còn của doanh nghiệp và việc làm của hàng trăm lao động, Lê Văn Kháng phải trăn trở rất nhiều. Nghiên cứu kỹ thị trường, ông quyết định thay đổi chiến lược kinh doanh, với định hướng là chế biến và nuôi trồng thủy sản, nhằm giải quyết đầu ra cho nguồn hải sản đánh bắt và tạo nguồn nguyên liệu bổ sung vào nguồn lợi hải sản đang ngày càng cạn kiệt.

Lúc này, ông nhận thấy sản phẩm Surimi (chả cá) rất được ưa chuộng tại nhiều nước châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…). Trong khi đó nguồn nguyên liệu hải sản mà Công ty có thể mua được từ ngư dân rất dồi dào. Vậy là một quyết định táo bạo nữa được ông đưa ra: đầu tư dây chuyền chế biến Surimi xuất khẩu.

Vừa tìm hiểu thị trường trong nước, vừa đi nước ngoài tìm hiểu về Surimi với những tài liệu ít ỏi. Đem suy nghĩ, trăn trở của mình chia sẻ với bạn bè, ông may mắn được một người bạn Mỹ giới thiệu với một đối tác Hàn Quốc; nhờ đó ông có cơ hội tham quan quy trình sản xuất và chế biến Surimi tại Hàn Quốc, niềm tin về một thương hiệu Surimi Việt Nam cũng được nhân lên. Không lâu sau khi ông về nước, Nhà máy chế biến Surimi đầu tiên ở Việt Nam ra đời. Không chỉ giúp ngư dân địa phương và vùng lân cận tiêu thụ hết sản lượng cá đánh bắt, Surimi đã trở thành cứu cánh cho Coimex; thương hiệu Coimex từ đó cũng được khẳng định mạnh mẽ hơn. 

Sản phẩm Surimi đã có từ lâu trên thế giới, nhưng ở Việt Nam khi đó còn mới, việc Coimex đầu tư sản xuất sản phẩm này là sự đón đầu táo bạo.

Dù đã tính toán kỹ về thị trường, nhưng xây dựng thương hiệu Surimi Việt Nam vẫn nhiều gian nan; thành công nhiều nhưng thất bại không ít. Ông chia sẻ: “Nếu khai thác nguyên liệu khó một thì việc làm sao khẳng định được trên thương trường khó gấp nhiều lần. Nhưng càng đi, càng làm càng vỡ ra nhiều điều, càng phát hiện ra những mặt trái cũng như những điều thú vị”.

Không lâu sau, sản phẩm mang thương hiệu Surimi Việt Nam đã khẳng định được trên thị trường. Sau khi thành công tại thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, ông nghĩ ngay việc mở rộng sang EU. Đây cũng là thị trường rất khó tính, nhưng với chất lượng sản phẩm Coimex, ông hoàn toàn tin vào sự thành công của Coimex tại thị trường này. Ông cùng các cộng sự trong Công ty bươn chải khắp các thị trường châu Âu, Nga… để tìm thị trường, xúc tiến thương mại.

Để thuận lợi cho kế hoạch phát triển của mình, năm 2003 sau khi đầu tư thêm dây chuyền sản xuất Surimi mô phỏng, Coimex đã triển khai áp dụng thực hiện chương trình quản lý ISO-HACCP và được cấp Coude EU-DL 286 năm 2005. Với quyết tâm đưa Coimex trở thành đơn vị đi đầu thâm nhập thị trường EU với sản phẩm Surimi và sản phẩm mô phỏng Surimi, Công ty đã đầu tư nâng cấp thiết bị hiện đại, dây chuyền chế biến khép kín đạt tiêu chuẩn chất lượng và vi sinh với tổng số tiền 15 tỷ đồng; nâng công suất nhà máy từ 6.000 tấn/năm lên 9.600 tấn/năm và đầu tư thêm một nhà máy công suất 9.600 tấn/năm vào năm 2008.

Sau khi khẳng định được chất lượng, Coimex tiến hành liên doanh với 2 đối tác nước ngoài là LEECHUAN FOOD (Singapore) và TEXCHEM FOOD (Malaysia) để bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Với đà đó, Coimex tiếp tục mở rộng sang các thị trường EU, Nga, Mỹ, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ.

Giờ đây, sản phẩm Surimi Việt Nam của Coimex đã khẳng định được chất lượng, thương hiệu của mình và đã được xuất khẩu sang hàng chục nước khác. Năm 2008, Coimex đạt kim ngạch xuất khẩu 40 triệu USD, là đơn vị có sản lượng xuất khẩu vào EU dẫn đầu cả nước. Từ năm 2009 đến nay, luôn giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về sản lượng xuất khẩu thủy sản sang EU và Nga.

>> 7 năm sau cổ phần hóa, dù phần lớn thời gian nằm ngay trong tâm bão suy thoái kinh tế nhưng Coimex vẫn luôn có biểu đồ tăng trưởng tốt, khiến không ít doanh nghiệp thèm khát.

Quốc Hưng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!